Từ năm 2006, Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến yêu cầu, giải quyết quyết liệt theo nguyên tắc thu hồi toàn bộ diện tích mua bán, chuyển nhượng trái luật...
Văn bản UBND TP. Hà Nội chấp thuận cho Công ty TNHH MTV Đầu tư và phát triển nông lâm nghiệp Sóc Sơn thực hiện dự án
Tài chính thiếu nhưng vẫn được thực hiện dự án
Ngày 2-12-1994, UBND TP. Hà Nội có Quyết định số 3316/QĐ-UB về việc phân loại rừng trên diện tích đất lâm nghiệp. Theo đó, toàn bộ diện tích được phân loại là 6.630ha, trong đó rừng đặc dụng 1.529,90ha, rừng phòng hộ môi trường 5.100,10ha. Tiếp đến năm 2008, UBND TP. Hà Nội tiếp tục ban hành Quyết định số 2100/QĐ-UBND ngày 29-5-2008 phê duyệt dự án "Điều chỉnh quy hoạch rừng huyện Sóc Sơn”, thì toàn bộ diện tích rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn huyện chỉ còn 4.557ha. Táo bạo, UBND TP. Hà Nội còn dành đến 247,8ha cho khu du lịch văn hóa kết hợp nghỉ dưỡng cuối tuần Đền Sóc (xã Phù Ninh), 191ha cho khu vui chơi giải trí hồ Đồng Đò (Minh Trí). Riêng đối với Lâm trường Sóc Sơn (nay là Công ty Lâm nghiệp Sóc Sơn, đơn vị quản lý 2.435ha đất lâm nghiệp, trong đó có 1.341,7ha rừng phòng hộ, 1.093,3ha rừng đặc dụng), diện tích đất rừng cũng giảm dần theo thời gian.
Từ việc được giao đất, dự án "Làng sinh thái du lịch và nghỉ dưỡng Đình Phú”, do Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển Nông lâm nghiệp Sóc Sơn làm chủ đầu tư đã "đắp chiếu” nhiều năm qua. Thế nhưng, sau 10 năm nằm "đắp chiếu”, năm 2011, UBND TP. Hà Nội đã "tái khởi động” dự án bằng việc chấp thuận về nguyên tắc theo đề nghị của Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển Nông lâm nghiệp Sóc Sơn, cho phép Công ty tiếp tục triển khai dự án "Làng sinh thái du lịch và nghỉ dưỡng Đình Phú” tại các xã Minh Phú, Nam Sơn, Hiền Ninh, huyện Sóc Sơn”. Tiếp đó, Văn bản số 940/SNN-KH ngày 8-6-2011 của Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Hà Nội cho rằng, "ý tưởng của Công ty Lâm nghiệp Sóc Sơn là hoàn toàn phù hợp với quy định của Luật Bảo vệ và Phát triển rừng năm 2004”.
Dự án "Làng sinh thái du lịch và nghỉ dưỡng Đình Phú” có tổng diện tích 404,03ha, là khu đồi rừng nằm trong vùng đất có cảnh quan thiên nhiên phong phú, gồm hệ thống đồi núi, hồ nước và rừng cây. Dự án có tổng mức đầu tư đề xuất hơn 3.163 tỷ đồng, tuy nhiên, theo Quyết định 3362/QĐ-UBND ngày 9-7-2010 của UBND TP. Hà Nội chuyển Lâm trường Sóc Sơn thành Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển Nông lâm nghiệp Sóc Sơn thì vốn điều lệ của Công ty chỉ có 2,7 tỷ đồng.
Các cơ quan chức năng không thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng
Ngay sau khi Thanh tra Chính phủ kết luận về thực trạng "xẻ thịt” rừng đặc dụng, phòng hộ ở Sóc Sơn để xây nhà nghỉ, trang trại, ngày 22-5-2006, Văn phòng Chính phủ có công văn truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ. Thủ tướng đánh giá rằng, tình hình vi phạm pháp luật trong quản lý, bảo vệ rừng phòng hộ ở Sóc Sơn là nghiêm trọng. Thủ tướng đã chỉ đạo, Hà Nội và các cơ quan chức năng phải giải quyết theo nguyên tắc thu hồi toàn bộ diện tích mua bán, chuyển nhượng trái luật. Bên cạnh đó.
Thanh tra Chính phủ còn khẳng định, đất rừng ngoại thành Hà Nội bị "xẻ thịt” là do Sở Nông nghiệp và phát triển Nông thôn, Chi cục kiểm lâm, Sở Tài nguyên môi trường và nhà đất thành phố không làm hết trách nhiệm được phân công. Các cơ quan này có chức năng lập bản đồ quy hoạch chi tiết rừng phòng hộ, đặc dụng; xây dựng hệ thống mốc giới, biển báo; quản lý đất rừng. Tổng Thanh tra Chính phủ lúc bấy giờ là ông Quách Lê Thanh khẳng định, lãnh đạo thành phố Hà Nội phải chịu trách nhiệm về việc thiếu kiểm tra và chỉ đạo triển khai quy hoạch rừng đặc dụng và phòng hộ ở Sóc Sơn. Đặc biệt là việc không thực hiện các chính sách nhà nước về giao đất, giao rừng cho dân. Theo kiến nghị của Thanh tra, Thủ tướng yêu cầu Hà Nội phải tổ chức kiểm điểm trách nhiệm; dừng ngay việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở thuộc rừng phòng hộ, đặc dụng đã được quy hoạch. Các lực lượng chức năng phải ngăn chặn kịp thời việc xây dựng trái phép trên đất rừng.
Kết luận Thanh tra của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội ban hành ngày 15-1-2013 cũng chỉ rõ, tại xã Minh Phú nhiều trường hợp mới nhận giao đất đã tự ý chuyển nhượng trái phép. Điển hình là trường hợp ông Ngô Văn Cam, năm 1990 được giao khoán tới 126ha rừng, sau được xã giao thêm 15ha đất trống và 18ha trước đây là trận địa pháo quân đội. Trên diện tích đất này, ông Cam đã xây dựng khoảng 1.200m2 gồm nhà nghỉ 4 tầng, nhà hàng. Hộ bà Ngô Thị Loan được giao 3.856m2 đất rừng nhưng năm 2002 đã chuyển nhượng cho 4 hộ khác và nay đã xây dựng nhà ở, nhà sàn.
Trước sức ép từ phía dư luận, cũng như chỉ đạo của Chính phủ, UBND TP. Hà Nội đã phải tổ chức một cuộc họp "khẩn” với các cơ quan trung ương về hướng giải quyết. Tại cuộc họp diễn ra vào ngày 31-5-2006, UBND TP. Hà Nội đã "hứa” sẽ xử lý các trường hợp "xẻ thịt” đất rừng Sóc Sơn từ ngày 30-6-2006. Thế nhưng, mọi thứ vẫn chỉ là "đắp chăn hô xung phong”. Điều đáng nói, trong khi các cơ quan chức năng vẫn "đủng đỉnh” trong việc kiểm tra, xem xét hiện trạng đất rừng, và đưa ra hướng giải quyết hàng loạt công trình không phép tại Sóc Sơn, thì đất rừng vẫn tiếp tục bị "xóa sổ”. Mới đây, vào khoảng 8 giờ, ngày 19-4-2013, cán bộ Tổ cơ động quản lý bảo vệ, phòng chống cháy rừng đi tuần và phát hiện khoảng 1,5ha rừng thông hơn 30 tuổi tại khoảnh 9, lô 12, 13, Lâm trường Sóc Sơn đã bị chặt hạ hoàn toàn. Tại hiện trường, máy ủi, máy xúc hoạt động ngày đêm. Cán bộ quản lý, bảo vệ rừng phát hiện và yêu cầu dừng lại, những người chặt phá rừng trái phép và bảo vệ sân Golf nói không có giấy phép, nhưng cho biết "đã làm việc với lãnh đạo Công ty TNHH MTV Đầu tư và phát triển nông lâm nghiệp Sóc Sơn và chính quyền địa phương”. Thế rồi, họ tiếp tục cho máy cưa, máy xúc, ủi hoạt động. Hiện tại, 1,5ha rừng thông chỉ còn lại bãi đất trống.
Hoài Vũ (Đại đoàn kết)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.