Ngân hàng tiết kiệm nhà ở nhằm mục đích cấp vốn cho các hộ gia đình, cá nhân tham gia đóng góp vay mua hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở.

Dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi đang được Bộ Xây dựng công bố để lấy ý kiến với nhiều điểm mới, trong đó có việc thành lập ngân hàng tiết kiệm nhà ở. Đây dự kiến là tổ chức tín dụng hoạt động theo hình thức công ty cổ phần, huy động vốn và cho vay phát triển nhà ở.

Nguồn vốn hình thành ngân hàng tiết kiệm nhà ở thông qua nhiều kênh. Cụ thể gồm vốn tự có của các chủ sở hữu tham gia thành lập; vốn đóng góp tiết kiệm của các hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu vay từ ngân hàng tiết kiệm nhà ở; vốn hỗ trợ từ Nhà nước (nếu có) và các nguồn vốn hợp pháp khác.

bds4-8351-1380163697.jpg
Bộ Xây dựng đề xuất thành lập ngân hàng tiết kiệm nhà ở. Ảnh: Anh Quân

Mục đích của quỹ là cấp vốn cho các hộ gia đình, cá nhân tham gia đóng góp tiết kiệm tại ngân hàng vay để mua nhà ở hoặc để cải tạo, sửa chữa nhà ở hiện có; mua trái phiếu Chính phủ trong trường hợp có vốn nhàn rỗi.

Theo dự thảo, Chính phủ sẽ có quy định cụ thể về việc thành lập, vốn pháp định, vốn pháp định, cơ cấu tổ chức, nguyên tắc hoạt động, cơ chế huy động và cho vay của ngân hàng tiết kiệm nhà ở, có các cơ chế ưu đãi nhằm khuyến khích các hộ gia đình, cá nhân tham gia tiết kiệm phát triển nhà ở.

Trước đó, cách đây 4 năm, để giúp người dân dễ tiếp cận trong việc vay vốn mua nhà, Bộ Xây dựng đã đề xuất thành lập Quỹ tiết kiệm nhà ở, đã trình Chính phủ và dự kiến vận hành vào 2013. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, giá bất động sản còn quá cao nên các mô hình đưa ra chưa khả thi. Bên cạnh đó, không ít người tỏ ra lo ngại về việc nảy sinh tiêu cực trong quá trình vận hành. Vì thế, đến nay, đề xuất này của Bộ Xây dựng vẫn chưa được thực thi.

Tại dự thảo, Bộ Xây dựng cũng nêu rõ, các tổ chức cung cấp tài chính cho việc phát triển nhà ở gồm bên cạnh các tổ chức tín dụng, ngân hàng tiết kiệm nhà ở còn có quỹ phát triển nhà ở được thành lập tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Quỹ đầu tư bất động sản...

Liên quan đến thời hạn sở hữu nhà chung cư, dự thảo Luật hiện vẫn chưa ấn định mà đưa ra 2 phương án. Theo phương án thứ nhất, cơ quan quản lý sẽ "không quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư".

Còn ở phương án 2 quy định đối với trường hợp nhà nước giao đất, cho thuê đất để xây dựng nhà chung cư để bán, cho thuê mua thì thời hạn sở hữu nhà chung cư là 70 năm. Còn với trường hợp được Nhà nước cho thuê đất thì thời hạn sở hữu nhà chung cư bằng thời hạn sử dụng đất thuê.

Đặc biệt, dự thảo quy định, đối với trường hợp nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất hoặc có quyền sử dụng đất hợp pháp mà xây dựng nhà chung cư thì sở hữu nhà chung cư là không có thời hạn.

Ngọc Tuyên (VnExpress)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.