Tại tỉnh Quảng Nam, nhiều xã chiếm dụng đất công ích trái quy định với diện tích lên đến hàng ngàn ha

Đất công ích 5% (hay còn gọi là đất dự phòng) là diện tích đất thuộc quỹ đất nông nghiệp được giao cho UBND cấp xã, phường, thị trấn quản lý. Theo quy định thì mỗi xã, phường, thị trấn được lập quỹ đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích không quá 5% tổng diện tích đất để phục vụ nhu cầu công ích của địa phương. Thế nhưng, tại tỉnh Quảng Nam, nhiều xã chiếm dụng đất công ích trái quy định với diện tích lên đến hàng ngàn ha, trong khi người dân không có đất sản xuất phải thuê với giá “ trên trời”.

Ảnh minh họa.

12 giờ trưa, vợ chồng bà Nguyễn Thị Tiến ở thôn Bàu Tròn, xã Đại An, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam vẫn lom khom ngoài đồng thu hoạch dưa. Bà Tiến cho biết, ruộng đất này ngày trước là của dân, nhưng sau khi dồn điền đổi thửa, mỗi nhân khẩu chỉ được cấp lại 270m2, còn lại đưa vào đất dự phòng 5% do xã quản lý. Gia đình nào muốn có đất sản xuất phải đấu giá, mỗi sào từ 1 đến 2 triệu đồng tùy chân đất. Chỉ tính riêng thôn Bàu Tròn, mỗi năm nguồn thu từ đất 5% đất dự phòng đã lên đến hơn 100 triệu đồng, nếu cộng dồn các thôn khác thì khoản thu này hơn 330 triệu đồng.

Bà Tiến bày tỏ bức xúc: “Cho cái cần câu để người nông dân họ có đất sản xuất. Ví dụ như đất vòng 2 này chia thêm cho mỗi khẩu, thay vì 270 m2t cho thêm lên 300 đến 400 m2. Người nông dân thì phải có đất sản xuất, nhưng không có đất đành phải đi thuê, đi đấu với giá rất cao, thành ra không có thu nhập, để rồi mỗi năm phải đi xét hộ nghèo. Tuy danh nghĩa là xóa đói giảm nghèo, nông thôn mới nhưng thực tại ở đây, nội tâm người nông dân rất là khổ. Mỗi lần đấu giá, có tiền chồng trên bàn mới có đất làm, còn nếu không tiền thì không có đất làm”.

Xã Điện Quang, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam đưa ra “cơ chế thoáng” hơn, giao khoán đất 5% cho thôn tổ chức cho các hộ dân đấu giá thuê đất. Phần tăng thêm được xã để lại cho các thôn trả nợ xây dựng Nhà Văn hóa theo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Cụ thể như thôn Bến Đền Tây thuê đất dự phòng với mức giá 200 ngàn đồng/ 1 sào, sau đó đưa ra dân đấu giá với mức 300 ngàn đồng, toàn bộ phần tăng thêm này được xã để lại cho thôn sử dụng.

Ông Trần Kim Sơn, Trưởng thôn Bến Đền Tây, xã Điện Quang, thị xã Điện Bàn giải thích, Nhà nước hỗ trợ 200 triệu đồng làm Nhà Văn hóa; thấy các thôn khác làm Nhà Văn hóa hoành tráng quá nên cũng ráng làm theo. Nhà Văn hóa thôn xây to dùng chỉ để làm “kiểng”, vài tháng họp một lần, trong khi khoản nợ vài trăm triệu đồng chưa biết lấy đâu trả nợ, đành xin xã cơ chế đấu giá đất tăng lên để có tiền trả nợ.

Ông Trần Kim Sơn cho biết: “Xã giao thầu cho thôn, rồi thôn ai có nhu cầu làm thì 200 ngàn đồng thành 300 ngàn đồng, đóng góp lại cho thôn 100 ngàn đồng. Phần tăng thêm xã cho mình chứ, thôn không có lấy. Vì xã đã quy định rồi, vùng đất nào giao thầu cho thôn để nộp về xã bao nhiêu đó, rứa thôi chứ bây chừ lấy chi làm, nhà nước thì có chừng thôi”.

Theo quy định tại Điều 72 Luật đất đai năm 2003, sửa đổi bổ sung năm 2009 thì tiền thu được từ việc cho thuê đất thuộc quỹ đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích phải nộp vào ngân sách Nhà nước do UBND xã, phường, thị trấn quản lý và chỉ được dùng cho nhu cầu công ích của xã, phường, thị trấn theo quy định của pháp luật. Như vậy, việc chính quyền xã Điện Quang, thị xã Điện Bàn cho cơ chế để thôn Bến Đền Tây giữ lại khoản tiền tăng thêm sau khi đấu giá là trái quy định.

Hiện nay, không ít địa phương ở tỉnh Quảng Nam đưa vào quỹ đất dự phòng những khu đất màu mỡ, kể cả đất bãi bồi ven sông cũng “gom” vào để tăng quỹ đất, tạo nguồn thu. Bà Lê Thị Phiên ở xã Quế An, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam nêu thực tế ở địa phương mình.

“Đất 5% xã để lại nhiều, dọc tuyến đường này hoặc các con đường liên thôn đất hai bên đường để lại hết. Cán bộ quản lý hết, đấu thầu cũng cán bộ đấu thầu chứ dân không đấu được. Dân ở đây ví dụ 2, 3 thế hệ họ ở chung nhà, nhưng họ đi xin dễ chi cho được cái nền nhà, xét đi xét lại năm này qua năm khác vẫn chưa được”.

Theo tìm hiểu của phóng viên VOV, tỉnh Quảng Nam hiện có 58 xã giữ lại đất dự phòng vượt quá 5%, với tổng diện tích lên đến gần 5.000 ha; gần 33.000 hộ không lập hợp đồng thuê đất trên diện tích hơn 7.800 ha; 28 tổ chức cho thuê đất không đúng đối tượng, không đăng ký vào hồ sơ địa chính .v.v... Từ đây, xảy ra nhiều vụ khiếu kiện khi Nhà nước thu hồi đất.

Ông Lương Thiện Phước, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý Đất đai, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Nam thừa nhận, việc quản lý đất công ích trên địa bàn tỉnh còn nhiều lỏng lẻo.

“Ngành Tài nguyên Môi trường cũng chưa nắm thông tin. Nói là bao giờ ngành Tài nguyên Môi trường đi khảo sát thì mình chưa có kế hoạch. Vì Chi cục Đất đai bây giờ mới hình thành, con người cũng thiếu, quản lý Nhà nước cũng chưa được sâu sát lắm. Muốn làm vấn đề gì thì phải đăng ký vào chương trình đầu năm hết. Bây giờ với thực trạng như thế thì ngành Tài nguyên Môi trường xây dựng kế hoạch cho năm 2016 thôi, thực hiện việc tổng kiểm tra, những địa phương nào có sự nổi cộm rà soát trước”.

Quảng Nam vẫn còn là một tỉnh nghèo. Nhiều nơi, người dân không có đất sản xuất. Trong khi đó, chính quyền xã “vô tư” giao đất dự phòng cho thôn tổ chức đấu giá, khoản chênh lệch tăng thêm sử dụng không đúng mục đích. Bà con mong chờ lãnh đạo tỉnh Quảng Nam ra tay chấn chỉnh tình trạng này.

PV (VOV)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.