CafeLand - Trong mấy ngày qua giới bất động sản xôn xao với việc những nhà đầu tư dự án Usilk City thử nghiệm mô hình nhà đầu tư tự quản lý dòng tiền để hoàn tất phần còn lại của dự án sau khi chủ đầu tư dự án này là Công ty CP Sông Đà Thăng Long (STL) cạn kiệt tiềm lực tài chính.

Giấc mơ Usilk City dần nhuốm màu đen và sự hấp hối của STL là một bài học cho nhà đầu tư, doanh nghiệp bất động sản lẫn các bên có liên quan như ngân hàng và các nhà quản lý.

Doanh thu, lợi nhuận và tài sản của Sông Đà Thăng Long

Nguồn: BCTC STL

Bất lực nhìn 3 tòa nhà CT1, CT2, CT3 thuộc dự án Usilk City đã xây xong phần thô mà không còn tiền để hoàn thiện, lãnh đạo STL phải thừa nhận do đầu tư quá dàn trải nên không còn vốn. Thật vậy, nhìn vào báo cáo tài chính của Sông Đà Thăng Long không ít người phải sửng sốt vì công ty này đang sử dụng đòn bẩy tài chính quá cao và đầu tư dàn trải.

Cụ thể, năm 2010 thời “hoàng kim” của STL thì với số vốn chủ sở hữu vỏn vẹn chỉ có 246 tỷ đồng, nhưng số nợ phải trả của công ty lên đến 5.327 tỷ đồng, tức là đòn bẩy tài chính (tổng nợ/vốn chủ sở hữu) lên đến 21,66 lần. Đây là một con số cao khủng khiếp mà ít doanh nghiệp nào chịu nỗi sự rủi ro. Tuy nhiên, con số này vẫn chưa thấm tháp vào đâu vì với 2 năm thua lỗ liên tiếp 2011, 2012, cuối năm 2012 vốn chủ sở hữu của STL chỉ còn có hơn 5 tỷ đồng, tương đương đòn bẩy tài chính là 110 lần. Không dừng lại ở đó, công ty này tiếp tục thua lỗ trong quý 1/2013 khiến vốn chủ sở hữu âm 8,59 tỷ đồng.

Tiền thân của Công ty Cổ phần Sông Đà Thăng Long Long là Chi nhánh Công ty Cổ phần Đầu tư – Phát triển Sông Đà (SIC) được chính thức thành lập vào 05/12/2006. Hiện tại, STL đã niêm yết trên Sàn giao dịch chứng khoán TP HCM với vốn điều lệ là 150 tỷ đồng. Với số vốn khiêm tốn này và tuổi đời còn “non trẻ” nhưng STL tiến hành đầu tư hàng loạt dự án với tổng vốn đầu tư lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng.

Dự án Usilk City được xem là một thành phố trong mơ, nằm ở một vị trí đắc địa với tổng diện tích dự án lên đến 9,2ha và số vốn đầu tư dự kiến hơn 10.000 tỷ đồng. Trên thực tế, thì dự án này đã bán rất chạy với giá bán căn hộ từ 1.500 đến 2.500 USD/m2, một cái giá khá cao. Tuy nhiên, cho đến này ba tòa nhà trong dự án mới chỉ hoàn thiện được phần thô, chậm so với tiền độ cam kết 23 tuần. Chủ đầu tư tòa nhà gần như bất lực vì không còn tiền để đầu tư dù cho khách hàng đã đóng tiền 60-70% giá trị căn hộ.

Với số vốn ít ỏi của mình nhưng STL không chỉ đầu vào dự án Usilk City mà còn đầu tư hàng loạt dự án trải dài từ Bắc tới Nam. Cụ thể thuyết minh báo cáo tài chính Q1/2013 cho thấy công ty đang đầu tư vào 17 dự án và đang được hạch toán vào “Chi phí XDCB dở dang” lên đến 1.537 tỷ đồng. Các dự án điển hình mà STL đã đổ vào hơn 100 tỷ đồng như: Dự án chung cư cao cấp Sao Mai - Đường 77 - Tân Quy - Quận 7 – TPHCM (147 tỷ đồng); Dự án chung cư Tân Kiểng - Quận 7 – TPHCM (287 tỷ đồng); Dự án khách sạn 5 sao - Đường Lý Thường Kiệt - Huế (282 tỷ đồng); Dự án Khu đô thị biển An Viên - Nha Trang (287 tỷ đồng)…. Bên cạnh đó, giá trị hàng tồn kho của STL lên đến 1.244 tỷ đồng, trong đó có tới 1.220 tỷ đồng là chi phí SXKD dở dang.

Không chỉ việc đầu tư vào dự án một cách dàn trải mà STL cũng còn đầu tư tài chính vào rất nhiều công ty khác nhau. Ngoài các công ty con như: CP Năm Ba Năm, Thăng Long - Sài Gòn, ĐT và Truyền thông Thăng Long, Tư vấn thiết kế Franken Nguyễn thì STL còn đầu tư vào 13 công ty liên doanh liên kết với số vốn đầu tư lên đến 481 tỷ đồng. Trong đó có công ty STL góp một số vốn rất lớn như Công ty CP Thép Thăng Long Kansai góp tới 181 tỷ đồng. Bên canh đó, STL cũng có số tiền đầu tư dài hạn lên tới 206 tỷ đồng.

Như vậy, có thể thấy chỉ riêng số tiền dành để đầu tư tài chính của STL đã cao hơn rất nhiều so với số vốn sở hữu mà công ty có trước khi chịu thua lỗ lớn trong năm 2011 và 2012. Điều này cho thấy cơ cấu tài chính của STL rất không bình thường.

Sông Đà Thăng Long chỉ là một trường hợp điển hình trong số rất nhiều doanh nghiệp bất động sản hiện nay. Một thời “tay không bắt giặc” đã biến nhiều ông chủ doanh nghiệp bất động sản từ tay trắng trở thành đại gia vì xin được nhiều dự án bất động sản. Tuy nhiên, “cuộc vui” nào cũng phải đến lúc tàn và về với thực tại. Sông Đà Thăng Long với tiềm lực tài chính và kinh nghiệm rất ít đã đầu tư vào rất nhiều dự án, tham gia góp vốn vào rất nhiều công ty khác nhau. Tính đến Quý 1/2013 vốn chủ sở hữu công ty đã âm hơn 8 tỷ đồng, trong khi đó đang phải ôm cục nợ 5.504 tỷ đồng, trong đó nợ vay lên tới 3.033 tỷ đồng. Với tình trạng đóng băng của thị trường bất động sản và khó khăn của nền kinh tế như hiện nay thì Sông Đà Thăng Long gần như không có lối thoát. Dù có bán hết dự án thì chưa chắc công ty này trả đủ hết gánh nặng nợ nần.

Hoàng Nam
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.