Không ít DN chấp nhận vay tiền với lãi suất rất cao để kéo dài tuổi thọ, chờ sự thay đổi của thị trường.

Thị trường BĐS quá khó khăn, nhiều DN BĐS như bị đẩy vào đường cùng. Vì vậy, không ít DN chấp nhận vay tiền với lãi suất rất cao để kéo dài tuổi thọ, chờ sự thay đổi của thị trường. Tuy nhiên, nếu thị trường không sớm khởi sắc trở lại, nhiều DN BĐS sẽ tiếp tục “chết lâm sàng” rồi tiến tới… chết thật!


Cách đây không lâu, ngành thuế đã công bố danh sách hàng loạt DN BĐS nợ tiền thuế sử dụng đất lên đến hàng trăm tỷ đồng. Điều này cho thấy tình hình tài chính của các DN BĐS thực sự rất khó khăn


Trao đổi với ĐTCK, ông Lê Ngọc Tú, Giám đốc Công ty Địa ốc Bình Dân cho biết, do mức thuế quá cao, thị trường BĐS lại đóng băng, DN không thể trả được thuế nên ông đang xin được đóng thuế bằng chính đất của dự án.


Ông Tú cũng chia sẻ, do thị trường BĐS quá khó khăn nên Công ty đã chuyển sang kinh doanh nhà hàng. Trớ trêu là công việc kinh doanh này mang lại doanh thu chính cho DN BĐS này trong cả năm nay. Ngay cả việc Ngân hàng Nhà nước quyết định nới rộng tín dụng với BĐS, theo ông Tú, nếu tiếp cận được nguồn vốn mới, DN BĐS cũng chưa thể thoát được khó khăn. Vì hiện thị trường không có thanh khoản, nhà giá cao và giá thấp đều không bán được. Mà không có thanh khoản thì dù vay được tiền với lãi suất thấp, DN vẫn chết.


Ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành cho biết, do DN BĐS quá khó khăn, nhất là khó khăn về tiền mặt nên nếu vay được tiền, nhiều DN vẫn sẽ vay. Dù với mức lãi suất từ 14 - 16%/năm, việc vay tiền cũng rất rủi ro. Nhưng có tiền sẽ giúp DN trả lương công nhân, trả lãi ngân hàng, đầu tư vào sản xuất giúp kéo dài tuổi thọ DN, chờ đợi sự thay đổi của thị trường, nên nhiều DN vẫn đi vay. Tuy nhiên, nếu thị trường không sớm thay đổi, DN cũng chỉ còn nước phá sản hàng loạt.


Không chỉ DN BĐS phía Nam mới rơi vào thảm cảnh này. Tại Hà Nội, nơi nhiều người vẫn tin các DN BĐS có tiềm lực sẽ ít bị tác động, nhưng trên thực tế, các DN cũng đang phải “cắn răng” chịu đựng khó khăn.

Giám đốc DN C.N.L, chủ dự án BĐS lên đến hàng trăm héc-ta tại quận Hà Đông cho biết, do thị trường BĐS đóng băng và tình hình tài chính của DN suy yếu, nên cả năm qua, DN này gần như ngừng thi công các dự án. Trong khi đó, với nhiều dự án lân cận, vì thiếu vốn, không thể triển khai đúng tiến độ, DN liên tục bị khách hàng khiếu nại, đòi rút vốn khiến DN càng khó khăn hơn.


Ông Nguyễn Đỗ Việt, Phó tổng giám đốc CTCP Sông Đà Thăng Long cho hay, thời kỳ thị trường tăng trưởng nóng, các DN kinh doanh VLXD và đơn vị thi công có thể cho chủ đầu tư nợ tiền thi công hay tiền VLXD. Nhưng thời gian qua, DN địa ốc như bị các đối tác quay lưng, ở trong thế kẹt. Vì nhiều DN kinh doanh VLXD nếu chưa thấy tiền trong tài khoản hoặc tiền chưa trao tay, họ sẽ chưa xuất hàng. DN xây dựng, nếu chưa nhận được tiền cũng sẽ không có chuyện DN tiếp tục tiến hành thi công, xây dựng.


Không dám nói đến khó khăn của DN của mình, ông Nguyễn Đức Cây, Chủ tịch HĐQT ConstreximHod cho rằng, thị trường khó khăn kéo dài cả năm trời, sẽ chẳng có DN nào thoát khỏi vòng xoáy đó. Thực tế, trong hàng chục nghìn DN bị khai tử trong năm qua, theo ông Cây, có không ít DN BĐS vì quá khó khăn cũng đã âm thầm khai tử. Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường BĐS chưa có sự cải thiện, muốn tồn tại và phát triển, các DN không còn cách nào khác là giữ uy tín với khách hàng và thực hiện đúng các cam kết khi triển khai dự án.


Xác định được điều này nên ngay sau động thái mở tín dụng với BĐS của NHNN, ConstreximHod đã tiến hành thủ tuc xin vay vốn ngân hàng khoảng 100 tỷ đồng. Theo ông Cây, nếu vay được tiền, DN sẽ sử dụng hiệu quả và các dự án chắc chắn sẽ được đẩy nhanh tiến độ hoàn thành.

Theo ĐTCK
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.