Thị trường bất động sản phía Nam năm 2014 khép lại với nhận định của giới chuyên gia rằng, đây là cột mốc thời gian đánh dấu sự kết thúc giai đoạn khó khăn kéo dài và mở ra chu kỳ phát triển mới của thị trường.

Thị trường bất động sản phía Nam năm qua bất ngờ có chuyển biến tích cực, vượt qua mọi dự đoán của giới chuyên gia. Ảnh: Lê Toàn

Năm 2014 và những yếu tố bất ngờ

Có thể nói, thị trường bất động sản phía Nam từ đầu năm 2014 đến nay có nhiều diễn biến khá bất ngờ, vượt ngoài suy đoán ban đầu của không ít người trong cuộc. Càng về cuối năm, sự khởi sắc càng thể hiện rõ nét.

Yếu tố bất ngờ đầu tiên phải kể đến là thị trường căn hộ. Đây là phân khúc mà ngay từ những ngày đầu năm 2014, nhận định của phần lớn giới chuyên môn đều cho rằng, sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn, tồn kho sẽ tiếp tục tăng cao do nguồn cung lớn, nhu cầu không nhiều. Song diễn biến của thị trường căn hộ đến thời điểm này đã khác xa so với nhận định ban đầu.

Nhìn lại thị trường từ báo cáo quý IV/2014 của các đơn vị nghiên cứu cho thấy, sau mỗi quý, số lượng căn hộ mở bán, cũng như giao dịch đều liên tục tăng lên. Cụ thể, theo báo cáo thị trường bất động sản TP. HCM quý III/2014 của Savills Việt Nam, trong quý này, có 10 dự án mới và các giai đoạn mới của 4 dự án hiện hữu chào bán, với hơn 4.600 căn hộ, tăng mạnh 19% theo quý và 103% theo năm. Đây là mức tăng trong 1 quý mạnh nhất kể từ quý II/2011. Trong quý, có khoảng 3.280 căn hộ được bán, tăng 29% theo quý và 85% theo năm. Đây là lượng căn hộ được bán cao nhất kể từ quý IV/2010. Bất ngờ này tiếp tục diễn ra trong quý IV/2014, khi cũng theo đơn vị này, có 11 dự án mới và các giai đoạn mới của 3 dự án hiện hữu được chào bán với hơn 4.700 căn hộ, trong đó có khoảng 4.200 căn hộ được bán, tăng 28% theo quý và 149% theo năm, đây là lượng giao dịch cao nhất kể từ quý IV/2010.

Đó là theo số liệu từ đơn vị nghiên cứu thị trường, còn theo ghi nhận thực tế của Đầu tư Bất động sản, tình hình mở bán và giao dịch có thể còn cao hơn. Lấy số liệu tổng kết bán hàng từ một số doanh nghiệp địa ốc lớn ở TP. HCM để làm dẫn chứng, tính đến hết năm 2014, riêng Tập đoàn Đất Xanh tính toàn hệ thống đã có gần 9.000 giao dịch thành công. Tập đoàn Novaland kết thúc năm 2014, chỉ tính riêng thị trường TP. HCM đã bán thành công hơn 3.000 căn hộ. Tập đoàn Hưng Thịnh bán thành công gần 2.000 căn hộ. Công ty Nam Long đã bán thành công gần 1.700 căn hộ. Hoàng Anh Sài Gòn bán thành công gần 1.000 căn hộ...

Không chỉ có thị trường TP. HCM, ngay cả thị trường bất động sản các tỉnh lân cận như Bình Dương, Đồng Nai, Long An, đặc biệt là thị trường Bình Dương và Long An, càng về cuối năm, thanh khoản càng tăng mạnh. Nhiều dự án ở Bình Dương được mở bán cuối năm qua đã thu hút sự quan tâm rất lớn của khách hàng.

Theo ông Hoàng Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty Tấc Đất Tấc Vàng, chỉ tính riêng trong quý cuối cùng của năm 2014, doanh nghiệp đã giao dịch thành công gần 500 sản phẩm đất nền, trong khi đó, gần 9 tháng đầu năm, số lượng giao dịch tại Bình Dương khá èo uột.

“Điều này cho thấy, thị trường bất động sản Bình Dương đang thực sự bước vào chu kỳ mới”, ông Tuấn nhận định

“Cuộc chơi” của doanh nghiệp nội

Một diễn biến khác chưa từng diễn ra nhiều năm trước trên thị trường bất động sản, nhưng đã diễn ra trong năm 2014, đó là sự xuất hiện làn sóng chuyển nhượng dự án giữa các doanh nghiệp trong nước với nhau. Những doanh nghiệp có năng lực tài chính mạnh, uy tín trên thị trường đã săn mua lại “dự án chết” của các doanh nghiệp yếu năng lực, thiếu chuyên môn để làm “hồi sinh” các dự án này.

Đơn cử, tính từ đầu năm 2014 đến nay, Tập đoàn Novaland đã mua lại 7 dự án và nhanh chóng triển khai xây dựng, đưa sản phẩm ra thị trường. Sản phẩm của các dự án này sau khi được Novaland tung ra đã có kết quả bán hàng khá tốt.

Cùng thời gian, Tập đoàn Hưng Thịnh đã mua hoặc hợp tác đầu tư 6 dự án bất động sản. Trong khi theo tiết lộ của ông Lương Trí Thìn, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đất Xanh, doanh nghiệp này cũng đã mua lại gần 10 dự án bất động sản. Hay như Tập đoàn Him Lam, trong năm 2014 đã gây xôn xao dư luận khi chi ra 1.050 tỷ đồng để mua lại 1 dự án tại quận Thủ Đức của “đại gia” từng nổi đình nổi đám của thị trường bất động sản là Hoàng Anh Gia Lai. Bên cạnh dự án này, theo nguồn tin riêng của chúng tôi, Him Lam cũng đã mua lại một dự án có quy mô khá lớn tại quận 2…

Theo giới kinh doanh địa ốc, năm 2015, “sân chơi” đích thực của thị trường địa ốc phía Nam sẽ thuộc về các đại gia này, cùng các tên tuổi lớn khác trên thị trường như Vingroup, Đại Quang Minh.

Một xu hướng mới nữa của thị trường bất động sản năm qua là sự trở lại của phân khúc bất động sản cao cấp sau nhiều năm lặng sóng. Nhiều đại dự án bất động sản cao cấp đã được các doanh nghiệp đẩy mạnh đầu tư, liên tục đưa ra thị trường thời gian qua và đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của khách hàng, trong đó có sự xuất hiện trở lại của không ít nhà đầu tư, đầu cơ, sau thời gian dài vắng bóng.

Xu hướng nào cho thị trường năm 2015?

Với những gì diễn ra trong năm 2014, nhiều kịch bản thị trường năm 2015 đã được các chuyên gia đưa ra. Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. HCM, hiện tại TP. HCM có hơn 1.400 dự án bất động sản, thì có tới 689 dự án tạm ngưng triển khai, 85 dự án phải thu hồi chủ trương đầu tư… Điều đó cho thấy, nhiều doanh nghiệp vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, năm nay, thị trường sẽ tiếp đà phục hồi của năm 2014, những doanh nghiệp nào vượt qua giai đoạn khó khăn vừa qua sẽ có nhiều cơ hội phát triển trong thời gian tới. Đặc biệt, thị trường sẽ xuất hiện làn sóng M&A dự án bất động sản.

“Thị trường năm 2015 sẽ mang lại nhiều cơ hội mới. Hàng loạt luật mới có hiệu lực, cùng với các hiệp định thương mại được ký kết sẽ tác động tích cực đến thị trường bất động sản”, ông Châu nói và cho rằng, các hành lang pháp lý mới liên quan đến bất động sản giúp thị trường tăng tổng cầu, nhất là quy định đối với việc sở hữu bất động sản của người nước ngoài.

Còn theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng, nhìn từ góc độ vĩ mô cho thấy, nền kinh tế đã có nhiều chuyển biến tốt, tốc độ tăng trưởng GDP năm qua cao hơn, chỉ số giá tiêu dùng thấp hơn kế hoạch. Năm 2015, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP 6,2%, Quốc hội đưa ra mục tiêu CPI không vượt quá 5%.

“Theo tôi, mục tiêu này không khó, vì hiện nay CPI đã giảm khá mạnh. Nếu lạm phát giảm sâu thì Ngân hàng Nhà nước sẽ giảm lãi suất huy động, qua đó giúp lãi suất cho vay giảm theo. Điều này sẽ rất có lợi cho thị trường bất động sản, kích thích nguồn vốn đổ vào thị trường. Đây là điều chúng ta có thể lạc quan cho thị trường bất động sản 2015”, ông Hiếu phân tích, đồng thời nhấn mạnh, trong lạc quan, cũng cần phải thận trọng, phải duy trì chỉ số CPI ở mức trên 2%, bởi nếu dưới 2% sẽ dẫn đến tình trạng giảm phát, không chỉ bất động sản, mà các lĩnh vực khác sẽ bị tác động rất lớn.

Tăng Triển (Đầu tư Chứng khoán)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.