Ông Lê Dũng - chủ cơ sở Dũng Nga (tổ 38,P.Hòa Hải, Q.Ngũ Hành Sơn) không mấy hài lòng với cơ sở mới của mình. Ảnh: NHIỆT BĂNG

“Đi rồi… hối hận”!

Kế hoạch di dời hàng trăm cơ sở sản xuất đá mỹ nghệ Làng đá Non Nước được định từ đầu 2014, nhưng đến đầu 2015, số hộ di dời vào khu quy hoạch vẫn ngót ngét… trên đầu ngón tay. Nguyên nhân chính là do nhiều hộ “ngặt” kinh phí di dời nhưng không nhận được sự hỗ trợ nào từ phía chính quyền. Thứ nữa, họ “nghe hơi” số hộ mới đi kêu ca nơi mới chật chội nên xuất hiện tâm lý lo ngại, thụt lùi!.

Ông Lê Văn Pháp (chủ cơ sở Lê Pháp) - phân tích: “Tôi lên đây từ cuối năm ngoái, tổng chi phí di dời, xây dựng cơ sở mới (rộng 500m2) là hơn 600 triệu đồng. Tôi có điều kiện mà thấy cũng “nặng đô” thì huống hồ gì các hộ không có điều kiện. Hiện có rất nhiều hộ đã đăng ký nhưng chưa chắc họ lên là vì vậy”.

Trong thời gian chờ xây dựng cơ sở mới, hơn 10 công nhân của ông Pháp phải “nhảy” sang các cơ sở khác sinh nhai và hiện chỉ có 5 công nhân quay lại làm việc. Ngoài ra, ông Pháp phải bỏ tiền túi thuê người canh giữ tài sản, dụng cụ hết 3 triệu đồng/tháng vì khu quy hoạch chưa được bố trí lực lượng bảo vệ.

Tiếp xúc chúng tôi, ông Lê Dũng (chủ cơ sở Dũng Nga) - nhăn nhúm: “Tôi vừa di dời, xây mới, vừa đưa nhân công lên làm việc để đảm bảo thu nhập cho anh em nhưng làm được vài ngày họ lại “bỏ chạy” về cơ sở cũ vì chật chội quá, “quậy” không được”. Nếu cơ sở cũ rộng 1.000m2 thì cơ sở mới ông Dũng chỉ thuê được 2 lô (240m2), nửa số tiền 650 triệu đồng chi phí di dời, xây cơ sở mới, ông Dũng phải đi vay mượn khắp nơi. “Không gian này vừa chứa máy móc, đá, dụng cụ, vừa “nhốt” cả 19 công nhân thì có khi thở còn không nỗi chứ đừng nói làm ăn. Lẽ ra với số nhân, vật lực như vậy, tôi phải được bố trí thêm 2 lô nữa mới phù hợp. Đúng là đi rồi mới… hối hận!” - ông Dũng bức xúc.

Bất cập quy hoạch, thiếu 100 lô đất

Khu quy hoạch làng đá mỹ nghệ Non Nước có tổng diện tích 35ha, tổng vốn đầu tư xây dựng khoảng 134 tỉ đồng, gồm các hạng mục hàng liễu chắn bụi, đường sá, hệ thống xử lý nước thải... Trong đó, 7,7ha đất phân lô sản xuất, 7ha bãi chứa đá thô.

Làm việc với PV, bà Nguyễn Thị Hiền - Phó trưởng Ban quản lý làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước - cho biết, qua khảo sát thực tế và số lô đất thuê thì khu quy hoạch làng nghề còn thiếu 100 lô đất. “Về việc này, chúng tôi đã có tờ trình gửi UBND TP xin “xẻ” 2ha/7ha đất bổ sung vào đất sản xuất để bố trí cho các cơ sở thuê” - bà Hiền nói.

Nguyên nhân của tình trạng này là do các cơ sở lớn như Nguyễn Hùng và Nguyễn Long Bửu đã xin “đứng chân” hàng ngàn mét vuông đất sản xuất trình UBND TP xét duyệt (vì cơ sở cũ diện tích hơn 1.000 m2). “Tổng diện tích thuê đất của 2 hộ này bằng 20 cơ sở bình thường” - bà Hiền nói. Ưu ái “quá trớn” này đẩy hàng chục cơ sở nhỏ lẻ khác vào thế khó, thiếu đất sản xuất.

Trong khi bất cập trên rất cần xem xét lại thì đồng thời UBND TP Đà Nẵng chỉ đạo quận Ngũ Hành Sơn trước 30.4, toàn bộ cơ sở sản xuất ở làng nghề cũ phải vào khu quy hoạch. Tuy nhiên, theo Ban quản lý làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước - thì hiện nay, mới chỉ có 309 cơ sở có đủ đất thực tế, còn trên 150 cơ sở chưa được thuê đất vì không có đất!. Vì vậy, việc chấm dứt sản xuất tại làng nghề cũ sau ngày 30.4 là không thể thực hiện.