Nhiều ý kiến đề nghị Nhà nước nên cho đa dạng về sở hữu đất đai, trong đó có sở hữu tư nhân, sở hữu tập thể và sở hữu Nhà nước.

“Bộ TN&MT đề nghị cần bỏ quy định về thời hạn giao đất nông nghiệp (hiện với đất trồng cây ngắn ngày là 20 năm, đất trồng cây lâu năm là 50 năm). Mục đích để người dân gắn bó hơn với mảnh đất của mình và an tâm sản xuất” - ông Nguyễn Minh Quang, Bộ trưởng Bộ TN&MT, phát biểu tại hội thảo Đổi mới chính sách về đất đai do Hội đồng Lý luận Trung ương tổ chức, ngày 19-3.


Có thể chuyển nhượng 100 ha


Theo người đứng đầu ngành TN&MT, quy định như vậy phù hợp với mong muốn sử dụng đất ổn định, lâu dài của người sử dụng đất nhưng vẫn không làm mất đi quyền định đoạt của Nhà nước. Bởi người dân vẫn phải sử dụng đất đúng mục đích, tuân thủ quy hoạch và các quyết định thu hồi đất khi Nhà nước cần đất để sử dụng vào mục đích công cộng.


Cùng đó, Bộ TN&MT đề xuất cần nâng quy định hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp để đảm bảo việc tích tụ ruộng đất, phù hợp với việc chuyển dịch lao động nông nghiệp. Mức nhận chuyển nhượng tối đa theo đề xuất là 100 ha. “Hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp hiện không quá 6 ha, rất nhỏ. Để tạo điều kiện tích tụ ruộng đất, hình thành vùng sản xuất lớn thì cần nâng hạn mức này lên. Với các giao dịch chuyển nhượng từ 20 ha trở lên, Nhà nước sẽ dùng công cụ thuế để điều tiết nhằm tránh nạn đầu cơ” - ông Quang lý giải.


Đề xuất bỏ thời hạn giao đất nông nghiệp

Người dân sẽ gắn bó và tính toán đầu tư trên mảnh đất của mình hơn khi bỏ thời hạn giao đất nông nghiệp. Ảnh: NN


Nên đa dạng về sở hữu đất đai


Theo PGS-TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, chế độ sở hữu đất đai hiện nay còn nhiều hạn chế. Với quy định đất đai thuộc sở hữu toàn dân, người dân sẽ hiểu đất đai không phải của mình nữa. Như vậy, họ thực hiện quyền của mình một cách không chính danh. “Vì không được chính danh sở hữu nên người dân luôn ở thế yếu, có thể gặp nhiều rủi ro hoặc thậm chí bị tước đoạt đất bởi những người nhân danh Nhà nước” - ông Thiên nhấn mạnh.


Một ý kiến khác cho rằng quy định sở hữu toàn dân về đất đai kéo theo nhiều hệ lụy. Cụ thể, vì là đại diện chủ sở hữu nên Nhà nước có quyền giao đất cho cá nhân, tổ chức, tạo ra cơ chế “xin-cho” méo mó. Việc mua bán đất giữa các cá nhân cũng có Nhà nước xen vào thông qua việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người mua. Điều này cũng tạo ra lắm nhiêu khê, tiêu cực. “Khi tìm hiểu về việc sở hữu và sử dụng đất đai ở Việt Nam, nhiều chuyên gia nước ngoài không thể hiểu được chúng ta đang làm theo kiểu gì dù chúng tôi đã giải thích 3 giờ liền. Ta nên hội nhập với thế giới về việc cho sở hữu tư nhân về đất đai” - một chuyên gia cho hay.


Phần lớn các ý kiến đều cho rằng Nhà nước nên cho đa dạng về sở hữu đất đai, trong đó có sở hữu tư nhân, sở hữu tập thể và sở hữu Nhà nước. “Điều quan trọng là người sở hữu mảnh đất phải có quyền định đoạt với mảnh đất đó. Khi cần đất để sử dụng vào mục đích công cộng, Nhà nước phải mua lại đất của người dân chứ không phải là thu hồi đất như hiện nay” - ông Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn, nhấn mạnh.


Sở hữu Nhà nước về đất đai?


Theo Bộ TN&MT, chính sách đất đai cần hoàn thiện theo định hướng khẳng định đất đai thuộc sở hữu Nhà nước. Việc thực hiện sở hữu Nhà nước về đất đai, trong đó có quyền định đoạt của chủ sở hữu, đảm bảo cho Nhà nước chủ động trong khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên đất đai phục vụ cho mục tiêu phát triển xã hội, đảm bảo an ninh. Nhà nước thực hiện quyền định đoạt của chủ sở hữu thông qua quyết định giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, định giá đất…


Đề xuất này của Bộ TN&MT không được nhiều chuyên gia đồng tình. Ông Nguyễn Minh Nhị, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, lo ngại: “Nếu ta cứ quản lý kiểu này thì ngày càng không làm yên lòng dân”. Còn ông Vũ Mão, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, cho rằng: “Sở hữu Nhà nước và sở hữu toàn dân thực chất chỉ là một. Khi đưa ra đề xuất này, Bộ TN&MT cần có lập luận chặt chẽ hơn”.


Khuyến khích người dân mua đất nông nghiệp


Không nên đặt ra vấn đề chia lại ruộng đất, thay vào đó cần gia hạn tiếp nếu người dân có nhu cầu sử dụng. Thực tế thời gian qua đã có một số người dân chuyển khỏi sản xuất nông nghiệp, tỉ lệ người làm nông nghiệp giảm dần theo từng năm. Để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, các địa phương sẽ tiếp tục khuyến khích nông dân tự thỏa thuận, mua lại đất nông nghiệp từ các hộ không còn nhu cầu.


Ông NGUYỄN MINH QUANG, Bộ trưởng Bộ TN&MT


Cần xác định quyền của Nhà nước đến đâu


Quy định đất đai thuộc sở hữu toàn dân như hiện nay giúp việc thu hồi đất trở nên dễ dàng. Nhưng khi chụp lên “cái mũ” này, phải quy định cho rõ quyền của người dân đối với đất đai đến đâu, quyền của Nhà nước đến đâu. Phải xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu trong việc thực hiện quyền lực của Nhà nước đối với đất đai.

Ông TRẦN QUỐC TOẢN, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương


Theo PLTP
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.