Thời gian qua, nhiều dự án dù chưa được bảo lãnh chủ đầu tư vẫn mở bán ồ ạt. Theo các chuyên gia trên thị trường, tuy việc mở bán này là sai luật nhưng cũng cần có cái nhìn khách quan về các chủ đầu tư bất động sản.
Một phần nguyên nhân các dự án chưa có bảo lãnh ngân hàng là do thiếu quy định hướng dẫn thực hiện cụ thể, gây khó cho cả chủ đầu tư lẫn ngân hàng.
Một số dự án thậm chí phải dừng cả bán hàng chỉ để tập trung lo thủ tục bảo lãnh, nhưng khâu đang vướng mắc nhất hiện nay chính là thẩm định năng lực tài chính, tài sản thế chấp của chủ đầu tư.
Trong quá trình đàm phán, các doanh nghiệp BĐS còn gặp vướng mắc về hạn mức bảo lãnh. Nếu dự án đã thế chấp để vay vốn, chủ đầu tư sẽ phải huy động tài sản khác mới được bảo lãnh và hạn mức lúc này sẽ thấp.
Theo chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực, các ngân hàng đang còn hiểu khác nhau về hạn mức bảo lãnh.
Khó khăn chồng chất khó khăn khi cả ngân hàng và chủ đầu tư tiếp tục phải đau đầu với bài toán phí bảo lãnh. Ví như một dự án được tính phí là 1% số tiền mua nhà. Còn trường hợp giá trị tài sản thấp, uy tín doanh nghiệp không cao, phí có thể lên 2, thậm chí 3%. Lúc đó cả ngân hàng và chủ đầu tư phải ngồi lại với nhau.
Thời gian qua là giai đoạn căng thẳng đối với các ngân hàng khi phải giải bài toán quản trị rủi ro nếu đứng ra bảo lãnh BĐS. Trong khi đó, chủ đầu tư cũng đứng ngồi không yên vì phải lo chuẩn bị tài sản thế chấp. Tuy nhiên, tất cả nỗ lực trên chưa thực sự hiệu quả vì thiếu những hướng dẫn cụ thể. Giờ đây, cả ngân hàng và chủ đầu tư đành phải vừa làm vừa mò mẫm để điều chỉnh cho việc dự án có ngân hàng bảo lãnh được thực hiện khả thi.
Lưu Tuấn (VTV)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.