Hơn một năm Nghị định 24/2012/NĐ-CP ngày 3/4/2012 về Quản lý kinh doanh vàng (Nghị định 24) đi vào cuộc sống, thị trường vàng trong nước đã có những dấu hiệu tích cực.

Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, thị trường kim loại quý này đang dần đi vào khuôn khổ. Nghị định 24 đã từng bước khắc phục được những bất cập của thị trường vàng trong những giai đoạn trước.

Diễn biến thị trường hơn một năm qua cũng cho thấy, dù vẫn biến động theo giá thế giới nhưng vàng trong nước đã bớt “nổi sóng” và những “cơn sốt” giá hầu như không còn. Với những biểu hiện này, việc “ghìm cương” giá vàng dường như không còn là vấn đề ngoài tầm tay của Ngân hàng Nhà nước.

Những “liệu pháp” mạnh

Có thể khẳng định một loạt các chính sách nhằm bình ổn thị trường vàng đã được ban hành thời gian qua chính là động lực tác động mạnh đến thị trường vàng trong nước. Đặc biệt là Nghị định 24 có hiệu lực từ ngày 25/5/2012 quy định Nhà nước độc quyền xuất, nhập khẩu vàng nguyên liệu và độc quyền sản xuất vàng miếng, Ngân hàng Nhà nước thực hiện mua bán vàng trên thị trường...

Cùng với việc triển khai những quy định đó, thời gian qua Ngân hàng Nhà nước đã kiên quyết thực hiện lộ trình nhằm chấm dứt hoạt động huy động, cho vay bằng vàng, qua đó giảm mạnh tâm lý nắm giữ, đầu cơ vàng, ngăn ngừa rủi ro cho các tổ chức tín dụng. Nhờ áp dụng các giải pháp hiệu quả, Ngân hàng Nhà nước đã đẩy nhanh quá trình chấm dứt huy động và cho vay vốn bằng vàng và yêu cầu các tổ chức tín dụng tất toán số dư huy động vốn bằng vàng, giảm dư nợ cho vay vàng.

Đồng thời, từ đầu năm nay, qua đánh giá thực trạng mất cân đối về cung cầu vàng miếng trên thị trường. Ngân hàng Nhà nước đã khẩn trương xây dựng khuôn khổ pháp lý để triển khai giải pháp can thiệp bình ổn thị trường vàng. Trên khuôn khổ pháp lý đã được xác lập, Ngân hàng Nhà nước triển khai giải pháp can thiệp thông qua hình thức đấu thầu bán vàng miếng nhằm tăng nguồn cung ra thị trường. Giải pháp này được đánh giá là đảm bảo công khai, minh bạch, bình đẳng về quyền lợi của các thành viên tham gia, không bao cấp, không bù lỗ, đồng thời tuân thủ đúng quy định của pháp luật và đảm bảo lợi ích của Nhà nước.

Cùng với đó, mạng lưới kinh doanh mua, bán vàng miếng nhằng nhịt với hơn 12.000 điểm giao dịch trước đó đã được thu hẹp, đến nay chỉ còn khoảng 2.500 điểm trên cả nước và 38 tổ chức tín dụng, doanh nghiệp được cấp phép kinh doanh. Các địa điểm kinh doanh mua, bán vàng miếng được cấp phép niêm yết công khai giá mua, giá bán vàng miếng, chấp hành các quy định của pháp luật về chế độ kế toán, lập và sử dụng hóa đơn, chứng từ và thường xuyên được thanh tra, kiểm tra. Nhờ đó, dù số lượng các điểm giao dịch giảm đi khá nhiều nhưng hoạt động kinh doanh mua bán vàng miếng trên thị trường vẫn diễn ra thông suốt, ổn định, quyền lợi hợp pháp của người dân được đảm bảo.

Hết thời “vàng hóa”

Với việc chấm dứt huy động, cho vay vốn bằng vàng của các tổ chức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước khẳng định việc làm này đã góp phần loại bỏ toàn bộ rủi ro liên quan đến vàng ra khỏi hoạt động của tổ chức tín dụng, chấm dứt tình trạng “vàng hóa” chính thức trong hệ thống tổ chức tín dụng, cũng như làm giảm tính hấp dẫn của vàng miếng, giảm thiểu hoạt động đầu cơ quá mức vào vàng.

Mặt khác chuyển quan hệ huy động, cho vay vàng sang quan hệ mua, bán vàng từ đó chuyển hoá nguồn lực bằng vàng sang VND để đưa vào sản xuất, kinh doanh hoặc tăng tiết kiệm thông qua tăng tiền gửi VND tại hệ thống các tổ chức tín dụng. Đồng thời, giảm tối thiểu khối lượng vàng nhập khẩu và tiết kiệm ngoại tệ cho đất nước, trong khi vẫn đảm bảo các tổ chức tín dụng thực hiện tất toán số dư huy động vàng theo đúng quy định. Vì vậy, thị trường vàng ổn định hơn, sự mất cân đối về cung cầu vàng trong nước cũng được thu hẹp, loại trừ các tác động tiêu cực của thị trường vàng tới tỷ giá và thị trường ngoại hối.

Nhiều chuyên gia kinh tế cũng khẳng định, việc thanh toán bằng vàng thời gian qua đã giảm mạnh do người dân không còn quá tập trung vào vàng, một phần giảm lượng cầu từ người dân, một phần khác giúp thị trường giải tỏa những “cú sốc” như trước đây do mỗi lần đổ xô đi mua, bán vàng khi giá vàng giao động. Từ đó tỷ giá được giữ bình ổn hơn, dẫn đến giúp đồng Việt Nam cũng dần lấy lại niềm tin của người dân.

Tiến sỹ Nguyễn Đức Trung, Học viện Ngân hàng cho rằng, việc chấm dứt hoạt động huy động và cho vay bằng vàng và chuyển hướng sang quan hệ mua bán đã giúp lượng vàng vốn “nằm im” trong dân nay có thể phần nào được huy động đưa vào nền kinh tế phục vụ cho quá trình sản xuất kinh doanh. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, nguồn vốn dồi dào này sẽ làm giảm chi phí vốn từ đó giúp cho nền kinh tế nói chung và các doanh nghiệp nói riêng từng bước phục hồi sản xuất kinh doanh và tăng trưởng trở lại. Điều này cho thấy chính sách chống vàng hóa của Nhà nước Việt Nam đang đi đúng hướng và được Ngân hàng Nhà nước thực hiện rất nghiêm túc. Hơn nữa, việc giới hạn chặt chẽ tiêu chuẩn tham gia thị trường buôn bán vàng miếng của các doanh nghiệp cùng với quy định cụ thể các điều kiện, phương thức giao dịch... đã hạn chế được những doanh nghiệp và tổ chức tín dụng yếu tham gia vào lĩnh vực kinh doanh rủi ro này.

Theo tiến sỹ Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế, kim loại quý đã từng bước bị loại ra khỏi vai trò trước đây là dự trữ và thanh toán, thậm chí là thước đo giá trị thì cho đến nay, tại thị trường Việt Nam vàng chỉ giữ lại chức năng dự trữ. Về cơ bản, Việt Nam đã xử lý xong vấn đề vàng hóa trong hệ thống tài chính chính thức. Tuy nhiên, vấn đề vàng hóa ngoài hệ thống tài chính chính thức, liên quan đến những giao dịch ngoài hệ thống này thì cần phải có những bước đi tiếp theo.

Làm thế nào để đưa vàng về đúng vai trò kinh tế tài chính chính thức của nó, tránh hiện tượng vàng hóa ngoài hệ thống là vấn đề cần thiết. “Tới đây, chúng ta sẽ phải cân nhắc sử dụng nguồn lực vàng như thế nào trong bối cảnh nước ta vẫn cần vốn đầu tư cho các ngành, lĩnh vực kinh tế khác,” tiến sỹ Vũ Đình Ánh nhấn mạnh.

“Sóng” đã lặng

Diễn biến thị trường vàng thời gian qua cho thấy, mức độ biến động của giá vàng trong nước khá nhỏ so với thế giới. Nếu như trước đây, mỗi khi giá vàng thế giới biến động mạnh thì thị trường vàng trong nước lại lên “cơn sốt,” giá vàng liên tục “nhảy múa” trên bảng niêm yết của các nhà vàng thì nay, giá vàng trong nước luôn tỏ ra khá ổn định trước những diễn biến bất thường của giá kim loại quý thế giới.

Những phiên giao dịch gần đây đã cho thấy, dù giá vàng thế giới biến động rất mạnh, có thời điểm “rơi” gần 100 USD/ounce chỉ trong một đêm nhưng thị trường vàng trong nước vẫn “lặng sóng,” không còn hiện tượng người dân đổ xô đi mua vàng hay trò “làm giá,” thao túng thị trường để kiếm lời của giới đầu cơ. Điều đó khẳng định Nghị định 24 đang dần đi vào cuộc sống và vai trò điều tiết của nhà nước đã được thể hiện rõ.

Theo ý kiến của nhiều chuyên gia kinh tế, thị trường vàng đang có những biểu hiện tích cực, vàng SJC đã giảm xuống và ổn định sau khi Nghị định 24 được ban hành. Trong những tháng đầu năm nay, một số tổ chức tín dụng có nhu cầu mua vàng miếng để trả cho dân cư đã gửi bằng vàng trước đây cũng như các doanh nghiệp và người dân có nhu cầu mua vàng để trả ngân hàng. Do đó, việc Ngân hàng Nhà nước phải bán vàng miếng qua các phiên đấu thầu nhằm can thiệp và bình ổn thị trường là nhu cầu thực tế khách quan.

Tuy nhiên, thực tế thị trường vàng thời gian qua cũng cho thấy, chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới đã có lúc xuống chỉ còn hơn 2 triệu đồng/lượng nhưng khoảng cách này gần đây lại có dấu hiện giãn ra tới 3-4 triệu đồng/lượng, một khoảng cách khá lớn. Nhiều câu hỏi lại được đặt ra với những quan ngại rằng các chính sách điều hành thị trường vàng của Ngân hàng Nhà nước là thành công hay không và Ngân hàng Nhà nước đã có cơ sở để giá vàng ổn định lâu dài trong thời gian tới hay chưa? Trao đổi với phóng viên TTXVN về vấn đề này, một vị lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước nhìn nhận, vấn đề mấu chốt ở đây là sự mất cân đối giữa cung và cầu.

Thực tế thời gian qua, với việc Ngân hàng Nhà nước đã cung ra thị trường một khối lượng vàng khá lớn qua các phiên đấu thầu thì sự mất cân đối này đã giảm khá nhiều. Chính vì vậy, mức chênh lệch giữa vàng trong nước và thế giới đã được thu hẹp đáng kể.

Tuy nhiên trong ngắn hạn, cũng có những thời điểm, mức chênh lệch có thể giãn ra, đặc biệt là khi giá vàng thế giới giảm mạnh từ 50-100USD trong 1 phiên giao dịch thì giá vàng trong nước lại được điều chỉnh chậm hơn. Và như vậy, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới trong ngắn hạn có thể sẽ giãn ra.

Đỗ Huyền (TTXVN)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.