Ngay khi Ngân hàng Nhà nước có chỉ thị nới lỏng tín dụng bất động sản, nhiều chuyên gia cho rằng các doanh nghiệp địa ốc phải dẹp lợi nhuận sang một bên, giảm giá sản phẩm để tự cứu mình hơn là trông đợi vào Nhà nước.

Ngày 28/4, tại buổi tọa đàm giữa ngân hàng với Hiệp hội bất động sản TP HCM về giải pháp cứu thị trường địa ốc, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Trần Bắc Hà đã kêu gọi doanh nghiệp cân nhắc giảm giá để tăng tính thanh khoản cho bất động sản.

Theo ông Hà, hiện hơn 1/3 trên số 600.000 doanh nghiệp cả nước đang đứng trên bờ vực phá sản. Trong đó nhiều doanh nghiệp đã ngưng hoạt động hoặc sống thoi thóp, không ít công ty đang có những khoản nợ rất lớn. Trong tình hình này, doanh nghiệp "ảo", yếu kém bị khai tử là cần thiết. Riêng những đơn vị có mức tín nhiệm cao sẽ được xem xét hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn mới. Đây được xem là cơ hội phục hồi tốt cho thị trường bất động sản.

Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Trần Bắc Hà đã kêu gọi doanh nghiệp cân nhắc giảm giá để tăng tính thanh khoản cho bất động sản. Ảnh: Vũ Lê

Tuy nhiên, ông Hà nhấn mạnh: "Dù có bao nhiêu chính sách hỗ trợ đi chăng nữa, cách tốt nhất là doanh nghiệp bất động sản phải tự cứu mình trước khi trời cứu".

Ông Hà phân tích, các chủ đầu tư nên mạnh dạn tái cơ cấu lại doanh nghiệp, chấp nhận buông lợi nhuận, hạ giá thành sản phẩm để bán được hàng vì hiện nay giá địa ốc vẫn còn cao so với khả năng chi trả của người dân. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng nên cân nhắc chuyển nhượng những dự án không thể thực hiện. Chuyên gia tài chính này chia sẻ thêm, không chỉ có doanh nghiệp khó khăn mà ngân hàng cũng "mệt mỏi".

Thống kê của BIDV trong 4 tháng đầu năm, ngân hàng chỉ hoàn thành 6% kế hoạch của cả năm. Nếu tính đúng tính đủ thì mất khoản lợi nhuận tương đương 1.700 - 2.000 tỷ đồng. “Doanh nghiệp và ngân hàng cùng đi chung một con thuyền, doanh nghiệp chết hết thì ngân hàng cũng không thể tồn tại. Vì thế, chúng tôi đã và đang xem xét cơ cấu lại các khoản vay, miễn giảm lãi suất cho nhiều trường hợp”, ông Hà nói.

Tổng giám đốc Công ty địa ốc Thanh Bình, Đặng Hoàng Vũ chia sẻ những bất cập về định giá bất động sản khi làm thủ tục thế chấp vay ngân hàng. Ảnh: Vũ Lê

Đồng quan điểm địa ốc phải tự cứu mình, Phó giám đốc Công ty địa ốc Đất Lành, Nguyễn Văn Đực kêu gọi doanh nghiệp cân nhắc 2 yếu tố làm tăng tính thanh khoản cho thị trường địa ốc. Yếu tố thứ nhất là xây căn hộ diện tích nhỏ hoặc chẻ nhỏ căn hộ diện tích to. Yếu tố thứ hai là áp dụng kỹ thuật xây dựng hợp lý để tiết kiệm chi phí, góp phần hạ giá thành sản phẩm. "Nhà diện tích lớn giá sẽ cao, người dân không đủ tiền mua dẫn đến tắc nghẽn đầu ra. Phương án thi công lãng phí đẩy giá thành sản phẩm lên ngất ngưỡng thì người tiêu dùng cũng sẽ từ chối không mua", ông Đực giải thích.

Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM, Lê Hoàng Châu nhận xét, năm 2011 vừa qua là thời điểm cực kỳ khó khăn với các doanh nghiệp địa ốc. Hầu hết các chủ đầu tư phải đương đầu với việc thiếu vốn, phải chịu lãi suất rất cao từ 24 đến 25% một năm. Hàng hàng hóa tồn kho lớn, thanh khoản kém.

Tuy nhiên, theo ông Châu, tình hình khó khăn trên ngoài những nguyên nhân khách quan từ nền kinh tế, cơ chế chính sách còn có trách nhiệm của bản thân doanh nghiệp. Một số chủ đầu tư thiếu tầm nhìn, không nghiên cứu kỹ thị trường buộc phải chịu lỗ hoặc thanh khoản kém do bán không được hàng.

Chuyên gia này dự báo, thị trường bất động sản năm 2012 vẫn hết sức khó khăn. Đầu ra của thị trường bất động sản liên quan đến bài toán vốn, tính thanh khoản, xử lý lượng căn hộ đang ứ đọng trên thị trường... Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP HCM kiến nghị, cần thực hiện ngay chủ trương của Chính phủ về giảm lãi suất cho vay ở mức 14 - 16% một năm. Cần có lộ trình cụ thể đưa lãi suất cho vay trở về mức 11 - 12% một năm như trước đây để nền kinh tế và thị trường bất động sản phát triển bình thường, ổn định.

Theo VnExpress
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.