Trang trại được kỳ vọng sẽ là nơi cả gia đình nghỉ ngơi, hoặc bạn bè thân thiết cùng về thư giãn cuối tuần, tận hưởng không khí thiên nhiên trong lành, bỏ lại sau lưng những ồn ào phố sá. Tuy nhiên, sự bận rộn và náo nhiệt cùng với những tiện nghi nơi thành thị đã lấn át sự hấp dẫn của những trang trại yên bình...

Khi giá đất ngoại thành tăng cao, nhiều người đã đầu tư những khoản tiền lớn vào phân khúc nhà nghỉ ven đô cuối tuần theo mô hình trang trại sinh thái. Ngay cả những người làm công chức cũng có suy nghĩ, chục năm nữa nghỉ hưu rồi vợ chồng già về đó ở, còn bây giờ thì tậu một mảnh xây nhà trên đó để cuối tuần cả nhà về đổi gió. Tâm lý đám đông như vậy, khá nhiều người đã đầu tư cả chục tỷ đồng để làm trang trại, thế nhưng sướng chưa thấy đâu mà đã ngậm ngùi “ôm hận”.


Mô hình trang trại không còn hấp dẫn nhà đầu tư

Thấy nhiều người đầu tư trang trại để cuối tuần hay những kỳ nghỉ lễ cả gia đình cùng bè bạn kéo nhau về vừa có chỗ chơi, lại có rau sạch mang về, anh Mạnh (Hà Nội) bàn với vợ rồi hăm hở ôm tiền về tận Lục Ngạn - Bắc Giang mua một quả đồi đang trồng vải sẵn. Mạnh hào hứng, đã không mua thì thôi chứ trang trại phải theo đúng nghĩa trang trại, có cả ao, vườn… Hơn nữa, mùa vải gia đình còn có sản phẩm đem bán, coi như là khoản đầu tư lâu dài.

Mất đến 2 tháng, cứ cuối tuần là anh Mạnh phấn khởi chạy về trang trại, thuê người thiết kế nhà sàn, trông nom trang trại, cải tạo vườn để trồng rau, nuôi gà... Lần đầu tiên về thăm trang trại, vợ con và nhóm bạn chơi thân với gia đình đều ồ lên thích thú trước khung cảnh tự nhiên của khu trang trại. Trẻ con thì tha hồ chạy nhảy, leo trèo cây cối, người lớn thì sảng khoái với bầu không khí trong lành của vùng đất bán sơn địa đất rộng người thưa... Mọi người hồ hởi chạy ra chạy vào, bình phẩm, góp ý khen chê, rồi xắn tay áo ra sau vườn hái rau, thịt gà, tự vào bếp nấu nướng…

Thế nhưng chỉ sau vài lần thì cả vợ và con anh Mạnh đều kiên quyết không về “cái nơi khỉ ho cò gáy, buồn thối ruột” ấy nữa. Và cũng chỉ sau vụ vải đầu tiên, Mạnh cũng chấp nhận cho người trông coi thu hoạch miễn phí, bởi giá vải quá thấp, thu hoạch thì vất vả. Sau vài năm, Mạnh quyết bán luôn cho rảnh nợ, thế nhưng rao bán mãi mà chả có ai ngó ngàng, hoặc có người hỏi nhưng trả giá chưa được 1/3 khoản anh đầu tư lúc trước...

Sát sao hơn vợ chồng anh Mạnh, chị Tuyết, chủ một trang trại ở Hòa Lạc (Hà Nội), tận dụng đất vườn và thuê người chuyên trồng rau sạch, cứ nửa tháng lại đánh xe ô tô về lấy rau một lần. Chị ngán ngẩm, cứ tưởng là vừa có rau ăn, vừa là khoản đầu tư lâu dài, hơn nữa gia đình có chỗ để đi nghỉ ngày cuối tuần, thế nhưng tính ra thì rau quá đắt bởi tiền thuê người trồng, tiền xăng xe về lấy quá tiền rau… Mà rau để lâu ngày ăn cũng không còn tươi nữa, chẳng bằng làm mấy cái thùng xốp trồng trên sân thượng như trước, vừa có rau tươi ăn hàng ngày, vừa đỡ phải thuê người trông nom…

Mua trang trại được 4 năm mà số lần về nghỉ tính trên đầu ngón tay, chị Tuyết cảm thấy nó không phù hợp với gia đình mình nên đang nhờ người rao bán, nhưng nghe chừng cũng khó khăn vì thú chơi trang trại đã qua thời thịnh.

Để đáp ứng thú chơi trang trại trong khoảng 4-5 năm trở lại đây, ở một số vùng phụ cận Hà Nội như Sóc Sơn, Đông Anh, Hòa Lạc... người ta phân sẵn lô đất để bán cho người chơi trang trại. Thú chơi này không chỉ đòi hỏi người chơi tiềm lực về kinh tế mà còn cần có một chút tâm hồn hợp với cuộc sống thư nhàn, thanh đạm hài hòa với phong vị của chốn núi đồi vắng vẻ. Với mô hình chung thường gặp ở các trang trại là có nhà sàn, ao cá và vườn cây, thiếu nhà sàn có thể thay bằng biệt thự hay nhà cấp 4 nhưng không thể thiếu vườn cây, ao cá…

Trang trại được kỳ vọng sẽ là nơi cả gia đình nghỉ ngơi, hoặc bạn bè thân thiết cùng về thư giãn cuối tuần, tận hưởng không khí thiên nhiên trong lành, bỏ lại sau lưng những ồn ào phố sá. Tuy nhiên, sự bận rộn và náo nhiệt cùng với những tiện nghi nơi thành thị đã lấn át sự hấp dẫn của những trang trại yên bình. Không bao lâu sau khi được đầu tư, nhiều trang trại dần bị bỏ lơ, một năm vài ba bận người chủ xuống xem xét tình hình rồi lại lên thành phố luôn.

Thực tế này một lần nữa chứng minh các nhà đầu tư cần thận trọng trước các “phong trào”. Căn cứ vào thực tế và tiềm lực của mình để có những quyết định đầu tư chuẩn xác, tránh nhìn nhận và đầu tư theo phong trào, trào lưu thì nhà đầu tư mới không chịu cảnh thua thiệt và bực mình.

Hà Đăng (Thời báo Ngân hàng)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.