NHNN có thể cho NHTM vay với lãi suất 2-3% và chỉ đạo NHTM cho doanh nghiệp vay với lãi suất 6-7%.

Chiều 19/9 chuyên gia Bùi Kiến Thành đã có bài thảo luận chủ đề “Chính sách tiền tệ - thực trạng và tác động hỗ trợ doanh nghiệp do CTCP Chứng khoán Ngân hàng BIDV tổ chức.

Theo chuyên gia Bùi Kiến Thành lãi suất cao đang là “vũ khí hủy diệt” doanh nghiệp, doanh nghiệp không thể sống sót với lãi suất 15%/năm, điều này thể hiện ở việc mặc dù 8 tháng qua mặt bằng lãi suất đã giảm đáng kể nhưng tăng trưởng tín dụng vẫn chỉ quanh quẩn mức 1,6%, điều này cho thấy doanh nghiệp đang co hẹp sản xuất và không có nhu cầu vay vốn nữa.

Đề xuất táo bạo

Ông Thành đã đưa ra một đề xuất táo bạo, theo đó ngân hàng nhà nước đóng vai trò tiên quyết trong việc cân đối nguồn lưu lượng tiền tệ cho doanh nghiệp vay vốn với lãi suất thấp.

Ông Thành dẫn chứng lãi suất của các NHTW các nước như Mỹ hay Nhật cho NHTM vay với lãi suất cao nhất 0,25% sau đó các NHTM cho doanh nghiệp vay với lãi suất 2-3%, tại sao chúng ta không làm được việc này?

Thống đốc NHNN Việt Nam có nói do NHTM huy động với lãi suất cao nên không thể cho vay thấp được, ông Thành không đồng ý với ý kiến này và cho rằng trần lãi suất ở đây không đại diện cho lãi suất thị trường mà hiện tại lãi suất huy động đang ấn định trần lãi suất.

Ông Thành cho biết từ đầu năm đến nay ông đã đề xuất với Chính phủ 2 lần, theo đó, NHNN có thể cho NHTM vay với lãi suất 2-3% và chỉ đạo NHTM cho doanh nghiệp vay với lãi suất 6-7%, việc bơm tiền điều tiết lượng tiền cung ứng là quyền quyết định của NHNN và điều này đã được Luật pháp quy định và công nhận cho một ngân hàng quốc gia độc lập.

Vấp phải những ý kiến phản đối

Có nhiều người phản đối ý kiến của ông Thành và cho rằng hiện Chính phủ còn đang đi vay với lãi suất 11-12% (trái phiếu) làm sao cho NHTM vay với lãi suất 2-3% được, thứ hai là việc in tiền vô tội vạ có thể gây ra lạm phát – mà điều này chúng ta đang phải rất vất vả để giải quyết, thứ ba là lãi suất thấp sẽ khiến người dân không đi gửi tiền mà đầu tư vào các tài sản khác như vàng, chứng khoán, bất động sản, ngoại tệ gây bong bóng tài sản thì sao?

Trả lời vấn đề này, chuyên gia Bùi Kiến Thành cho rằng lượng tiền cung ứng của NHNN là do luật pháp công nhận và vai trò của NHNN là điều tiết lượng tiền để cung cấp cho nền kinh tế với lãi suất thấp nhất và ổn định. Lạm phát xảy ra khi tiền đưa ra nền kinh tế nhiều quá mà nguồn hàng không theo kịp còn trường hợp của chúng ta hiện nay là tăng trưởng tín dụng 8 tháng qua vẫn chỉ ở mức 1,6%, tiền không đưa đến tay doanh nghiệp, tín dụng không đưa ra được nền kinh tế.

Về câu chuyện gói kích cầu 2009, lúc đó Chính phủ hỗ trợ lãi suất 4% và gây ra lạm phát cao sau đó, ông Thành cho rằng hai câu chuyện hoàn toàn khác nhau, việc hỗ trợ lãi suất 4% năm 2009 để hỗ trợ vốn lưu động là không có định hướng kinh doanh rõ ràng, chúng ta không quản lý được dòng tiền đi đâu, có vào sản xuất kinh doanh không hay lại đi đầu tư ngoài ngành. Ở đây, NHNN cho NHTM vay với lãi suất 2-3% nhưng NHTM cũng không thể cho vay vô tội vạ được, NHTM chỉ cho DN vay sản xuất kinh doanh và phải có luận chứng kinh tế rõ ràng về dự án định vay.

Ông Thành cũng cho rằng NHNN không phải là đơn vị kinh doanh cần có lãi, do đó nếu cho NHTM vay với lãi suất 3%, NHNN có thể trích lập dự phòng 2% đối với các khoản vay cho DN.

Các vấn đề về lãi suất thực dương: ông Thành cho rằng chính tư tưởng gửi tiền tại ngân hàng cần lãi suất cao đã khiến hoạt động vượt trần lãi suất xảy ra tràn lan như vậy, người dân gửi tiền vào ngân hàng một phần để cất giữ tài sản, sau một thời gian vẫn có lãi, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ của ngân hàng..; Vậy nếu người dân không gửi tiền ở ngân hàng thì sao, họ đi mua vàng, mua BĐS, mua cổ phiếu, thì người bán hàng, người kinh doanh BĐS sẽ mang tiền gửi ở ngân hàng.

Vấn đề của NHNN là biết mở van và tháo van. Ông Thành kể câu chuyện khi ông làm việc ở NHTW Mỹ, mỗi sáng ông nhận được số liệu tiền tệ của ngày hôm trước, lưu lượng tiền M1,M2,M3 bao nhiêu, đủ hay không đủ,…do đó sẽ có những quyết định về việc bơm hay hút tiền thông qua nghiệp vụ thị trường mở.

Chủ ngân hàng cần mang tài sản cá nhân ra để giải quyết nợ xấu

Về việc giải quyết nợ xấu do bong bóng bất động sản gây ra, ông Thành có đề xuất Chính phủ ngân hàng nào cho vay vô tội vạ để nợ xấu quá cao, lãnh đạo ngân hàng đó phải có trách nhiệm dân sự, mang tài sản cá nhân để giải quyết nợ xấu do anh ta gây ra.

Theo Hoàng Ly (Cafef/TTVN)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.