Đó là câu hỏi mà các đại biểu Quốc hội đặt ra trong phiên điều trần của Bộ Xây dựng và các bộ, ngành liên quan trước Ủy ban Kinh tế của Quốc hội về giải pháp giải cứu thị trường bất động sản diễn ra sáng qua.

Có tạo thêm các khu “ổ chuột”?

Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng nói trong các giải pháp Chính phủ ban hành đã bao gồm cả giải pháp lâu dài, như hướng tới việc cân đối cung - cầu trên thị trường thông qua chú trọng tới phân khúc nhà ở xã hội cho người có thu nhập trung bình và thu nhập thấp. Tuy vậy, ông Dũng thừa nhận các giải pháp đưa ra mới dừng ở “liệu cơm gắp mắm” trong bối cảnh tiềm lực kinh tế có giới hạn, trong khi bộ mong muốn giải pháp “liều lượng mạnh hơn”.

Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng trong phiên điều trần - Ảnh: C.T.V

Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp Đỗ Văn Đương “truy”: Việc cho phép chia nhỏ chung cư có trái gì với chủ trương xây dựng đô thị khang trang hiện đại hiện nay không? Liệu có tạo ra những khu “ổ chuột” mới? “Khái niệm nhà ổ chuột là gắn liền với hình ảnh xập xệ, chất lượng thấp, điều kiện hạ tầng, môi trường kém. Nhưng những căn hộ diện tích nhỏ mà có chất lượng đảm bảo, điều kiện hạ tầng xung quanh tốt thì không thể nói là ổ chuột”, Bộ trưởng Dũng “phản biện”. Ông Dũng còn dẫn chứng các nước xung quanh cũng có những căn hộ diện tích rất bé, khoảng 15 m2 nhưng rất khang trang hiện đại giữa nội đô, đáp ứng nhu cầu ở trung tâm đô thị, và thông tin thêm: “Hiện đã có nhiều doanh nghiệp (DN), nhất là ở TP.HCM, chủ động xin được cơ cấu lại dự án, thiết kế để cho ra sản phẩm phù hợp nhu cầu thị trường. Tuy nhiên, với trường hợp xin chia nhỏ căn hộ, nếu tăng dân số trong phạm vi nhà đó thôi thì không sao nhưng tăng ở quy mô khu vực thì phải tính toán điều kiện hạ tầng xung quanh rồi mới cho phép cơ cấu lại diện tích nhà hay không”.

Có thế lực ngầm nào mong chờ giải cứu?

Hiện trên thị trường BĐS nguồn cung căn hộ đã vượt nhu cầu rất nhiều, thậm chí có chuyên gia đánh giá nguồn cung đủ đáp ứng đến 2050, vậy tại sao DN không chịu giảm giá bán căn hộ trong khi quy luật cung thừa thì phải giảm giá? Liệu có thế lực ngầm nào mong chờ sự giải cứu này không?

Chủ tịch Tập đoàn Than - khoáng sản VN Trần Xuân Hòa

Chủ tịch tập đoàn Than - khoáng sản VN Trần Xuân Hòa đặt vấn đề: “Băng” ở thị trường bất động sản (BĐS) có một phần vốn nhà đầu tư nước ngoài, người đầu cơ trục lợi, vậy có nên đặt vấn đề giải cứu hay cần coi là sự điều chỉnh tất yếu trong xã hội. “Hiện trên thị trường BĐS nguồn cung căn hộ đã vượt nhu cầu rất nhiều, thậm chí có chuyên gia đánh giá nguồn cung đủ đáp ứng đến 2050, vậy tại sao DN không chịu giảm giá bán căn hộ trong khi quy luật cung thừa thì phải giảm giá? Liệu có thế lực ngầm nào mong chờ sự giải cứu này không?”, ông Hòa chất vấn.

Theo Bộ trưởng Xây dựng, giá BĐS tại Hà Nội hiện đã giảm được ít nhất 5%, đất nền có dự án giảm tới 50%, chung cư giảm bình quân 15 - 20%, có nơi giảm tới 30%. Tuy nhiên, mức giảm chưa phù hợp với khả năng thanh toán cũng như kỳ vọng của người dân, nhà đầu tư vẫn lãi nhiều. Bộ trưởng cho rằng, vấn đề mấu chốt quyết định mức giảm giá BĐS chính là khả năng chịu đựng của DN đó đến đâu, vì liên quan tới chi phí đầu tư, lãi vay ngân hàng và khả năng tiêu thụ sản phẩm. Hơn nữa, theo quy luật thị trường thì chúng ta có biện pháp can thiệp điều chỉnh cung - cầu nhưng không thể bắt nhà đầu tư “hạ thế này hạ thế kia được”.

Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa Lê Nam nói: “Cần phải bóc tách phần hệ quả của hoạt động đầu cơ chụp giật, đẩy giá, thậm chí là tham nhũng trong khối băng BĐS, vì nhà nước không thể gánh hết lượng hàng tồn kho trong thị trường. Với những trường hợp như vậy nên để thị trường tự điều tiết sẽ có lợi hơn cho người dân”. Ủy viên Ủy ban Kinh tế Bùi Văn Phương "bồi" thêm: Bây giờ DN BĐS đang chờ đợi, ỷ lại vào sự giải cứu của nhà nước, như vậy có công bằng hay không, như vậy sẽ là bảo vệ lợi ích nhóm. Không thể cứ một người gây ra và một người đi giải quyết hậu quả.

Theo Bộ trưởng, bảo vệ lợi ích DN cũng là vì lợi ích của xã hội, của người dân vì DN có tiếp tục sản xuất mới làm ra sản phẩm, giải quyết việc làm, nộp thuế. “Giải pháp này đưa ra thì phân khúc nhà ở xã hội sẽ ấm lên, người nghèo sẽ có thêm cơ hội tiếp cận nhà ở. Cùng với thời gian, sự phục hồi của nền kinh tế thì thị trường BĐS sẽ được tháo gỡ khó khăn”, Bộ trưởng quả quyết.


Nhà ở xã hội chỉ nên dưới 500 triệu đồng

Trong tài liệu gửi tới phục vụ phiên giải trình, NHNN Việt Nam cho biết sẽ phối hợp Bộ Xây dựng ban hành quy chế cho vay của các NHTM đối với các đối tượng thu nhập thấp, CBCCVC để mua, thuê nhà ở xã hội và mua, thuê mua nhà ở thương mại có diện tích nhỏ hơn 70 m2, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2. Quy chế này dự kiến được áp dụng vào cuối tháng 3 tới.

Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật Ngô Văn Minh tỏ ý nghi ngờ: NH tới đây sẽ cho vay bằng LS huy động cộng 3% cho nhà đầu tư hoặc trần LS huy động cộng với 1% cho người thu nhập thấp. Nhưng với mức lãi vay khoảng 10% thì với căn nhà khoảng 70 m2, giá 15 triệu đồng/m2 chẳng hạn, mỗi năm người thu nhập lấy đâu ra 100 triệu đồng mà trả lãi?

Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng đồng tình với nhận định của ĐB Minh và thừa nhận giá nhà ở xã hội mà 1 tỉ đồng/căn “là khó thật”. Theo ông Dũng, nhà ở xã hội giá chỉ nên khoảng 500 triệu đồng trở lại thôi. Hiện Bình Dương đang làm nhà ở xã hội khoảng 30 - 36 m2 và chỉ bán khoảng 90 triệu đồng. Mong muốn là Hà Nội sẽ làm nhà ở xã hội khoảng 500 triệu đồng với khoảng 50 m2, cộng với ngân hàng cho vay lãi suất thấp khoảng 3 - 6%, vì nếu cao hơn sẽ khó khả thi. “Muốn như vậy thì NHNN phải có một gói tái cấp vốn từ 20.000 - 40.000 tỉ để hỗ trợ các NHTM, cộng với hỗ trợ của các địa phương theo điều kiện cụ thể, như vậy thì người nghèo sẽ có nhà”, Bộ trưởng đề nghị.

Bảo Cầm (Thanh Niên)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.