Các doanh nghiệp trong Khu công nghiệp Biên Hòa 1, tỉnh Đồng Nai lo lắng việc di dời nhà xưởng đi nơi khác, theo chính sách di dời khu công nghiệp này, sẽ kéo theo hàng loạt xáo trộn về công nhân, nhiều máy móc thiết bị sẽ trở thành "sắt vụn", lãng phí hàng chục tỉ đồng đầu tư hệ thống xử lý khí thải...

Phối cảnh khu đô thị được chuyển đổi công năng từ Khu công nghiệp Biên Hòa 1 - Ảnh: Sonadezi.

Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, bà Nguyễn Thị Kim Vinh, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Bóng đèn Điện Quang cho biết, hiện công ty có hai xí nghiệp đặt tại khu công nghiệp Biên Hòa 1 với 500 công nhân. Nếu phải di dời nhà máy xuống tận khu Giang Điền thì nhà máy sản xuất nằm quá xa so với văn phòng chính của công ty tại TPHCM và các nhà máy còn lại của Điện Quang. Vốn đầu tư ban đầu cho máy móc, nhà xưởng mới trong thời điểm này không hề dễ dàng.

Bà Vinh cho rằng, cái đáng lo hơn khi di dời nhà máy sản xuất khỏi KCN Biên Hòa 1 là mất nguồn lao động. Công nhân của Điện Quang chủ yếu là lao động được đào tạo bằng kinh nghiệm sản xuất lâu năm tại nhà máy mà có, nay chuyển nhà máy đến nơi xa hơn thì liệu số lao động này có chịu theo công ty hay không, nếu công ty tổ chức xe đưa rước thì đẩy chi phí sản xuất, giá thành sản phẩm lên cao, khó lòng cạnh tranh với hàng nhập khẩu giá rẻ đang tràn ngập thị trường.

Công ty Cổ phần Thép Biên Hòa (Vicasa) vừa bỏ ra 40 tỉ đồng đầu tư hệ thống xử lý khí thải, nay nếu phải di dời nhà xưởng sản xuất từ KCN Biên Hòa về KCN Nhơn Trạch thì chắc chắn chi phí đầu tư cho toàn bộ hệ thống xử lý khí thải này xem như bỏ.

Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, ông Lê Văn Cam, Tổng giám đốc Vicasa cho biết, Vicasa đã thuê diện tích đất 26 héc ta tại Khu công nghiệp Nhơn Trạch cho kế hoạch di dời nhà máy ra khỏi Khu công nghiệp Biên Hòa 1.

Tuy nhiên, ông Cam cho biết, chi phí để thực hiện việc di dời nhà máy trong lúc này quả là cực kỳ khó khăn bởi liên tục trong vài năm gần đây Vicasa chỉ đạt lợi nhuận rất thấp hoặc chỉ huề vốn, không tích lũy được lãi để tái đầu tư. Riêng năm 2013 Vicasa chỉ lãi vỏn vẹn 500 triệu đồng. Do ngành thép cung vượt cầu nên năm qua Vicasa chỉ cố gắng duy trì được công suất 120.000 tấn/năm trên tổng công suất thiết kế 180.000 tấn/năm.

Chưa kể, theo ông Cam, công nhân của Vicasa hiện tại có khoảng 490 người chủ yếu là lao động địa phương mất nhiều năm đào tạo. Nay nếu chuyển về KCN Nhơn Trạch thì chắc chắn khó giữ nguyên số lượng lao động lành nghề này, dự báo Vicasa sẽ mất trên 140 công nhân khi di dời nhà máy về địa điểm mới do người lao động ngại đi xa.

“Nếu chủ trương chung di dời khỏi KCN Biên Hòa 1 có lợi cho tỉnh thì doanh nghiệp sẽ chấp hành. Nhưng điều doanh nghiệp cần trong lúc này là có chính sách hỗ trợ thỏa đáng”, ông Cam cho hay.

Một cuộc thăm dò của Tổng Công ty phát triển Khu công nghiệp (Sonadezi) - chủ đầu tư Khu công nghiệp Biên Hòa 1 - cho thấy, chỉ có 15% doanh nghiệp trong khu công nghiệp đồng ý di dời, trong khi có đến 44% doanh nghiệp không muốn.

Một số doanh nghiệp cũng cho hay khi di dời thì khả năng thu hồi, sử dụng lại phần thiết bị nhà xưởng đã đầu tư là rất thấp, hầu như phải bỏ tiền đầu tư mới lại toàn bộ tại địa điểm mới.

Nhiều doanh nghiệp cho biết họ vẫn thấy bất an khi phải di dời về Khu công nghiệp Giang Điền hay các khu công nghiệp khác, cách nơi cũ từ 20 - 60 cây số nên sẽ phát sinh chi phí trong khi họ thiếu vốn. Doanh nghiệp còn lo nguồn lao động sẽ gặp khó khăn khi nhà máy phải ngưng hoạt động để di chuyển, lắp đặt máy móc thiết bị, doanh nghiệp không có sản phẩm cung ứng cho khách hàng, mất thị trường …

Trước đó, qua trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, lãnh đạo Sonadezi cho biết dự kiến giữa năm 2014, Sonadezi sẽ bắt đầu triển khai dự án chuyển đổi công năng Khu công nghiệp Biên Hòa 1 thành khu đô thị - dịch vụ - thương mại với tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 14.655 tỉ đồng.

Hiện nay Sonadezi đang chờ ý kiến của bộ, ngành về cơ chế để thực hiện dự án này như cơ chế chính sách về thuế, tín dụng cho các doanh nghiệp bị di dời; các giải pháp về nguồn vốn, hiệu quả kinh tế, cũng như các vấn đề liên quan đến đất đai ...

Khu công nghiệp Biên Hòa 1 được hình thành từ năm 1963, có tổng diện tích 324,08 héc ta, hiện có 104 doanh nghiệp hoạt động với hơn 26.000 lao động. Theo Sonadezi, hơn 100 doanh nghiệp ở khu công nghiệp Biên Hòa 1 sẽ phải dời về Khu công nghiệp Giang Điền hoặc Khu công nghiệp Nhơn Trạch, Khu công nghiệp Ông Kèo… tùy từng trường hợp.

Văn Nam (TBKTSG)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.