Trong 4 – 5 năm tới, sàn trung tâm thương mại (TTTM) tại Hà Nội sẽ tăng lên gấp 4 lần gây. Điều này có thể gây nên sự “bội thực” TTTM nếu không có những điều chỉnh ngay từ bây giờ

TTTM - Địa chỉ lý tưởng hưởng điều hòa

Như bị phù phép, những khu chợ đông đúc trước kia sau khi được “lên đời” khoác lên mình những tòa nhà kính bỗng trở nên vắng lặng đìu hiu.

Chợ Cửa Nam, chợ Hàng Da cũ giờ đã thành những TTTM cao tầng khang trang hiện đại, phù hợp quy hoạch phát triển hệ thống thương mại của Hà Nội.

Chợ dân sinh được đặt ngay dưới tầng hầm TT với những gian, những khu hàng ngăn nắp sạch sẽ. Những mớ rau, con cá cũng được “lên đời” bọc túi ni lông với nguồn gốc xuất xứ rõ ràng nhưng vẫn không đủ sức lôi kéo người tiêu dùng về từ những khu chợ cóc.

Bao vây nhiều TTTM vẫn là la liệt những hàng rong, chợ cóc lúc nào cũng đông đúc, tấp nập trái ngược hẳn với không khí ảm đạm, thưa vắng bên trong TT. Thậm chí sau một thời gian hoạt động, nhiều gian hàng đã xin nghỉ kinh doanh vì quá vắng khách.
Dạo quanh khu vực TTTM chợ Cửa Nam, chợ Hàng Da có không ít cửa hàng treo bảng “thanh lý”, “chuyển nhượng” cửa hàng nhưng xem ra tình hình cũng không mấy khấm khá hơn.

Bác Thắng – Một người dân sống gần TTTM chợ Cửa Nam chia sẻ: “Ngày xưa còn là chợ thì đông người bán, nhiều người mua lắm. Nhưng từ ngày lên TTTM chỉ thấy có lác đác, thỉnh thoảng có người đi đường. Bây giờ đến cả tiểu thương cũng không có nhiều. Có khi ngày nắng, người dân vào đây chỉ để tránh nóng, hưởng điều hòa”.

Những chợ Bưởi, chợ Hàng Da, chợ Cửa Nam, Ô Chợ Dừa đã có thời là những biểu tượng thương mại của Hà Nội thì ngày nay người ta chỉ còn đứng nhìn những tòa nhà cao tầng, xanh đỏ với những biển hiểu quảng cáo của những nhãn hàng hiệu.
Do những chi phí thuê gian hàng, điện nước, vệ sinh… của tiểu thương đều được cộng dồn vào giá bán nên người tiêu dùng cũng không mấy mặn mà với hàng TTTM.

Được coi là “bước đệm” cho TTTM những chợ tạm cũng ngậm ngùi chịu chung số phận thậm chí bi đát hơn khi bị bỏ hoang hàng loạt nên mới có cảnh khi UBND TP. Hà Nội đồng ý với đề xuất về việc tạm dừng triển khai công tác giải phóng mặt bằng chợ Nghĩa Tân nhiểu tiểu thương ở đây mừng ra mặt. Sự vui mừng còn lan sang cả bà con tiểu thương ở chợ Ngã Tư Sở phần nào xóa đi ám ảnh phải chuyển qua chợ tạm Ngã Tư Sở (trên đường Láng) để duy trì kinh doanh.

“Bội thực” TTTM?

Theo số liệu công bố mới nhất của Savils Việt Nam, tổng nguồn cung mặt bằng bán lẻ tại Hà Nội trong quý II/2012 đạt 652.100 m2, giảm 1% so với quý trước. Nghiên cứu từ năm 2005 đến nay, thị phần của TT mua sắm đã chiếm 60% thị phần tăng dần từ khoảng 30 – 60% của tổng diện tích sàn bán lẻ hiện đại của tất cả các loại hình.

Tương ứng với 60% là gần 400.000m2 sàn TTTM tại thời điểm hiện tại. Nghiên cứu sâu hơn nữa, từ năm 2012 – 2015, Hà Nội sẽ cung cấp khoảng 1,6 triệu m2 sàn TTTM tăng lên gấp 4 lần so với thời điểm hiện tại.

Trong đó ngay trong năm 2013, đã có hàng loạt dự án với quy mô lớn trên 20.000 m2 sẽ gia nhập thị trường gồm: Vincom Mega Mall, Royal City, Victoria Văn Phú, Hồ Gươm Plaza, The Pride and Chợ Mơ Plaza.

Đặc biệt, trong quý II/2012, UBND TP. Hà Nội đã ra thông báo kêu gọi đầu tư vào 5 chợ và trung tâm thương mại (TTTM) tại các quận, huyện là Hà Đông, Gia Lâm và Ba Vì, với thời gian thực hiện dự kiến kéo dài từ năm 2012 đến năm 2016.

Điều này khiến cho không ít người đặt ra câu hỏi về vấn đề cung – cầu của loại hình mua sắm này đặc biệt trong bối cảnh thu nhập bình quân đầu người của Hà Nội mới ở khoảng mức thấp vào khoảng 2.000USD/người/năm trong khi đó TTTM thường ngắm đến những đối tượng khách hàng trung và cao cấp.

Đã có rất bài học mang tên “trái đắng” trên thị trường BĐS ở các phân khúc như biệt thự, nhà liền kề, chung cư cao cấp…khi phát triển nở rộ một cách ồ ạt để rồi giờ đây rơi vào cảnh ế ẩm, đóng băng, mất thanh khoản, chủ đầu tư mất vốn, vỡ nợ ngân hàng. Và liệu TTTM có đi vào vết xe đổ của biệt thự, nhà liền kề?

Theo Vietnamnet
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.