Không thể chờ chính sách đã ban hành đi vào cuộc sống trong khi áp lực vốn vẫn đang nặng nề, không thể thụ động chờ được cứu, nhiều doanh nghiệp bất động sản đang tự tìm cách cứu mình.

Bất động sản TPHCM vẫn đang bị trầm lắng (Ảnh minh họa: Báo Đô thị)

Chưa thực sự tiếp cận được với nguồn vốn giá rẻ, thị trường địa ốc vẫn trong cảnh ảm đạm... Điều này đang tiếp tục tạo áp lực cho phần lớn các doanh nghiệp bất động sản. Mặc dù mới đây Ngân hàng nhà nước đã công bố giảm lãi suất và nới lỏng hơn tín dụng cho vay với lĩnh vực bất động sản, nhưng theo nhiều doanh nghiệp, để các chính sách hỗ trợ thị trường có thể phát huy tác động sẽ còn cần một độ trễ về thời gian.

Trong khi áp lực về trả lãi vay, vận hành bộ máy, trả công người lao động... vẫn là sức ép hiển hiện từng ngày, nhiều doanh nghiệp địa ốc đã phải tìm cách làm mới để tự cứu mình, thay vì ngồi chờ chính sách.
Ghi nhận tại thị trường TP.HCM cho thấy, thời gian vừa qua, rất nhiều chủ đầu tư đã có những sáng kiến rất hợp lý. Chẳng hạn, từ trước đến nay, chủ đầu tư xây nhà theo thiết kế chung, người mua nhà muốn sửa theo ý mình thường phải bỏ tiền ra sửa lại. Chi phí đập đi, sửa lại đôi khi gây lãng phí cả trăm triệu đồng cho cả chủ đầu tư và người mua nhà.
Bây giờ, thay vì người mua nhà bỏ tiền ra đập đi sửa lại, chủ đầu tư của một số dự án ở TP.HCM mời người mua nhà đến để hỗ trợ sửa nhà theo ý thích. Theo đó, không những không phải vứt bỏ các thiết bị đã lắp đặt trong căn phòng dự định sửa sang, khách mua còn được trừ tiền thiết bị không dùng vào giá căn hộ.
Nhiều khách mua nhà đánh giá, sáng kiến này thực sự rất hữu ích bởi nó không chỉ tiết kiệm tiền cho cả đôi bên mà còn bảo vệ môi trường. Hơn nữa, đây cũng là một chiêu rất tốt để kích thích tâm lý khách mua nhà.
Trao đổi việc này với ông Phạm Ngọc Lâm, Chủ tịch Hội đồng Quản trị công ty cổ phần Đức Khải – đơn vị đã có sáng kiến trên, ông cho biết, những lãng phí cho viêc đập đi sửa lại tại nhiều dự án hiện nay là rất lớn. Đó là lý do ông đã nghĩ ra sáng kiến tiết kiệm chi phí cho người mua nhà để kích thích nhu cầu mua…
Thậm chí, để khách hàng đi đến quyết định mua nhanh hơn, công ty ông còn đưa ra chính sách người mua chỉ phải nộp 60% giá trị sẽ nhận luôn nhà để ở, 40% còn lại sẽ được nợ trong 1 năm...
Ông Lâm cũng cho biết, để đưa ra chính sách trên, công ty cũng phải gồng mình vì chi phí quản lý và chi phí vốn đội lên khá lớn, chưa kể là lỗ… Nhưng trong bối cảnh thị trường chung là ảm đạm, doanh nghiệp chấp nhận tự tìm cách cứu mình, hơn là ngồi đợi chính sách.
“Công trường còn bao nhiêu lao động phải làm việc, vật liệu phải tiêu thụ... Chính phủ đã rất nỗ lực thì doanh nghiệp cũng nỗ lực thêm để cùng gánh vác tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cho sản xuất...”, ông Lâm bày tỏ quan điểm.
Mặc dù ngân hàng nhà nước cũng đã phát đi thông điệp nới tín dụng mạnh mẽ cho bất động sản và lãi suất vay sẽ giảm trong thời gian tới; TP.HCM cũng đang tiến hành cải cách thủ tục hành chính, tạo quỹ đất sạch, mua lại căn hộ tại dự án ế để làm nhà tái định cư… nhưng để một loạt giải pháp này đi vào cuộc sống, vẫn cần phải có một độ trễ nhất định.
Bản thân lãnh đạo Sở Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM, giám đốc Thái Văn Rê cũng thẳng thắn, “Thành phố cũng đang nỗ lực. Nhưng doanh nghiệp cần phải tự cứu mình, phải có những sản phẩm tốt mới phát triển được”.
Theo hiệp hội bất động sản TP.HCM, hiện 70% dự án đang phải dừng triển khai vì thiếu vốn và không bán được hàng.
Theo VTV
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.