Bộ Xây dựng đã có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về Quy hoạch xây dựng hệ thống trụ sở các bộ, ngành, cơ quan, đoàn thể Trung ương tại Thủ đô Hà Nội đến năm 2030. Theo đó, UBND TP Hà Nội sẽ tiếp quản những cơ sở nhà đất (sau khi di dời) để phục vụ mục tiêu xây dựng đô thị và tạo nguồn vốn để thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, nếu không giám sát tốt quá trình thực hiện, "đất” vàng sẽ biến thành đất thương mại, phục vụ lợi ích của một nhóm người.

Di dời để chuyển đổi?

Bộ Xây dựng cho biết: qua quá trình kiểm tra và rà soát thực trạng hệ thống trụ sở làm việc (bao gồm nhà, đất, diện tích phụ trợ) của 36 cơ quan trung ương, Bộ Xây dựng dự kiến sẽ di dời 11 bộ, 1 cơ quan thuộc chính phủ, 5 cơ quan, đoàn thể trung ương, với diện tích khoảng 50 ha.
Sau khi di dời, UBND TP Hà Nội sẽ thực hiện việc quản lý sử dụng và chuyển đổi chức năng phù hợp với các quy hoạch của thành phố. Theo đó, với những công trình có giá trị về kiến trúc cần bảo tồn, sẽ hạn chế tháo dỡ, ưu tiên sử dụng cho các mục đích văn hóa. Riêng các trụ sở nằm ở các khu vực có cơ sở hạ tầng và vị trí thuận lợi, sẽ cho phép chuyển đổi sang các mục đích thương mại để tạo nguồn vốn trong quá trình đầu tư xây dựng trụ sở làm việc mới.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Đình Toàn cho biết: các quỹ đất, công trình sau khi di dời (không chỉ riêng 50 ha) sẽ được quản lý, đánh giá giá trị và khả năng chuyển đổi. Một số sẽ do Chính phủ quản lý, một số sẽ giao cho UBND TP Hà Nội quản lý hoặc chuyển đổi chức năng, đấu giá. Song bắt buộc phải trên cơ sở bảo tồn các giá trị văn hóa của thủ đô, cảnh quan và môi trường. Về phương án thực hiện, Thứ trưởng Toàn khẳng định: Chính phủ sẽ quyết định đơn vị chủ đầu tư cho từng địa điểm. Tuy nhiên, nguồn vốn sẽ thống nhất từ ngân sách nhà nước, từ chuyển đổi cơ sở cũ, theo các hình thức đầu tư BOT BT và nguồn vốn xã hội hóa.
Hiện tại, các địa điểm di dời được dự kiến triển khai là khu vực Tây Hồ Tây và Mễ Trì. Dự kiến tại khu hành chính Tây Hồ Tây sẽ xây dựng 8 trụ sở Bộ, ngành trên tổng diện tích khoảng 27 ha trong giai đoạn 1. Tương tự, tại khu Mễ Trì, quỹ đất có thể khai thác vào mục đích xây dựng công sở khoảng 50 ha, dự kiến sẽ xây dựng trụ sở của 3 bộ và 5 cơ quan, đoàn thể trung ương...
Thương mại sẽ bao nhiêu phần trăm?
Không cần bàn cãi khi đại đa số diện tích quỹ đất các trụ sở, cơ quan trung ương hiện nay đều là những khu vực đắc địa, có giá trị và lợi ích kinh tế lớn, đặc biệt khi chuyển đổi sang mục đích thương mại. Câu hỏi đặt ra hiện nay là sau khi các trụ sở di dời sẽ có bao nhiêu phần trăm diện tích đất kể trên sẽ biến thành các khu trung tâm thương mại, khách sạn, nhà cao ốc cho thuê, thậm chí cả biệt thự, nhà vườn? Các hình thức BOT, BT, và xã hội hóa hiện nay trên cơ bản không nằm ngoài quy luật "đánh đổi” hay "thỏa thuận” đất lấy hạ tầng, tất nhiên hiện vẫn phải dựa trên những cơ sở vật chất dù chưa hiện hữu nhưng tiềm năng là vô cùng to lớn.
Ngoài ra, cũng cần tính tới khả năng việc thương mại hóa "đất vàng” sẽ gây nên sự "phản mục đích” của quy hoạch di dời. Cụ thể, một trong những mục tiêu đặt ra để di dời là giữ lại các giá trị văn hóa thủ đô, và giảm tải cho trung tâm thành phố. Song, nếu những tòa cao ốc, trung tâm thương mại mọc lên, lượng người đổ về đây sẽ vượt trên nhiều lần số cán bộ, nhân viên chuyển đến những khu làm việc mới. Sự "tăng nhiệt” của lượng người mới liệu có tạo ra những hệ lụy xã hội khó có thể kiểm soát?
Dẫn lời của một quan chức cấp bộ, việc di dời trụ sở hoàn toàn phù hợp với chủ chương của TP, nhưng nếu làm không tốt quá trình "giao” sau khi di dời, kể cả những quy hoạch liên quan tới di dời, quy hoạch chung của TP rất có thể sẽ bị phá vỡ. Đó là chưa kể đến, xung quanh quá trình đấu giá, hợp tác, đầu tư, rất nhiều khả năng những "sân sau” sẽ trở thành "sân trước”, kèm theo đó là những ảnh hưởng không nhỏ cho đời sống nhân dân xung quanh các điểm di dời… Quá trình giám sát, kiểm tra, phân định cần phải công khai lấy ý kiến của các tầng lớp nhân dân.
Được biết, Bộ Xây dựng đề nghị Thủ tướng Chính phủ thành lập Ban chỉ đạo Quy hoạch, đầu tư xây dựng trụ sở các cơ quan trung ương để triển khai rà soát, sắp xếp, đầu tư xây dựng trụ sở làm việc. Ban chỉ đạo và tổ công tác giúp việc sẽ quyết định việc lựa chọn các phương án đầu tư xây dựng, đề xuất các cơ chế chính sách để thu hút nguồn lực và chỉ đạo tập trung đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng. Bộ Tài chính có trách nhiệm chủ trì rà soát, sắp xếp các cơ sở hiện có. Đồng thời, yêu cầu các cơ quan có báo cáo đầy đủ về hiện trạng cơ sở nhà đất, phương án sắp xếp và đề xuất nhu cầu phát triển cho các giai đoạn dài hạn. UBND TP Hà Nội sẽ có trách nhiệm bố trí quỹ đất và hạ tầng cho xây dựng các trụ sở làm việc mới.
Theo Tuấn Việt (ĐĐK)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.