Thị trường bất động sản từ đầu năm đến nay không còn hiện tượng cắt lỗ, thậm chí một số dự án đang hoàn thiện, vị trí đẹp còn bán giá chênh, theo Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường Bất động sản Vũ Văn Phấn.

Nhận định của ông Phấn được đưa ra tại buổi giao lưu trực tuyến thực trạng và triển vọng thị trường bất động sản do Báo Kinh tế đô thị tổ chức ngày 28/5. Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường Bất động sản cho hay, thị trường địa ốc có những chuyển biến tích cực nhất là căn hộ diện tích nhỏ, giá bán dưới 20 triệu đồng mỗi m2. Ngoài trừ một số trường hợp quá xa trung tâm hạ tầng kém, nhìn chung thị trường đang ấm dần lên, không còn hiện tưởng giảm giá cắt lỗ. “Những căn hộ đã xong phần thô đang hoàn thiện, có vị trí thuận lợi thậm chí còn xuất hiện tiền chênh”, ông Phấn nhận định.

Địa ốc đang khởi sắc dần, tuy nhiên, số đông các ý kiến đều cho rằng, việc thị trường có duy trì được phong độ hay không còn phụ thuộc rất nhiều vào kịch bản tăng trưởng của nền kinh tế.

Dù khởi sắc song thị trường bất động sản sẽ không lên cơn sốt. Ảnh: Hoàng Lan

Ông Trần Như Trung, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hoàng Minh nhận định, thị trường đang dần chuyển biến với chỉ số thanh khoản tăng khoảng 2-3% so với quý trước. Tuy nhiên, theo ông Trung, địa ốc sẽ không hồi phục ở tất cả các phân khúc. Lãnh đạo Tân Hoàng Minh dẫn chứng, thống kê ở một số sàn cho thấy 50 - 80% số lượng giao dịch thành công chủ yếu ở các dự án ở vị trí tốt, chủ đầu tư uy tín hoặc đã hoàn thiện. Với những dự án xa trung tâm, hạ tầng thiếu vẫn không có người mua.

“Thị trường đang điều chỉnh tự nhiên, dần dần và không có hiện tượng nóng lạnh bất thình lình như hôm nay đang xấu, bỗng nhiên ngày mai tốt”, ông Trung nhận định.

Ghi nhận những tín hiệu vui của thị trường bất động sản trong hơn một quý qua, song số đông các ý kiến cho rằng năm nay khó có khả năng lên cơn sốt. Ông Vũ Văn Phấn cho rằng, qua các lần sốt, giá địa ốc thường được đẩy lên rất cao, vượt qua giá trị thật. Tuy nhiên, sau giai đoạn thổi giá, địa ốc nhanh chóng rơi vào khó khăn, nhiều dự án ế, không bán được hàng. Các nhà đầu tư, người mua thực đều đã rút ra kinh nghiệm và không còn rủ nhau mua theo kiểu đám đông, phong trào.

“Sốt hay không còn phụ thuộc vào cung cầu, tâm lý. Hiện người mua đã rút kinh nghiệm và không mua nhà khi giá đang lên ầm ầm nữa”, ông Phấn chia sẻ.

Với những chuyển biến hiện nay, theo ông Phấn, người có nhu cầu thực đã có thể mua được nhà bằng tiền gửi tiết kiệm. Nhà đầu tư cũng phải tính toán rất nhiều mới ra quyết định mua bán bởi trước đó đã phải bán cắt lỗ nhiều dự án.

Nguyên Phó chủ tịch Uỷ ban Giám sát Tài chính Quốc gia Lê Xuân Nghĩa bổ sung, khi kinh tế đi lên chậm chạp, tăng trưởng tín dụng không cao, địa ốc sẽ khó sốt. Cụ thể, ông Nghĩa phân tích, hiện mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12% toàn hệ thống ngân hàng năm 2014 vẫn rất khó khăn. Thêm vào đó, việc thúc đẩy tăng trưởng tín dụng khó trở lại nhanh vì nợ xấu chưa giải quyết xong, vấn đề về tái cơ cấu ngân hàng chưa được thực hiện đến tận gốc rễ. “Một điểm quan trọng là niềm tin trên thị trường đối với địa ốc cũng chưa hoàn toàn hồi phục, kịch bản sốt đất khó diễn ra”, ông nhận định.

Vừa qua, nhiều dự án bât động sản đã tăng giá để đón đầu nhu cầu thị trường. Tuy nhiên, theo ông Trần Ngọc Quang, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam hiện tượng một số chủ đầu tư tăng giá gần đây “là không bền vững”. Đại diện Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng, các chủ đầu tư nên nhìn nhận lại những bài học đã qua và không nên tăng giá. Trong bối cảnh bất động sản chưa hoàn toàn hồi phục, nếu tăng giá sẽ làm chậm đến tiến trình phục hồi thị trường. “Điều đó là không mang lại lợi ích cho chính chủ đầu tư và thị trường bất động sản nói chung”, ông Quang nói.

Hoàng Lan (VnExpress)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.