Trong khi lãnh đạo Bộ Xây dựng lạc quan là giá nhà ở xã hội có thể dưới 10 triệu đồng/m2, chủ đầu tư các dự án xin chuyển sang nhà ở xã hội lại không nghĩ thế.

Nói về gói hỗ trợ 30 ngàn tỷ đồng giải cứu thị trường bất động sản (BĐS), Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam khẳng định "với chính sách ưu đãi của Nhà nước như hiện nay, giá bán có thể dưới 12 triệu đồng/m2, thậm chí dưới 10 triệu đồng/m2" nhưng trao đổi với phóng viên, lãnh đạo đứng đầu các doanh nghiệp xin chuyển đổi dự án lần này đều khẳng định giá như thế là quá chạm đáy rồi và không thể hạ được nữa.

Hiện các dự án đang hoàn tất thủ tục nên sớm nhất phải gần cuối tháng 6 chủ đầu tư mới tiếp cận được với gói hỗ trợ.

Gói tín dụng 30 nghìn tỷ đồng sẽ được áp dụng từ 1/6 tới đây, trong đó 30 % sẽ được dành cho doanh nghiệp và 70% cho người mua nhà. Với gói hỗ trợ này ai cũng mong muốn người lao động sẽ mua được nhà, hỗ trợ phân khúc nhà thu nhập thấp, góp phần tiêu thụ và làm ấm thị trường bất động sản.

Ông Phan Tấn Anh, Phó giám đốc công ty TNHH bánh kẹo Thăng Long, đơn vị đang xin chuyển tổ hợp chung cư cao cấp AZ Thăng Long sang nhà ở xã hội cho biết, trong tình hình nhà ở thương mại bị tồn đọng thì việc xin chuyển sang dự án nhà ở xã hội nhằm đáp ứng nhu cầu nhà ở của người dân, giải quyết hàng tồn kho và tiếp cận được gói hỗ trợ của Chính phủ.

Tuy nhiên theo ông Tấn Anh thì với gói hỗ trợ này không thể nói là giải cứu thị trường BĐS vì thực ra cũng chưa biết cả người mua nhà và doanh nghiệp tiếp cận kiểu gì. Chủ đầu tư thì khó tiếp cận còn người mua nhà thì không mặn mà vì nó bị hạn chế bởi các điều kiện, để tiếp cận được nguồn vốn có rất nhiều thủ tục mà họ không thể đáp ứng nổi.

Dù thế thì doanh nghiệp vẫn hi vọng tiếp cận được vốn để tiếp tục thi công dự án. Hiện tại công ty đã hoàn thiện phần móng và đang hoàn tất thủ tục pháp lý.

Nói về khả năng hạ giá BĐS sau khi tiếp cận vốn ưu đãi, ông Tấn Anh cho biết, giá nhà thu nhập thấp như hiện tại là “quá chạm đáy”, và cũng không phải là có nhiều dự án nhà ở xã hội nếu giảm nữa thì doanh nghiệp không có lãi.

“Chắc chắn khi người dân tiếp cận được vốn thì sẽ giải quyết được hàng tồn kho, còn với phân khúc nhà trung bình và cao cấp khi có thanh khoản thì sẽ quay trở lại chứ không có giảm giá”, ông Tấn Anh nhận định.

Đánh giá về tác động của gói hỗ trợ 30 nghìn tỷ đồng ông Hoàng Văn Anh, Giám đốc Tổng công ty Đầu tư xây dựng và Phát triển Sông Đà cho hay gói hỗ trợ này góp phần hỗ trợ cho người thu nhập thấp mua nhà và các doanh nghiệp đầu tư vào dự án nhà ở xã hội.

So với thị trường BĐS hiện nay thì gói hỗ trợ như vậy cũng chưa phải là nhiều nhưng với mức lãi suất như thế là một điều đáng quý.

Nhưng chủ yếu là hỗ trợ người mua nhà vì nhu cầu nhà ở thu nhập thấp là rất lớn. Trong thời điểm vốn dành cho thị trường BĐS hạn chế thì với mức lãi suất thấp và gói tín dụng này thì cực kỳ tốt.

Tuy nhiên đánh giá về thị trường sau khi tiếp cận vốn thì ông Hoàng Văn Anh cho rằng: “hiện nay giá như thế là giá thực chất của nhà ở xã hội. Hiện nay doanh nghiệp đã giảm tới cái mức mà không thể giảm được nữa. Vì trong kinh doanh người ta đã chấp nhận một lợi nhuận nhỏ nhất và chịu sức ép vay khi đầu tư.

“Không còn giá thấp hơn nữa và nếu có giá thấp hơn nưã thì đấy là giá ảo, giá của những người bán tháo”, ông Hoàng Văn Anh nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, với nhiều dự án đang xin chuyển đổi hiện nay thì không chỉ giá mà các chủ đầu tư còn phải bước vào cuộc cạnh tranh về chất lượng, như thế sẽ có nhiều sự lựa chọn, cân nhắc cho người mua.

Theo ông Hoàng Văn Anh thì hiện tại những người đầu tư BĐS không ai dám, chỉ muốn có công ăn việc làm, tiêu thụ hàng hóa sản phẩm và có lợi nhuận vừa đủ để nuôi bộ máy và tích lũy nhỏ để tái đầu tư và hiện nay thủ tục vẫn chưa hoàn thiện nên trong tháng 6 nếu khởi công được thì công ty sẽ tiếp cận được vốn.

Đồng quan điểm trên, theo ông Trần Xuân Hùng, PGĐ công ty Đầu tư và Phát triển hạ tầng Viglacera cho biết là một doanh nghiệp rất mừng khi có chính sách hỗ trợ từ nhà nước. Nhà ở thu nhập thấp hay nhà ở xã hội là phần của bất động sản vì thế khi có hỗ trợ thì nó góp phần giải quyết nhà ở cho người lao động và một phần gián tiếp giải cứu thị trường BĐS.

“Trong thời điểm này người mua có nhu cầu nhà ở cũng không lo chờ đợi và sợ bị “hớ” bởi giá nhà như thế là không phải cao, nếu trông chờ giảm nhiều nữa thì chắc chắn sẽ khó bởi doanh nghiệp cũng đã cố gắng giảm hết mức”, ông Hùng nói.

Diệu Thùy (Infonet)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.