Như Báo Sài Gòn Giải Phóng đã phản ánh, hai phương thức đền bù giải phóng mặt bằng hiện nay (nhà nước thu hồi đất và chủ đầu tư tự thỏa thuận mua đất của dân) đều có không ít bất cập. Giải quyết vấn đề này như thế nào đang là vấn đề được Quốc hội, Chính phủ và nhiều địa phương trong cả nước quan tâm…

Bên nào cũng muốn...thay đổi

Nói về phương thức nhà nước thu hồi đất, trưởng ban đền bù giải phóng mặt bằng của một quận ở TPHCM (xin được phép giấu tên) trải lòng: “Chủ yếu do pháp luật về đất đai còn nhiều điểm chưa theo kịp thực tế nên đã có không ít chuyện rất nặng lòng trong quá trình thực hiện công tác đền bù, giải phóng mặt bằng. Những người nghèo định cư lâu năm, đủ điều kiện làm giấy tờ nhà đất theo quy định của pháp luật nhưng do không có tiền, không thể thực hiện nghĩa vụ tài chính để làm giấy tờ nhà đất là một trong những chuyện ấy.

Những người này đang là những người không có giấy tờ nhà, đất hợp pháp. Cuộc sống của họ sẽ không có gì xáo trộn và qua thời gian có thể họ sẽ có cơ hội vươn lên nếu như không phải di dời, nhường đất cho các công trình xây dựng.Không có giấy tờ nhà, đất hợp pháp theo quy định về đền bù giải phóng mặt bằng, không ít người trong số này sẽ chỉ được đền bù nhà, đất với số tiền nhỏ, thậm chí có người không được đền bù mà chỉ được hỗ trợ chi phí cho các vật dụng kiến trúc. Số tiền nhỏ, không đủ cho họ tạo lập một cuộc sống mới bằng cuộc sống cũ, nói gì đến việc xây dựng một cuộc sống mới tốt hơn...”.

Tuy nhiên, ông cũng cho biết thêm, trong khả năng của mình, nhiều quận, huyện đang tập hợp các trường hợp đặc biệt nêu trên, trình lãnh đạo thành phố xem xét theo hướng tạo điều kiện cho người dân được làm giấy tờ nhà, đất và ghi nợ nghĩa vụ tài chính. Việc hoàn trả nghĩa vụ tài chính sẽ được thực hiện khi người dân nhận được đầy đủ tiền đền bù nhà, đất.

Đề xuất điều chỉnh pháp luật về đất đai để công tác đền bù, giải phóng mặt bằng tiến hành thuận lợi hơn, đảm bảo tốt hơn cho quyền lợi của người dân là xu hướng nổi lên khá rõ ở TPHCM. Điều này không chỉ thể hiện ở đội ngũ những người trực tiếp làm công tác đền bù, giải phóng mặt bằng mà còn ở các sở, ngành chuyên môn. Mới đây, Sở TN-MT TPHCM đã đề xuất tăng mức hỗ trợ đền bù đối với đất nông nghiệp bị thu hồi.

Nhiều nhà cao tầng mới được xây dựng để đáp ứng nhu cầu nhà ở. Ảnh: THÁI BẰNG

Ông Nguyễn Văn Hồng, Phó Giám đốc Sở TN-MT TPHCM cho biết, đa phần khiếu nại về đất đai tại TPHCM là về đền bù đối với đất nông nghiệp. Là một thành phố lớn có tốc độ đô thị hóa cao, phần lớn đất trong nội thành không còn được dùng để trồng trọt, chăn nuôi mà vẫn tính là đất nông nghiệp và đền bù cho dân theo giá đất nông nghiệp là điều không hợp lý.

Nói về phương thức chủ đầu tư thỏa thuận mua đất của dân, ông Nguyễn Văn Đực, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM, Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành gút ngắn gọn trong một câu: “Mệt mỏi”. Với tư cách là một doanh nghiệp (DN), một nhà đầu tư, một người đại diện cho Hiệp hội Bất động sản TPHCM, ông mong muốn có sự điều chỉnh, thay đổi trong phương thức đền bù này.

Lý giải cho quyết định của mình, ông Nguyễn Văn Đực nói, khi người dân bán đất cho nhà đầu tư là DN, các vấn đề về pháp lý đất đai hoàn toàn không được đặt nặng. Việc mua bán diễn ra trên tinh thần “thuận mua, vừa bán”. Đáng lẽ đây phải là điều tốt cho tất cả các bên. Thế nhưng nhiều người dân lại lợi dụng điều này để “ép” DN. Nhiều DN đã phải trả giá cao gấp hàng chục lần so với giá thị trường để mua lại đất của dân.

Xã hội hóa?

Điều chỉnh pháp luật về đền bù, giải phóng mặt bằng là điều mà nhiều người, nhiều cơ quan mong muốn. Nhưng điều chỉnh ra sao lại đang có nhiều ý kiến khác nhau. Ông Nguyễn Văn Hồng cho rằng phải nhìn vấn đề này ở nhiều góc độ khác nhau. Nếu chỉ để một phương thức nhà nước thu hồi đất thì không thu hút được nguồn lực của xã hội. Nhất là khi chi phí cho công tác đền bù, giải phóng mặt bằng không hề nhỏ, nguồn lực ngân sách của nhiều địa phương không kham nổi.

Ông Nguyễn Văn Hồng đề xuất, vẫn để nhà đầu tư chủ động thỏa thuận đền bù với dân. Nhà nước sẽ theo dõi sát sao giá đền bù và chỉ can thiệp khi hai bên không thể thỏa thuận với nhau trên tinh thần đảm bảo lợi ích hợp lý, hợp pháp của các bên. Nhà nước cũng sẽ dùng “công cụ thuế” để điều tiết hoạt động đầu tư này.

Ở một góc độ khác, ông Nguyễn Văn Đực nhận thấy cần có sự can thiệp của nhà nước vào công tác đền bù, giải phóng mặt bằng. Để tồn tại một số ít người dân đòi hỏi mức đền bù cao đến mức bất hợp lý như hiện nay không những thiệt hại cho DN, mà còn gián tiếp đẩy giá bất động sản lên cao. Quan trọng hơn nữa, trong một dự án, trong một khu vực mà chênh lệch giá đền bù (giữa người đòi hỏi quá cao, với những người dân khác) sẽ tạo điều kiện cho khiếu nại nảy sinh.

Ông Đặng Văn Khoa, nguyên đại biểu HĐND TPHCM, hiện là Ủy viên Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đề nghị, một nguyên tắc cơ bản trong đền bù, giải phóng mặt bằng là phải bồi thường thỏa đáng cho người dân. Lợi ích của từng thực thể phải được đảm bảo thì mới có lợi ích chung của cả cộng đồng. Do đó, pháp luật về đất đai phải tạo cơ chế cho nhà nước, khi cần thiết, sử dụng ngân sách chăm lo, hỗ trợ thêm cho người dân bị giải tỏa.

Ông Đặng Văn Khoa cho rằng, nhà nước nên xã hội hóa công tác đền bù, giải phóng mặt bằng để vừa tận dụng được nguồn lực xã hội vừa tạo điều kiện cho người dân được đền bù theo hướng tiến bộ, hợp lý, đó là “thuận mua, vừa bán”. Nhà nước có thể đưa các khu đất cần đền bù ra đấu giá chọn nhà đầu tư giải phóng mặt bằng. Sau khi đã có mặt bằng trống, nhà nước làm tiếp động tác đưa mặt bằng ra kêu gọi đầu tư. Chênh lệch địa tô giữa động thái này sẽ thuộc về ngân sách nhà nước và nhà nước có thể dùng nó chăm lo cho đời sống người dân.

Theo Nguyễn Khoa (SGGP)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.