Theo báo cáo khảo sát “Các xu hướng đang nổi lên trong lĩnh vực bất động sản châu Á-Thái Bình Dương 2013,” thủ đô Jakarta của Indonesia đã có một “bước nhảy” ngoạn mục từ vị trí thứ 11, vươn lên “lật đổ” Singapore để chiếm vị trí số một trong danh sách các điểm đến đầu tư bất động sản hấp dẫn nhất châu Á-Thái Bình Dương.

(Nguồn: linguistlist.org)

Báo cáo do Công ty PricewaterhouseCoopers (PwC) phối hợp với Viện đất đô thị (ULI) có trụ sở tại Washington tiến hành, cho thấy Jakarta dẫn đầu cả về các tiêu chí triển vọng đầu tư thành phố lẫn triển vọng phát triển thành phố với số điểm tương ứng 6,01 và 6,10. Bốn vị trí tiếp theo thuộc về Thượng Hải (Trung Quốc), Singapore, Sydney (Australia) và Kuala Lumpur (Malaysia).

ULI - một Viện nghiên cứu phi lợi nhuận, cùng PwC đã tiến hành phỏng vấn và khảo sát hơn 400 cá nhân, đại diện cho các chuyên gia các ngành khác nhau bao gồm các nhà đầu tư, quản lý quỹ, các nhà phát triển, công ty bất động sản, nhà cho vay, môi giới, cố vấn và chuyên gia tư vấn.

Theo báo cáo, nhu cầu về bất động sản ở Jakarta rất mạnh do được hỗ trợ bởi lãi suất ổn định, lạm phát trong tầm kiểm soát, tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng trưởng ổn định và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Indonesia gia tăng. Cụ thể, FDI vào nước này tăng 39% trong nửa đầu năm 2012, trong khi giá thuê văn phòng ở Jakarta cũng tăng 29% so với năm 2011. Các điều kiện đầu tư vào Indonesia tương đối dễ dàng so với các thị trường khác, trong khi thị trường này đang trong giai đoạn phát triển bùng nổ.

Trong lĩnh vực thị trường bán lẻ, Jakarta cũng trong tốp đứng đầu danh sách, sau Thượng Hải (Trung Quốc), Thành phố Hồ Chí Minh (Việt Nam) và Manila (Philippines), nhờ sức mua ngày càng tăng của người tiêu dùng, nhất là của tầng lớp trung lưu ngày một mở rộng, được thúc đẩy bởi đà tăng trưởng cao, ổn định và liên tục trên 6% trong những năm qua của nền kinh tế. Tuy nhiên, báo cáo lưu ý rằng thị trường bán lẻ của Jakarta vẫn là một điểm đến đầu tư khó khăn đối với các nhà đầu tư trung bình.

Về lĩnh vực văn phòng và khu dân cư, Jakarta cũng chỉ xếp sau Thượng Hải và Tokyo (Nhật Bản).

Mặc dù đánh giá cao và tích cực tiềm năng thu hút đầu tư bất động sản của Jakarta, song báo cáo đã chỉ ra những nhân tố cản trở như thành phố thiếu các doanh nghiệp, quy mô và cơ sở hạ tầng còn thua kém nhiều đối thủ khác, và quan trọng nhất là thiếu khả năng để hấp thụ một lượng lớn đầu tư bất động sản. Do vậy Jakarta chỉ thu hút được một lượng đầu tư bất động sản khiêm tốn ở mức 660,5 triệu USD năm 2011.

Bên cạnh các vấn đề về cơ sở hạ tầng, ULI và PwC cũng cảnh báo các nhà đầu tư về những khó khăn tài chính tiềm năng trong việc điều hành hoạt động của họ tại Indonesia, như khó vay vốn ngân hàng và chi phí vay cao.

Tuy nhiên, ông Anton Sitorus - Giám đốc nghiên cứu của Jones Lang LaSalle Indonesia dự đoán Jakarta sẽ tiếp tục đứng đầu danh sách trong một vài năm tới nhờ tăng trưởng kinh tế ổn định của thành phố và tính minh bạch của thị trường cao hơn.

Theo Vietnam+
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.