Trong khi TP. Biên Hòa đang thiếu hàng trăm lô đất tái định cư cho các dự án thì tại một số huyện và TX.Long Khánh lại thừa. Vài nơi còn xin chuyển đổi sang đất thương mại để bán thu hồi lại vốn.

Theo báo cáo của các huyện và TX.Long Khánh thì toàn tỉnh đang dư hơn 2.100 lô tái định cư, nhưng phân bổ không đều. Các địa phương có nhiều nhu cầu bố trí tái định cư, như: Biên Hòa, Nhơn Trạch thì số đất tái định cư ít. Còn các huyện: Định Quán, Xuân Lộc, Tân Phú, Vĩnh Cửu... dư khá nhiều đất tái định cư, song chưa có nhu cầu bố trí người vào ở dù đã xong hạ tầng.

Đón đầu nên thừa đất

Huyện Định Quán hiện có những khu tái định cư đã hoàn chỉnh hạ tầng nhưng chưa có nhu cầu bố trí dân. Những khu tái định cư này đều được huyện chọn ở nơi khá đắc địa, gần quốc lộ 20, thuận tiện cho đi lại. Nhưng tất cả hiện nay đều để cỏ mọc um tùm, gần lút đầu người. Chị Nguyễn Thị Thu, nhà gần khu tái định cư xã La Ngà (huyện Định Quán), nói: “Khu tái định cư này đã được xây dựng xong mấy năm nay nhưng chẳng thấy ai đến ở, cỏ mọc hoang, uổng quá”.

Khu tái định cư thị trấn Định Quán (huyện Định Quán) còn khoảng 100 lô chưa được bố trí tái định cư.

Hiện huyện Định Quán đang có 3 khu tái định cư dư thừa là khu tái định cư ở thị trấn khoảng 100 lô, khu tái định cư La Ngà ở xã La Ngà với 400 lô và khu tái định cư tại xã Túc Trưng với hơn 100 lô. Ông Nguyễn Đức Khuê, Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Định Quán, cho biết: “Huyện làm 3 khu tái định cư này là để đón đầu cho các dự án đến năm 2015. Song, tình hình kinh tế khó khăn, hầu hết các dự án dừng lại không thu hút được nhà đầu tư nên các khu tái định cư bị dư”. Các khu tái định cư này được làm bằng nguồn vốn vay của tỉnh. Hiện nay, Định Quán đang xin tỉnh cho chuyển một phần khu tái định cư sang dự án thương mại để bán nhằm thu hồi lại một phần vốn đã bỏ ra.

Huyện Vĩnh Cửu đã quy hoạch xây dựng hoàn chỉnh 7 khu tái định cư với gần 600 lô, nhưng hiện mới bố trí được hơn 300 lô, vẫn còn dư trên 250 lô. Tương tự, tại các huyện Tân Phú, Xuân Lộc, TX.Long Khánh, số lô tái định cư còn dư từ 100-150. Nguyên nhân dẫn đến thừa lô tái định cư tại các huyện phần lớn là do các dự án chưa triển khai được nên người dân còn ở tại chỗ hoặc người dân sau khi thu hồi đất không có nhu cầu vào tái định cư.

Thiếu đất tái định cư vì vốn

Trái lại là tình trạng khan quỹ đất để làm các dự án tái định cư. Một trong những nơi thiếu đất tái định cư nhiều nhất là TP.Biên Hòa. Biên Hòa hiện cần trên 1 ngàn lô đất sạch để bố trí tái định cư cho người dân. Trong đó có những nơi phải “tái định cư cho khu tái định cư” do dự án chồng dự án. Cụ thể, ở một số nơi, đất được quy hoạch để làm dự án tái định cư không phải là đất sạch hoàn toàn mà vẫn có người dân sinh sống. Khi giải tỏa để làm tái định cư, lại phải bố trí nơi ở mới cho các hộ trong khu vực này.


Bà Đặng Thị Thanh Nhàn ở tổ 13, KP.7 (phường An Bình, TP. Biên Hòa) bên căn nhà tạm cư xập xệ đợi tái định gần 10 năm nay.

Ông Trịnh Tuấn Liêm, quyền Chủ tịch UBND TP.Biên Hòa, cho biết: “Thành phố thiếu vốn bồi thường cho người dân để thu hồi đất làm tái định cư và thiếu cả nguồn vốn để xây dựng hạ tầng khu tái định cư”. Hiện tại TP. Biên Hòa có những hộ đã bị thu hồi đất làm dự án gần 10 năm nhưng chưa được bố trí tái định cư, gây xáo trộn rất lớn đến đời sống của người dân.

Mới đây, tại cuộc họp về tái định cư, Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Minh Phúc đã yêu cầu các Sở: Tài chính, Xây dựng và Kế hoạch - đầu tư phải bố trí nguồn vốn để các địa phương còn nợ tái định cư chi trả bồi thường và bố trí tái định cư cho tất cả các hộ còn nợ trong năm 2013.

Trước thực trạng nơi thừa, nơi thiếu đất tái định cư, nhiều ý kiến cho rằng, nên bố trí nguồn vốn tái định cư cho những nơi người dân đã phải chịu sống cảnh tạm cư nhiều năm nay vì bị thu hồi đất, hạn chế bớt những địa phương chưa có nhu cầu hoặc nhu cầu không rõ ràng do chỉ “đón đầu” dự án. Bởi nơi dư thì cứ dư, chẳng biết đến khi nào mới sử dụng hết, còn ở những nơi thiếu, người dân đang khốn khổ từng ngày, đợi được bố trí tái định cư để ổn định cuộc sống.
Báo Đồng Nai
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.