Công ty vận động lấy đất đổi nền và gom tiền làm dự án khu dân cư, sau đó đem thế chấp hết tài sản của dân.

Các hộ dân bên khu đất dự án sau gần chín năm chỉ là đồng cỏ, chòi vịt. Ảnh: Nguyễn Đức

139 hộ ở Bình Dương, TP.HCM, Đồng Nai... đã góp tiền, đất để tham gia Dự án Khu dân cư Phú Quang (phường Vĩnh Phú, thị xã Thuận An, Bình Dương) do Công ty Kinh doanh Xây dựng Dịch vụ Tư vấn Phú Quang (837B, tỉnh lộ 43, KP 5, phường Tam Bình, quận Thủ Đức, TP.HCM) làm chủ dự án.

Sau gần chín năm dự án vẫn trên giấy, mới đây các hộ dân phát hiện tài sản của mình đã bị giám đốc công ty này đem thế chấp.

Dự án chín năm vẫn là đồng cỏ, ao vịt

Ông Vũ Trí Hưng, một người dân mua nhiều nền tại dự án này, cho biết: Đầu tháng 3-2003, khi chưa có quy hoạch khu đô thị mới, ông Phạm Thanh Hải - Tổng Giám đốc Công ty Phú Quang đã vận động hàng trăm hộ dân ký “hợp đồng hợp tác đầu tư” Dự án Khu dân cư Phú Quang. Người dân đầu tư tiền thi công hạ tầng sẽ được công ty giao nền nhà kèm giấy đỏ. 139 hộ dân đã giao cho công ty 50%-70% số tiền phải đóng, tổng cộng khoảng trên 30 tỉ đồng.

Cuối năm 2004, UBND tỉnh Bình Dương có quyết định giao và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ) cho Công ty Phú Quang. Theo đó tỉnh thu hồi gần 88.000 m2 của các hộ dân, trừ hành lang bảo vệ sông suối, còn 84.000 m2 giao đất và cấp giấy chứng nhận QSDĐ cho công ty để xây dựng khu dân cư đô thị mới Phú Quang. Công ty có trách nhiệm xây dựng cơ sở hạ tầng trước khi chuyển nhượng QSDĐ và trước tháng 11-2005.

34 hộ đã được Phú Quang bồi thường cho biết chỉ thực sự bồi thường một nửa diện tích theo giá đất nông nghiệp, tổng cộng khoảng 9 tỉ đồng, còn lại là hoán đổi nền nhà.

Đầu năm 2006, thấy phía Phú Quang không giao nền, nhiều hộ dân khiếu nại. Tháng 7-2006, ông Hải thông báo: Hiện đã nhận được thông báo vốn vay từ tập đoàn nước ngoài tài trợ 300 tỉ đồng và hứa sẽ thực hiện dứt điểm công tác đền bù, san lấp mặt bằng trong năm 2006. Tuy nhiên, sau đó mọi việc vẫn không có tiến triển.

Năm 2007, UBND tỉnh Bình Dương ra quyết định thu hồi dự án do Công ty Phú Quang chậm triển khai. Kể từ đây, các hộ dân không biết đất và tiền của họ được chủ đầu tư sử dụng như thế nào, họ tìm cách gặp ông Hải nhưng đều thất bại.

Gần chín năm qua, người dân bị thu hồi đất không có đất ở, dự án chỉ là cánh đồng cỏ, lau sậy cao ngút.

Đem chủ trương của tỉnh, tài sản của dân đi thế chấp

Dù UBND tỉnh Bình Dương có quyết định thu hồi dự án nhưng ngày 4-1-2008, Công ty Phú Quang vẫn đem toàn bộ giá trị QSDĐ và tài sản hình thành trên đất của dự án này để thế chấp cho Công ty Tài chính Dầu khí nhằm bảo đảm cho nghĩa vụ trả nợ tại hợp đồng tín dụng được ký cùng ngày giữa Công ty Phú Quang và Công ty Tài chính Dầu khí. Bên thế chấp cam đoan những tài sản nói trên thuộc toàn quyền sở hữu của mình và không có tranh chấp.

Chưa hết, dù dự án đã bị thu hồi nhưng đầu năm 2008, Công ty Phú Quang vẫn tiếp tục “dụ” hàng chục hộ dân góp vốn xây dựng dự án để lấy nền nhà.

Giấy nộp tiền mua nền của nhiều hộ dân. Ảnh: Nguyễn Đức

Nhận thấy Công ty Phú Quang có khuất tất, phía Công ty Tài chính Dầu khí đã khởi kiện ra tòa. Ngày 5-8-2009, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM đã tuyên Công ty Phú Quang phải trả cho Công ty Tài chính Dầu khí số tiền vay và lãi suất ngân hàng, tổng cộng là gần 57 tỉ đồng, tiến hành phát mãi ngay tài sản thế chấp để thu hồi nợ.

Ngày 14-7-2010, Cục Thi hành án (THA) dân sự TP.HCM thông báo sẽ tiến hành phát mãi QSDĐ để thu hồi nợ cho Công ty Tài chính Dầu khí (PVFC) và đề nghị các hộ dân đã góp vốn liên hệ với Cục THA để giải quyết. Lúc này các hộ dân mới biết tài sản và đất góp cho Công ty Phú Quang đã bị đem thế chấp.

Ngày 13-5 vừa qua, hơn 100 hộ dân đã cùng làm đơn kiến nghị và ủy quyền cho ông Vũ Trí Hưng (một trong số nạn nhân) gửi đơn cầu cứu đến UBND tỉnh Bình Dương.

PV đã tìm đến địa chỉ công ty và địa chỉ nhà của tổng giám đốc Công ty Phú Quang để làm rõ hơn sự việc nhưng không tìm thấy. Các hộ dân đổ xô đi kiếm ông Hải cũng đành bất lực.

Theo PLTP
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.