Từ nhiều tháng nay, những con đường ở TPHCM như Trần Não, Lương Định Của (quận 2), Nguyễn Duy Trinh (quận 9), Nguyễn Văn Lương (quận 7)… được coi là những “phố” địa ốc, đã không còn còn cảnh nhộn nhịp, tấp nập kẻ mua người bán tại các sàn giao dịch BĐS.

Ăn theo các dự án trên địa bàn quận 2, quận 9, sự kiện cầu, hầm Thủ Thiêm… các sàn giao dịch, môi giới BĐS nơi đây đã mọc lên như nấm. Nhưng sau nhiều năm không cầm cự nổi với thị trường ảm đạm, đã có đến 90% sàn tự động giải thể.

Ông Nguyễn Xuân Lộc, nguyên Giám đốc Sàn giao dịch BĐS Vinaland ở đường Trần Não, cho biết thời hoàng kim, mỗi ngày đều có giao dịch, mỗi ngày đều có tiền. Khi thị trường teo tóp, nhiều doanh nghiệp chịu không nổi chi phí mặt bằng, điện nước… nên phải dẹp.

Ông Lộc giải tán sàn ở Trần Não, chuyển sang một quận nội thành với sàn mới tên Techcomreal, nhưng tình hình vẫn không khá hơn. Công việc môi giới hoạt động cầm chừng, chủ yếu giao cho nhân viên, còn ông chuyển qua mua bán nông sản.

2 sàn BĐS còn hoạt động trên con đường Trần Não hiện nay là Phố Đông Sài Gòn và Phố Xinh. Ông Nguyễn Văn Xinh, Giám đốc sàn Phố Xinh, cho biết trước kia gần như tuần nào cũng có vài giao dịch thành công, tiền bạc rủng rỉnh.

Nay có khi 3, 4 tháng mới có giao dịch thành công, tiền hoa hồng chẳng thấm vào đâu. Sở dĩ Phố Xinh còn tồn tại được do mặt bằng công ty là nhà ở của ông, không phải thuê mướn.

Trên đường Nguyễn Văn Lương, Nguyễn Văn Linh… hầu hết sàn giao dịch, công ty BĐS đã giải tán hoặc chuyển vào những con hẻm để đỡ chi phí mặt bằng. Những thương hiệu như Đất Xanh, Vinaland… một thời đình đám ở khu Nam Sài Gòn nay tìm hoài chẳng thấy.

Luật Kinh doanh BĐS có hiệu lực từ ngày 1-1-2009 buộc mọi giao dịch nhà đất phải thông qua sàn, đã khiến giới kinh doanh BĐS vui mừng. Nhưng mọi việc không như kỳ vọng. Các doanh nghiệp vẫn tìm mọi cách để lách giao dịch không phải qua sàn, khiến nhiều sàn mở ra nhưng hầu như không có hoạt động.

Thậm chí, có sàn do ế ẩm, đã cho doanh nghiệp “mượn” con dấu đóng vào bộ hồ sơ chuyển nhượng, coi như có thực hiện giao dịch qua sàn theo quy định, để kiếm… vài trăm ngàn đồng. Giám đốc một sàn giao dịch ở quận 7 cho biết mua bán nhà đất qua sàn ít còn do luật chỉ buộc các cá nhân, tổ chức kinh doanh BĐS phải giao dịch qua sàn.

Với mua bán BĐS không phải kinh doanh của người dân thì không bị ràng buộc. Mặt khác, chủ đầu tư ra sản phẩm cũng lựa chọn các sàn giao dịch uy tín để phân phối nên các sàn nhỏ chỉ làm vệ tinh, ăn theo sàn lớn. Do vậy, hàng hóa qua sàn đã ít lại càng hiếm hơn và nhiều sàn đã phải đóng cửa là lẽ đương nhiên.

Hoàng Anh (Sài gòn Đầu tư Tài chính)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.