Lẽ ra phải thông qua từ cuối nhiệm kỳ trước của Quốc hội, đến nay mới trình đã là muộn song kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 của Chính phủ vẫn chưa thuyết phục được đại biểu Quốc hội.

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội tại phiên thảo luận tổ

Thảo luận tại tổ chiều 22/10, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội đã nhấn mạnh đặc thù của đầu tư công trung hạn.
Nếu kế hoạch tài chính trung hạn mang tính định hướng thì kế hoạch đầu tư công trung hạn lại mang tính cụ thể. Khi bàn về kế hoạch đầu tư công trung hạn là bàn về bức tranh đầu tư trong 5 năm tiếp theo cũng như kế hoạch sẽ tiêu 2 triệu tỷ theo phương án nào. Chính vì thế nó ảnh hưởng và liên quan trực tiếp đến an ninh tài chính quốc gia cũng như vấn đề an toàn nợ công, bà Mai nói.
Quan trọng như thế nhưng đại biểu Mai lại thấy rất băn khoăn về tính khả thi của việc thông qua kế hoạch đầu tư công trung hạn ngay tại kỳ họp này.
Bởi, đã lùi từ Quốc hội khoá 13 sang khoá 14 do hồ sơ chưa hoàn chỉnh nhưng tại kỳ họp này mãi đến tận tối ngày sát phiên thảo luận Chính phủ mới trinh được danh mục các dự án dự kiến được phân bổ vốn.
Cơ sở để thông qua kế hoạch giai đoạn tới chính là kết quả của 5 năm qua. Song, theo nhận xét của bà Mai thì Chính phủ chưa đánh giá đủ những hạn chế của giai đoạn vừa rồi.
Nổi cộm nhất giai đoạn vừa qua là việc đầu tư là dàn trải hiệu quả rất thấp chưa được thẳng thắn nêu ra trong báo cáo. Chính phủ phải nêu ra được với một nguồn lực rất lớn hơn 5 triệu tỷ đồng từ tất cả các nguồn vốn đã đầu tư được bao nhiêu dự án, bao nhiêu dự án đã hoàn thành, bao nhiêu dự án dở dang, bao nhiêu dự án cần tiếp tục đầu tư, phần trả lời cho câu hỏi đó chúng tôi không thấy đề cập trong báo cáo Chính phủ, bà Mai nhận xét.
Là người trực tiếp tham gia quá trình thẩm tra kế hoạch 5 năm tới, đại biểu Mai phân tích, theo luật Đầu tư công thì khi bàn về kế hoạch cho cả một giai đoạn như vậy vấn đề định hướng tiêu chí phải rất cụ thể nhưng đọc báo cáo của Chính phủ thấy các mục tiêu, định hướng, tiêu chí vẫn còn rất dàn trải.
Nguồn lực ngân sách có hạn nhưng trọng tâm trong 5 năm tiếp theo là gì không rõ . Tất cả các lĩnh vực đều dàn đều, lĩnh vực nào cũng quan trọng, lĩnh vực nào cũng cần đầu tư. Trọng tâm trọng điểm là gì? Luật Đầu tư công nêu rõ kế hoạch đầu tư công trung hạn phải chỉ ra được trọng tâm, trọng điểm ưu tiên cũng như thứ tự ưu tiên nhưng kế hoạch của Chính phủ chưa được đáp ứng được yêu cầu, bà Mai nhận xét.
Theo dự kiến của Chính phủ nguồn lực đầu tư công trung hạn sẽ là 2 triệu tỷ đồng trong đó 260 nghìn tỷ là trái phiếu Chính phủ (đã tiêu mất 60 nghìn tỷ). Vốn từ ngân sách Trung ương là 1,12 triệu tỷ đồng. Ngoài ra bán phát hành cổ phần cổ phiếu từ các doanh nghiệp Nhà nước là 250 nghìn tỷ và nguồn vốn huy động nước ngoài, vốn trong dân...
Với tình hình hiện nay, bà Mai cho rằng nếu đem chia 2 nghìn tỷ cho từng dự án thì có thể có rủi ro. Liệu chúng ta có đủ 2 triệu tỷ đồng để phân cho các dự án hay không? Nếu không có đủ số tiền như vậy thì các dự án lại tiếp tục dở dang. Với cách làm không có gì chắc chắn như thế này không có gì đảm bảo chúng ta khắc phục được tình trạng dở dang trong 5 năm tiếp theo hay không, bà Mai lo ngại.
Đáng chú ý, theo bà Mai là rà soát các danh mục dự án tại dự thảo của Chính phủ gửi sang thì thấy chưa đáp ứng tiêu chí đề ra trong Luật Đầu tư công. Có những dự án có quy mô vốn lớn lại dự kiến mức đầu tư rất thấp, quy mô hàng nghìn tỷ nhưng được phân bổ hai ba chục tỷ thì rõ ràng bất hợp lý. Hoặc có những dự án đã bị đình hoãn, có quyết định của cơ quan có thẩm quyền là không được đầu tư tiếp nhưng vẫn được đưa vào danh mục.
Chưa kể luật Đầu tư công quy định rõ phải làm rõ tính thuyết phục, phù hợp quy hoạch, kế hoạch nhưng trình ra Quốc hội như thế thì các đại biểu Quốc hội cũng không hiểu là nó có đúng phù hợp quy hoạch, kế hoạch, định hướng hay không? Thứ tự ưu tiên cái gì là bức xúc, cái gì trước, cái gì sau cũng không thấy.
Với những khiếm khuyết của danh mục như vậy thì nếu như thông qua kế hoạch đầu tư trong kỳ họp này thì rất mang tính hình thức. Trách nhiệm cuối cùng thuộc về người dân. 2 triệu tỷ là tiền thuế, tiền nợ cuối cùng vẫn phải trả nợ, bà Mai nhấn mạnh.
Nếu nhận kế hoạch như thế mà vẫn thông qua thì không hết trách nhiệm với dân, nhưng lùi mãi thì về đến địa phương có khi muộn mất hai năm, đại biểu Nguyễn Thị Bích Ngọc, Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội cũng bày tỏ băn khoăn.
Bà Ngọc cũng cho rằng, kỷ luật tài chính không nghiêm đã được nhắc đến nhiều lần và Quốc hội cần thể hiện trách nhiệm của mình trong vấn đề này.
Nguyên Vũ (VnEconomy)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.