Lãi suất tiền gửi tiết kiệm giảm, vàng thăng trầm không rõ nhịp, chứng khoán như canh bạc…chuyện đầu tư vào đâu trong thời điểm hiện tại vẫn đang là bài toán chưa có lời giải.
Việc giá vàng giảm sâu thời gian qua khiến nhiều người cân nhắc chuyện đầu tư vào vàng. Ảnh: Minh Đức
Tiền đồng thanh khoản tốt nhất
Gợi ý cho các nhà đầu tư, TS. Võ Trí Thành - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhận định, xếp theo thứ tự thì VNĐ có thanh khoản cao nhất.
Việc giá vàng giảm sâu thời gian qua cũng khiến nhiều người cân nhắc chuyện đầu tư vào vàng. Tuy nhiên, các chuyên gia phân tích, kênh đầu tư vàng hiện nay khá rủi ro. Giá vàng trong nước phụ thuộc vào hai yếu tố: Đó là sự lên xuống của giá vàng thế giới và sự phụ thuộc vào chính sách của NHNN, thậm chí có sự làm giá. Khoảng cách giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới vẫn duy trì mức 4-5,5 triệu trong thời gian qua là một ví dụ. Chỉ trong 1 ngày, giá vàng lên xuống thất thường 3 triệu đồng lượng, từ 37 triệu đồng/lượng lùi sâu về 35 triệu đồng rồi lại vọt lên 38 triệu đồng/lượng.
Khi kể chuyện đầu tư vàng, anh Nguyễn Nam Sơn (nhà D5- Kim Liên) nói, năm 2012, có thời điểm giá vàng 45 triệu đồng/lượng. "Lúc đó, nhiều người dự đoán giá vàng sẽ lên 50 triệu đồng/lượng nên khi quyết định ôm hơn 10 cây vàng, tôi cũng đã tính toán đến việc chi tiêu đối với số tiền lãi kiếm được. Khi giá vàng liên tục xuống, dù buốt ruột nhưng tôi vẫn hy vọng giá sẽ sớm đảo chiều. Đến khi cách đây 1 tuần, vàng thủng ngưỡng 40 triệu đồng có người khuyên tôi nên bán cắt lỗ, nhưng nghĩ mình đã "chôn” tiền cả năm trời trong vàng, lãi suất không có, giờ lại mất tới hơn 4 triệu đồng/lượng thì thiệt quá nên cố bấm bụng đợi thêm chút ít. Ai dè, càng đợi càng lỗ nặng. Giờ vàng còn 37 triệu đồng mỗi lượng, tôi đánh mất cả chục triệu đồng chưa kể đến thiệt hại khi vốn nằm một chỗ. Nhưng đúng là vàng thì luôn "bạc” nên từ nay tôi xin khiếu từ”.
Chuyên gia kinh tế TS Nguyễn Trí Hiếu cũng chỉ ra có nhiều mức lãi suất cho khách hàng lựa chọn, thay vì gửi ngắn hạn thì có thể gửi dài hơn, kỳ hạn trên 12 tháng với lãi suất thỏa thuận. Lãi suất 5% chỉ áp dụng cho kỳ hạn ngắn 1 tháng. Trong khi đó, với kỳ hạn 3 tháng trở lên lãi suất vẫn đang phổ biến 7%. Thay vì gửi 1 tháng người dân có thể gửi 3 tháng trở lên…
Chuyên gia kinh tế, TS Võ Trí Thành cho rằng, nếu có tiền Việt thì việc lựa chọn gửi ngân hàng là một giải pháp an toàn, không phải đau đầu tính toán, không sợ may rủi.
Đừng chăm chăm gửi tiền tiết kiệm
Các chuyên gia cũng khẳng định, nếu có tiền nhàn rỗi mà chỉ đơn thuần chăm chăm gửi tiết kiệm mà không đưa tiền đi đầu tư thì rất nguy hiểm cho nền kinh tế. Trong bối cảnh nền kinh tế đang có dấu hiệu giảm phát, tổng cầu đi xuống, tiêu dùng không tăng mà người dân cứ chăm chăm tiết kiệm thì rất khó vực dậy nền kinh tế. Hiện nay tổng cầu bao gồm tiêu dùng, đầu tư và xuất khẩu đang rất thấp. Bản thân các siêu thị thường xuyên khuyến mãi, giảm giá nhưng hàng tồn vẫn đầy kho. Nhìn vào tiêu dùng có một chỉ số phản ánh tiêu dùng ngoài nhà nước là chỉ số bán lẻ. Sau khi trừ đi thay đổi giá cả, mức tăng của nó tương đối thấp so với những năm gần đây.
Theo khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, hơn 70% doanh nghiệp (DN) cho biết, khó khăn của họ hiện nay không phải là vấn đề lãi suất hay tiếp cận vốn ngân hàng mà là thị trường, đầu ra cho sản phẩm. Thực tế từ đầu năm đến nay, dù kinh tế khó khăn song tiền gửi tiết kiệm của người dân lại có xu hướng tăng lên. Điều này cho thấy, do lo lắng bất ổn nên người dân không đầu tư cũng như không tăng tiêu dùng. Sức mua yếu, tổng cầu giảm đã khiến hàng hóa của DN sản xuất ra không bán được. Kết quả là tình trạng DN bị đình trệ, co cụm, thậm chí tạm ngừng hoạt động ngày càng tăng.
Thúy Hằng (Đại đoàn kết)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.