Siêu dự án thép hàng tỷ USD được khởi công năm 2007 nhưng đến nay hàng trăm ha đất vẫn bỏ hoang gây khó khăn cho người dân lẫn doanh nghiệp tại Khu kinh tế Dung Quất (Quảng Ngãi).
Không chỉ triển khai ì ạch, chủ đầu tư dự án thép Quảng Liên xây tường bít lối đi khiến người dân đi lại khó khăn. Ảnh: Minh Hoàng.
Dự án thép Dung Quất được cấp phép từ năm 2006, khởi đầu chỉ do Tập đoàn Tycoons (Đài Loan) đầu tư với số vốn đăng ký khoảng hơn 1 tỷ USD. Sau đó, Tập đoàn E- United hợp tác với Tycoons để cùng thực hiện và nâng vốn dự án lên 3 tỷ USD.
5 lần xin điều chỉnh thiết kế
Dự án khởi công tháng 10/2007, đến năm 2008, Công ty TNHH Guang Lian (Quảng Liên) Steel Việt Nam hợp tác với hai Tập đoàn này điều chỉnh vốn dự án lên trên 3,3 tỷ USD.
Đến tháng 5/2010, doanh nghiệp gửi văn bản đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư xin điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư lần 5 kèm theo Ý định thư của Ngân hàng Công thương Trung Quốc (có hiệu lực đến hết ngày 30/5/2010). Nội dung chủ đầu tư đề xuất điều chỉnh xin tăng vốn từ 3 tỷ USD lên 4,5 tỷ USD, công suất nâng từ 5 triệu lên 7 triệu tấn mỗi năm, thay đổi kết cấu, chủng loại sản phẩm, tăng diện tích xây nhà máy từ 478ha lên 502 ha.
Tuy nhiên do vướng mắc nội dung chính sách ưu đãi đầu tư nên năm 2012 Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất chưa xét cấp giấy chứng nhận đầu tư lần 5 cho doanh nghiệp này.
Cùng thời điểm, tháng 3/2012, Tập đoàn thép JFE (Nhật Bản) quyết định liên doanh với Công ty TNHH Guang Lian xây dựng nhà máy thép. Năm 2013, JFE đề nghị Quảng Ngãi trình Chính phủ ưu đãi như bổ sung 210 ha đất, mặt nước để nâng tổng diện tích dự án lên hơn 700 ha.
Ngoài ra, Tập đoàn này còn yêu cầu tỉnh này đảm bảo đủ nước công nghiệp cung cấp 200.000 m3 mỗi ngày, kết nối mạng lưới điện quốc gia, hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp cho toàn bộ dự án... Tháng 7/2014, Chính phủ đã bác hàng loạt đề xuất ưu đãi đối với dự án thép Quảng Liên Dung Quất do JFE góp vốn.
Sau 30 tháng khảo sát, lập báo cáo nghiên cứu dự án khả thi, JFE tuyên bố rút lui khỏi dự án với nguyên nhân do phía Việt Nam không chấp thuận một số đề xuất ưu đãi và hỗ trợ đầu tư ngoài quy định; đồng thời nhận thấy dự án không có tính khả thi về hiệu quả.
Theo Ban quản lý Khu kinh tế Dung Quất, từ năm 2006 đến nay, nhà đầu tư dự án thép này từng năm lần xin điều chỉnh, trong đó có bốn lần được cơ quan chức năng chấp thuận. Lần điều chỉnh 3 và 4, dự án thép này được điều chỉnh toàn diện từ tên doanh nghiệp, người đại diện theo quy định pháp luật, diện tích sử dụng đất, công suất, vốn điều lệ, vốn đầu tư, tiến độ thực hiện.
Dù được điều chỉnh nhiều lần nhưng trải qua 9 năm nhà đầu tư mới dừng lại khâu xử lý nền móng chậm kéo dài, hàng trăm ha đất dự án thép được cho là hàng tỷ USD vẫn còn "treo" trên giấy.
Dự án treo xây tường... bít lối đi
Dù dự án chưa xử lý xong nền móng nhưng chủ đầu tư đã xây hàng rào, tường chắn bít lối đi từ ngã ba Dốc Sỏi về cảng Dung Quất khiến người dân lẫn doanh nghiệp khốn đốn.
Mỗi ngày hàng nghìn lượt người lao động, người dân từ các xã phía tây huyện Bình Sơn vất vả lách qua bờ tường, vượt mương thoát nước của dự án thép đến các nhà máy, công trường làm việc.
Lùa đàn trâu qua mương thoát nước sâu bên bờ tường chắn của dự án thép Quảng Liên, ông Nguyễn Thành (ngụ xã Bình Đông, huyện Bình Sơn) bức xúc, bao nhiêu năm rồi hàng trăm ha đất thu hồi của dân bỏ hoang phí, nhà máy chưa triển khai mà đã xây tường cao bít lối đi gây trở ngại lớn cho dân.
"Không chỉ xây tường chắn lối đi, nhà đầu tư còn đào mương thoát nước bên cạnh. Mùa nắng thì có thể lội nước qua lại chứ mùa mưa nước lớn chảy ào ào thì đành phải đi đường vòng đến nhà máy, công trường", ông Thành nói.
Nhiều doanh nghiệp ở phía Tây Khu kinh tế Dung Quất cũng "khóc ròng" vì chủ đầu tư dự án Quảng Liên xây tường rào chắn đường giao thông.
Theo các doanh nghiệp chế biến dăm gỗ xuất khẩu, từ ngày nhà đầu tư xây bờ tường ngăn tuyến đường từ Dốc Sỏi đến cảng Dung Quất, các doanh nghiệp gỗ dăm phải tốn kém chi phí vận tải đi đường vòng khá lớn. Mỗi chuyến xe chở gỗ dăm về cảng Dung Quất đưa lên tàu xuất khẩu đội thêm hơn 46.000 đồng.
"Mỗi ngày có hàng trăm chuyến xe chở dăm gỗ về cảng phải tốn kém hàng chục triệu đồng (chưa kể chi phí hao hụt phải đi đường vòng xa thêm gần 4km)", đại diện doanh nghiệp chế biến dăm gỗ xuất khẩu tại Dung Quất nhẩm tính.
Còn ông Nguyễn Tân Tiến, Giám đốc Công ty TNHH Đức Long- Dung Quất than thở, việc kinh doanh khách sạn của đơn vị cũng gặp khó vì dự án thép dựng rào chắn.
Dân khốn khổ vì dự án thép treo
Nhường đất cho dự án thép Quảng Liên, hàng trăm hộ dân đến ở các khu tái định cư thiếu đất sản xuất, việc làm không ổn định đã đối mặt với cuộc sống nhiều khó khăn.
Cọc bê tông xử lý nền móng nằm ngổn ngang trên mặt bằng dự án thép Quảng Liên ở Khu kinh tế Dung Quất. Ảnh: Minh Hoàng.
Sau gần 10 năm bị thu hồi đất cho dự án thép, gia đình bà Phan Thị Hợi chuyển đến khu vực tái định cư đối mặt với thực tế thiếu đất sản xuất, phải vất vả đi làm thuê khắp nơi.
Trong khi đó, đất cũ bỏ hoang, không thấy tăm hơi dự án mọc lên. Xót đất, vợ chồng bà quay về quê cũ ở xã Bình Đông (huyện Bình Sơn) dựng chòi sát bên mặt bằng dự án thép để trồng trọt, chăn nuôi bò, vịt kiếm sống/
"Nhà nước thu hồi hàng trăm ha đất của chúng tôi để xây nhà máy thép nhưng suốt 10 năm qua bỏ hoang không làm gì. Chúng tôi không chấp nhận để đất lãng phí thêm ngày nào nữa", bà Hợi nói.
Ông Phạm Tấn Lập, Chủ tịch Hội cựu chiến binh xã Bình Đông tâm sự, có khoảng 300 hộ dân trên địa bàn xã nhường hơn 220 ha đất cho dự án thép Quảng Liên. Nhiều năm qua, người dân vào sống ở các khu tái định cư không có việc làm, thiếu đất sản xuất.
"Nếu tính mỗi năm hai vụ lúa, một mùa khoai lang thì gộp lại 9 năm qua người dân địa phương đã mất quá nhiều lương thực. Mong sao Nhà nước sớm giải quyết dứt điểm dự án thép bỏ hoang để góp phần giải quyết việc làm cho người dân chứ nguy cơ tái nghèo ở các khu tái định cư rất cao", ông Lập lo lắng.
Minh Hoàng (Zing)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.