Vì đất cho mượn bị đem bán, một nông dân ở Củ Chi vác đơn đi kiện ròng rã hơn mười năm qua. Khi ông qua đời thì người vợ tiếp tục hành trình. Đến khi quá mệt mỏi, cô con dâu lại được ủy quyền tiếp tục đi kiện

Bà Quen kể về nguồn gốc đất

Bỗng dưng mất đất

Tại tòa soạn Báo CATP, chị Huỳnh Thị Hương Hoa (SN 1967, ngụ ấp Bến Mương, xã An Nhơn Tây, huyện Củ Chi) cho biết, chị là con dâu và được cha mẹ chồng là ông Nguyễn Văn Mộc và bà Lê Thị Quen (ngụ ấp Xóm Trại, xã An Nhơn Tây, huyện Củ Chi) ủy quyền đi kiện. Theo chị Hoa, trước đây cha mẹ chồng của chị có một mảnh đất diện tích khoảng 5.000 mét vuông (nay thuộc thửa đất số 762,763,764, 765,770,771 sổ đỏ số 364 và thửa 772 thuộc sổ đỏ số 484) nhưng... lại mang tên của người khác!

Phần đất này do ông Mộc - bà Quen sử dụng từ năm 1975 đến 1983. Vào thời điểm này, do kinh tế gia đình khó khăn nên hai vợ chồng thế chấp cho anh Nguyễn Văn Danh lấy 23.300 đồng, với cam kết khi nào anh Danh không còn nhu cầu sử dụng phần đất này nữa thì ông Mộc - bà Quen sẽ trả lại số tiền trên và lấy lại để canh tác.

Phần đất này anh Danh sử dụng được khoảng bốn năm thì giao cho bà Bùi Thị Thuấn sử dụng. Ông Mộc đã gặp bà Thuấn để nói chuyện nhưng bà Thuấn trả lời là đã mua từ... ông Danh. Năm 1993, ông Mộc làm đơn gởi ấp và UBND xã nhờ giải quyết. Tiếp tục làm đơn gởi lên TAND huyện Củ Chi thì đến ngày 24-12-2006, ông Mộc qua đời nên vụ kiện bị đình chỉ. Bà Quen tiếp tục đi kiện thay chồng. Ngày 26-7-2007, TAND huyện Củ Chi nhận đơn khởi kiện kèm theo hồ sơ nhưng do nhiều nguyên nhân nên đến nay chưa giải quyết xong. Trong quá trình tòa thụ lý, giải quyết vụ kiện, thẩm phán đã mời chị Hoa (người được bà Quen ủy quyền) nhưng phía bà Thuấn và anh Danh không có mặt. Ngày 19-3-2007, chị Hoa đã nộp tiền tạm ứng chi phí đo đạc để tòa tiến hành đo đạc và định giá phần đất tranh chấp. Hiện nay, bà Quen sức khỏe rất yếu nên mọi việc đi kiện đều trông cậy vào chị Hoa.

Điều kì lạ là đất tranh chấp từ năm 1993 đến nay nhưng năm 1995 bà Thuấn được cấp sổ đỏ?

Khi nào mới khép lại vụ việc?

Trong vụ việc này, TAND huyện Củ Chi đã cử hai thẩm phán để thẩm định vụ án là Phạm Văn Phẹo và sau này là Huỳnh Bá Hiệp. Trong quá trình thụ lý của thẩm phán Phẹo, phía bị đơn là anh Danh - bà Thuấn đã trưng ra một giấy mua bán có chữ ký của... ông Mộc. Theo kết luận của Phòng kỹ thuật hình sự (CATP. Hồ Chí Minh) thì chữ ký của ông Mộc là giả mạo. Một thời gian sau đó, phía bị đơn lại cho “xuất hiện” thêm giấy... mua bán thứ hai và không biết còn giấy nào nữa không?

Khi xảy ra tranh chấp, chị Hoa đã gởi đơn xin can thiệp giải quyết hiện trạng đất tranh chấp gởi cơ quan chức năng của huyện và xã. Hồ sơ cho thấy, UBND huyện đã chỉ đạo UBND xã làm việc này nhưng không hiểu sao bà Thuấn vẫn vô tư trồng cao su. Ngày 23-7, theo quan sát của chúng tôi, cao su hiện đã lớn. Điều này sẽ gây rất nhiều khó khăn cho việc giải quyết hậu quả của vụ án.
Luật sư Trần Văn Thuận (Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh) cho biết, vụ việc này kéo dài đã lâu mà chưa có hồi kết. Theo Luật tố tụng dân sự, thời hiệu giải quyết vụ án là sáu tháng kể từ ngày tòa thụ lý, tức là khi nguyên đơn đã nộp xong tiền tạm ứng án phí nhưng đến nay đã qua hai đời thẩm phán mà vẫn chưa giải quyết xong.

Để làm rõ hơn trách nhiệm của địa phương trong vụ việc này, chúng tôi đã gặp ông Trần Trung Nghĩa - Chủ tịch xã An Nhơn Tây. Ông Nghĩa mới về nhận nhiệm vụ được vài tháng nên cũng chưa nắm rõ vụ việc từ người tiền nhiệm. Theo ông Nghĩa, huyện ủy, ủy ban kiểm tra của huyện đã vào cuộc, yêu cầu bà Hoa cung cấp toàn bộ chứng từ, hồ sơ để làm rõ những sai phạm do đâu mà đất người này lại sang tên người khác.

An Hòa (Công an TP.HCM)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.