Khó khăn trong tiếp cận đất sản xuất luôn thường trực đối với các DN, đặc biệt là các DNNVV. Theo khảo sát của VCCI trên 10.000 DN cho thấy, có tới 30% DN đang gặp khó khăn liên quan đất đai. Cùng với nguồn vốn, hạ tầng và lao động, đất đai là một trong bốn khó khăn hàng đầu mà DN VN phải đối mặt.
Nên thay “chế độ thu hồi đất” bằng “chế độ trưng mua đất vì lợi ích công cộng” (ảnh: khu đất của Vinashin bỏ hoang tại KCN dịch vụ dầu khí Soài Rạp, huyện Châu Thành, Tiền Giang)

Cứ phải đi “cửa sau” mới có đất sản xuất kinh doanh là nỗi khổ hàng đầu của DN hiện nay.

Hạ nhiệt đất sản xuất

Theo Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc, giá đất quá cao cùng với các thủ tục hành chính phiền hà đã hạn chế khả năng tiếp cận mặt bằng của các DN, đặc biệt là DNNVV. DN đang kỳ vọng rất nhiều vào việc sửa Luật Đất đai lần này. Đây là một trong những cơ hội quan trọng, góp phần giải quyết vướng mắc cho DN, giúp DN vượt qua khó khăn, trụ vững và phát triển.

Nhận xét về dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, Luật gia Vũ Xuân Tiền cho rằng, 6 nút thắt của Luật Đất đai hiện hành vẫn chưa được tháo gỡ trong dự thảo luật sửa đổi, từ cơ chế thu hồi đất, việc xác định giá đất thiếu minh bạch, phân cấp về quản lý đất đai quá rộng, đến quy định về tiền sử dụng đất không hợp lý, quy định hạn mức giao đất nông nghiệp bất hợp lý, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đất đai quá nhiều (600 văn bản).

Đồng tình, LS Trương Thanh Đức - Chủ tịch Cty luật Basico cho rằng, Dự thảo luật vẫn còn bất hợp lý trong việc bồi thường, vẫn lấy giá bồi thường theo quy định của UBND tỉnh ban hành để bồi thường. Như vậy là tiếp tục duy trì tình trạng bất công, thiệt thòi cho người dân. Nguyên tắc “phù hợp với giá thị trường” là một điều luật tuyệt vời nhưng vẫn nằm trên giấy.

Còn theo Luật sư Nguyễn Tiến Lập – Văn phòng LS NH Quang và cộng sự, giá thị trường phải được hình thành trên cơ sở giá thỏa thuận thay vì nói chung chung, mù mờ. Theo đó, nhà đầu tư phải thỏa thuận với đại diện cộng đồng dân cư có đất bị thu hồi. Nguyên tắc này có thể xem như là “phanh hãm” để giúp nhà đầu tư cân nhắc, tính toán tiết kiệm hơn khi đầu tư dự án thay vì phung phí như hiện nay.

Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng, việc định giá đất không thể đạt tuyệt đối 100% với giá thị trường song Nhà nước nên có các công cụ để “kéo” giá đất gần nhất với giá thị trường. Và hãy để thị trường làm công việc định giá.

Luật cần hướng tới bền vững

Cứ phải đi “cửa sau” mới có đất sản xuất kinh doanh là nỗi khổ hàng đầu của DN hiện nay.

Một phương án thu hồi đất mới từ kinh nghiệm của một số quốc gia cũng được nhiều chuyên gia đề xuất, đó là trưng mua quyền sử dụng đất. Cũng theo Luật gia Vũ Xuân Tiền, luật có thể thay thế việc thu hồi đất bằng cơ chế trưng mua quyền sử dụng đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, phát triển kinh tế.

Cùng quan điểm này, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng VN Phạm Sỹ Liêm nhận xét: Quy định về thu hồi đất được duy trì trong dự thảo luật sửa đổi lần này cho thấy, mục đích phát triển kinh tế - xã hội đã vượt quá quy định của Hiến pháp. Chính vì vậy đã tạo điều kiện cho lạm quyền và tham nhũng, và quyền của người sử dụng đất không được bảo vệ chặt chẽ. Vì vậy, nên thay “chế độ thu hồi đất” bằng “chế độ trưng mua đất vì lợi ích công cộng”, và xác định rõ nội hàm của lợi ích công cộng.

Dưới góc độ cơ quan quản lý, Thứ trưởng Bộ TN-MT Nguyễn Mạnh Hiển cho biết, dự thảo đi theo hướng hạn chế thu hồi đất, khuyến khích chuyển nhượng đất, khuyến khích người dân cho thuê đất và họ góp vốn bằng quyền sử dụng đất. Việc quy định về tài chính, thuế cũng phải đi theo hướng đó, để đảm bảo đời sống của người dân.

Theo Bá Tú (DĐDN)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.