Giới đầu tư địa ốc mới mừng thầm khi các ngân hàng mở hầu bao cho các khoản vay bất động sản, thì lại đối mặt với nỗi lo lãi suất dài hạn tăng cao.

Cùng với việc điều chỉnh trần lãi suất huy động về 9%/năm với kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 12 tháng, từ ngày 12/6, Ngân hàng Nhà nước cho phép các ngân hàng thương mại tự định đoạt lãi suất huy động kỳ hạn trên 12 tháng để cân đối cung - cầu nguồn vốn. Từ đây, lãi suất huy động kỳ hạn từ 12 tháng của nhiều ngân hàng đã tịnh tiến từ mức 12%/năm đến 12,6% rồi 12,8%, 13%, và đỉnh điểm là mức 14%/năm cho kỳ hạn 13 tháng tại Ngân hàng Phương Tây (Western Bank).

Việc lãi suất huy động kỳ hạn từ 12 tháng liên tiếp lập đỉnh sẽ là mối lo với khách hàng có nhu cầu tín dụng cho bất động sản. Các gói cho vay ưu đãi áp dụng cho khách hàng vay mua nhà của các ngân hàng phổ biến ở mức 14,5% đến 16%. Tuy nhiên, mức lãi suất này thường chỉ kéo dài trong khoảng 3-6 tháng kể từ ngày giải ngân, nên chỉ mang ý nghĩa “câu kéo” tâm lý khách hàng, hơn là giá trị thực sự mà nó mang lại cho người có nhu cầu vay vốn.

Việc lãi suất huy động tăng chắc chắn sẽ kéo theo lãi suất cho vay tăng lên sau khi thời gian khuyến mại lãi suất của các hợp đồng vay vốn kết thúc. 3 - 6 tháng không phải là khoảng thời gian đáng kể so với thời gian của các khoản vay bất động sản thường từ 3 đến 5 năm và có thể kéo dài đến hơn 10 năm.

Điểm mặt các gói tín dụng ưu đãi cho bất động sản, thời gian “khuyến mại lãi suất” kéo dài nhất đang thuộc về các khách hàng mua căn hộ Dự án Nam Đô Complex (Hoàng Mai, Hà Nội) của Công ty cổ phần Đầu tư Dầu khí Toàn cầu. Chủ đầu tư đã có hợp đồng với Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) để hỗ trợ khách hàng với mức lãi vay 16%/năm, chủ đầu tư hỗ trợ 6% trong 1 năm, nên mức lãi suất mà khách hàng thực trả chỉ là 10% cho 12 tháng vay đầu tiên.

Tại Dự án Vincom Village (phường Sài Đồng, quận Long Biên, Hà Nội), Vingroup - chủ đầu tư dự án đã bắt tay với Ngân hàng TMCP Quân đội (MBBank) để ngân hàng này mở hầu bao cho khách hàng mua biệt thự tại đây, với mức lãi suất thực trả là 10%/năm trong thời gian 6 tháng đầu và giảm 5% so với biểu lãi suất của MBBank trong thời gian 6 tháng tiếp theo.

Có phần dè dặt hơn, chủ đầu tư Dự án chung cư cao cấp FLC Landmark Tower (đường Lê Đức Thọ, Mỹ Đình, Từ Liêm, Hà Nội) - Công ty cổ phần Đầu tư tài chính Ninh Bắc - cũng hỗ trợ khách hàng mua căn hộ dự án này vay tối đa 70% giá trị căn hộ tại MBBank, với lãi suất ưu đãi 15 - 16% trong năm đầu tiên, thời gian vay từ 10 đến 20 năm.

Tại khu vực phía Nam, Công ty cổ phần Đức Khải và Ngân hàng TMCP Công thương (Vietinbank) chi nhánh số 8 cũng liên kết hỗ trợ vốn vay cho khách hàng mua sản phẩm Dự án The Era Town (phường Phú Mỹ, quận 7, TP.HCM). Theo đó, Vietinbank cam kết cho khách hàng của Đức Khải vay vốn để thanh toán tiền mua căn hộ The Era Town, hiện đã hoàn tất phần thô. Tỷ lệ được vay tối đa là 70% giá trị căn hộ (là tài sản thế chấp). Vietinbank cũng cam kết dành cho công ty này một khoản tín dụng lên tới 1.200 tỷ đồng để phục vụ việc triển khai dự án.

Động thái điều chỉnh trần lãi suất huy động của Ngân hàng Nhà nước tạo nên những phản ứng khác nhau từ phía thị trường địa ốc và cơ quan quản lý. Ông Nguyễn Trần Nam, Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng, việc đưa lãi suất ngân hàng giảm xuống còn 9% với kỳ hạn dưới 12 tháng khiến kênh gửi tiết kiệm không còn hấp dẫn người dân. Trong khi đó, kênh đầu tư vàng và ngoại tệ cũng đang khiến nhà đầu tư phải cân nhắc khi chúng không được coi là phương tiện thanh toán. Trên cơ sở đó, có thể dự báo dòng tiền sẽ quay lại với thị trường địa ốc sau thời gian nhà đầu tư tạm dời bỏ thị trường này.

Tuy vậy, với tư cách là chủ đầu tư dự án, ông Nguyễn Minh Quang, Tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị (UDIC) không lạc quan như Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam. Theo ông Quang, trong điều kiện nguồn cung bất động sản đã vượt cầu nhiều lần, mức lãi suất 15 – 17% cho các khoản vay bất động sản như hiện tại vẫn là một thách thức với doanh nghiệp. Thời gian vừa qua, doanh nghiệp kinh doanh bất động sản đã kiệt sức vì các khoản vay lãi suất cao. Nếu lãi suất huy động dài hạn lên cao, doanh nghiệp bất động sản sẽ khó lòng xoay sở.

Trong tháng 4 và 5/2012, việc các ngân hàng thương mại thực hiện giải ngân cho các dự án có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc kích thích thị trường địa ốc phục hồi. Tuy nhiên, diễn biến tăng lãi suất huy động kỳ hạn trên 12 tháng có thể khiến thị trường đóng băng trở lại, bởi gánh nặng nợ nần của cả doanh nghiệp lẫn nhà đầu tư cá nhân vẫn phủ bóng đen lên thị trường có tỷ lệ dư nợ tín dụng cả tốt và xấu đều thuộc loại “hàng khủng” này.
Theo Báo Đầu tư
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.