Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh vừa có kiến nghị lên bộ Xây dựng cho phép chủ đầu tư được huy động vốn của khách hàng tại thời điểm đã hoàn thành công tác bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB), dự án đã có quy hoạch chi tiết 1/500 hoặc quy hoạch tổng mặt bằng.

Đây là ý kiến góp ý cho Dự thảo Luật kinh doanh bất động sản sửa đổi. Tuy nhiên, với quan điểm này, nhiều tiếng nói cho rằng với môi trường kinh doanh bất động sản hiện nay việc cho phép chủ đầu tư huy động vốn của khách hàng sau GPMB là quá sớm. Nó sẽ dẫn tới tình trạng không thể kiểm soát được đồng vốn mà khách hàng đã bỏ ra.

Đề xuất chủ đầu tư được huy động vốn sau GPMB có thể giải quyết khó khăn về vốn cho doanh nghiệp, nhưng lại đặt người mua nhà vào tình cảnh khó kiểm soát đồng vốn mà mình bỏ ra

Xong GPMB là cạn vốn

Theo quy định hiện hành, chủ đầu tư dự án bất động sản chỉ được ký hợp đồng mua bán nhà trong tương lai với khách hành khi đã hoàn thành phần móng.

Trao đổi với PV Lao động Online về đề xuất này kéo lùi thời điểm bán nhà của chủ đầu tư, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoRea) nói, nguyên nhân dẫn tới đề xuất này là bởi Luật Đất đai sửa đổi quy định chủ đầu tư quy định dự án bất động sản phải có tiền ký quỹ. Thứ hai, GPMB cũng phải bồi thường với số tiền rất lớn.

“Hai khoản trên gộp vào là số lượng lớn, bởi vậy khi GPMB xong thì cũng là lúc doanh nghiệp khó khăn nhất vì cạn vốn”, ông Châu nói.

Tuy nhiên, song song với đề xuất cho chủ đầu tư được huy động vốn thì HoRea cũng đề xuất cần có cơ chế cụ thể bao gồm các chế tài cần thiết để bắt buộc chủ đầu tư phải sử dụng vốn huy động của khách hàng đúng mục đích để hoàn thành bất động sản bàn giao cho khách hàng.

“Biện pháp có thể là chuyển tiền huy động vào “tài khoản đóng” của ngân hàng và chỉ được giải ngân theo tiến độ thi công công trình theo giai đoạn có sự giám sát của ngân hàng và đại diện khách hàng”, ông Châu nói.

Tiền thật mua nhà ảo

Dưới góc nhìn của chủ doanh nghiệp địa ốc, ông Nguyễn Văn Đực - Phó GĐ công ty địa ốc Đất Lành cho hay, nếu đề xuất sau GPMB chủ đầu tư đã được huy động thì rất khó kiểm soát.

“Khi đưa vào thực tế, nếu doanh nghiệp có ý đồ làm sai, khó kiểm soát được, lúc đó khách hàng bị thiệt hại. Dù có 3 bên: khách hàng, ngân hàng và doanh nghiệp cùng nhau đầu tư dự án, nhưng nếu doanh nghiệp muốn làm sai thì thiệt hại vẫn cứ thuộc về khách hàng. Khách hàng chỉ là người “trao thân, gửi phận”, cần tìm doanh nghiệp có uy tín, có khả năng thực sự”, ông Đực nói.

Còn theo quan điểm của LS Bùi Quang Hưng (Đoàn LS Hà Nội), người tham gia nhiều vụ kiện tranh chấp pháp lý về mua bán bất động sản, thì việc mua nhà khi chủ đầu tư làm xong móng đã là phiêu lưu, còn việc cho phép chủ đầu tư mới chỉ GPMB xong được phép bán nhà thì chẳng khác gì “đặt điều kiện cho người mua nhà cầm dao đằng lưỡi”.

“Khi đang còn bãi đất trống thì họ đã thỏa thuận mua một căn nhà trên tầng 20, nghĩa là chưa biết đến bao giờ sẽ hình thành tầng nhà đấy cho nên cũng không biết được chất lượng xây dựng như nội thất, điện, nước trong đó như thế nào được mà chỉ dự kiến như vậy.Về dự kiến này, có thể nó đúng tới 90% trong tưởng tượng người mua, tuy nhiên có thể nó chỉ được 50% thôi. Nó hoàn toàn cảm tính”, ông Hưng nói.

Thông Chí (Lao Động)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.