CafeLand - Môi trường làm việc năng động, cạnh tranh cao và đặc biệt là mức thu nhập hấp dẫn khiến môi giới bất động sản đang là một nghề “hot” với nhiều lao động trẻ. Tuy nhiên, hành trình để đi đến thành công của một người môi giới có không ít chông gai, đòi hỏi sự nỗ lực không ngừng nghỉ.

Con đường đến thành công của nghề môi giới bất động sản không hề dễ dàng.

Vượt vũ môn

Sau một thời gian dài trầm lắng, 2015 được xem như một năm “ăn nên làm ra” của nghề môi giới bất động sản. Thị trường sôi động, bên cạnh lực lượng lao động mới tham gia đông đảo còn có rất nhiều người cũ tái xuất. Những câu chuyện thành công được kể làm động lực cho nhiều người bước tới, song đó là con đường không hề bằng phẳng. Đằng sau vẻ hào nhoáng bên ngoài là những đắng cay mà chỉ có những ai trong cuộc mới hiểu. Trong đó, khoảng thời gian “nhập môn” là giai đoạn khó khăn nhất của nghề môi giới.

Sau 5 năm lao động nỗ lực, với những kinh nghiệm tích lũy được tại nhiều sàn môi giới, Nguyễn Đặng Nam bây giờ đã có thể “sống được” với nghề. Tuy nhiên, anh Nam vẫn nhớ như in từng chi tiết thủa ban đầu vào nghề. “Đây là giai đoạn khó khăn nhất của nghề, giai đoạn then chốt, quyết định bạn có phù hợp và tồn tại được với nghề này hay không,” anh Nam chia sẻ.

Chị Huyền, môi giới một sàn giao dịch tại quận Bình Thạnh, cho biết mặc dù chuyên ngành chính là xã hội học, nhưng khi ra trường khó xin việc. Được bạn bè giới thiệu, chị Huyền nhảy ngang sang làm môi giới bất động sản. Từng chứng kiến nhiều bạn bè làm nghề này có thu nhập hàng tháng cả chục triệu, nhất là dịp cuối năm được thưởng một khoản tiền rất lớn, chị rất hứng thú tham gia. Tuy nhiên, khi đi vào thực tế chị mới thấy những khó khăn của nghề, những điều mà trước đây chị nghĩ không tới.

Chị cho biết lương cố định hàng tháng của nhân viên môi giới chỉ khoảng 3 triệu đồng, bao gồm luôn cả chi phí quảng cáo, tiếp thị online và phát tờ rơi. Là con gái, công việc càng vất vả hơn. Có những ngày chị phải đứng ngoài đường từ sáng tới tối, giữa trời nắng, bụi bặm để phát tờ rơi. Nhiều hôm, chị rời phòng trọ từ sáng sớm nhưng phải tới 8 – 9 giờ tối mới về đến phòng. Lao động vất vả là thế, nhưng hơn 2 tháng trời chị không có lấy một giao dịch thành công.

Anh Vinh, môi giới bất động sản tại quận Tân Bình, nhận xét sở dĩ nghề môi giới bất động sản thu hút đông lao động vì công ty tuyển dụng không yêu cầu quá cao về trình độ, chuyên môn. Ai cũng có thể làm, học ngành gì cũng không phân biệt, số lượng tuyển một lúc rất lớn nên sinh viên tìm đến cũng nhiều. Anh này cho biết, thực tế ai nhìn vào môi giới bất động sản thấy mặc quần áo tươm tất cứ nghĩ là có thu nhập cao mà không biết rằng đàng sau cái vẻ bên ngoài ấy là sự vất vả. Tiền lương thì ít, chi phí chạy quảng cáo có khi hơn cả lương, tháng nào không có giao dịch thì chỉ có nhịn đói, chạy vay mượn tiền bạn bè đủ nơi.

Trau dồi kiến thức

Anh Nam cho biết, những nhân viên môi giới mới vào nghề thường phân làm hai loại “nhà giàu” và “nhà nghèo”. Với môi giới “nhà giàu” có sự hậu thuẫn tài chính từ gia đình sẽ không phải lo lắng chuyện ăn uống, ở trọ mà chỉ tập trung vào việc bán hàng, tạo mối quan hệ. Với khoản tiền lương sẵn có, cộng với sự giúp đỡ của gia đình, môi giới “nhà giàu” có thể chạy các chương trình đăng tin, quảng cáo trên các website lớn, thuê đội ngũ cộng tác viên, có thời gian và chi phí cà phê tiếp khách.

Ngược lại, đối với môi giới “nhà nghèo” thì đây là bài toán khó. Với mức thu nhập 3 triệu đồng/tháng, không có sự hỗ trợ từ gia đình, chỉ tính riêng tiền ăn uống, thuê nhà, xăng xe, điện thoại đã không đủ, nói gì đến chi phí quảng cáo, bán hàng. Do đó, thời gian này môi giới chủ yếu là “lấy công làm lời”, tự mình đi phát tờ rơi, đăng tin rao vặt có giá rẻ.

Khó khăn là vậy, nhưng anh Nam cho rằng, chỉ cần vượt qua được giai đoạn ban đầu, và khi đã có kinh nghiệm và mối quan hệ thì cơ hội của nghề là rất lớn. Theo anh Nam, có một số yếu tố quan trọng mà người môi giới phải có. Thứ nhất là kỹ năng giao tiếp bán hàng và tạo mối quan hệ. Nghề bán hàng nói chung và bán bất động sản nói riêng rất quan trọng khả năng ăn nói. Người bán không chỉ phải nói đúng mà còn nói sao cho có duyên. Khách hàng đánh giá cao những môi giới ăn nói tự tin, lưu loát, tác phong chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, môi giới phải liên tục tìm kiếm và mở rộng mối quan hệ không chỉ với khách hàng mà còn là cấp trên, đồng nghiệp.

Thứ hai là phát triển đội ngũ cộng tác viên. Cách làm này rất hiệu quả, bởi nó tập hợp sức mạnh từ nhiều người. Hơn nữa, chi phí dành cho cộng tác viên cũng nhẹ hơn vì chủ yếu là các bạn sinh viên. Tuy nhiên, nhiều môi giới không có kinh nghiệm thường mắc sai lầm là không đánh giá đúng năng lực của cộng tác viên, mất tiền nhưng không mang lại hiệu quả.

Thứ ba, nhân viên môi giới phải biết cách chọn đúng đối tượng khách hàng mình hướng đến. Đây là bước rất quan trọng. Thông qua cách nói chuyện, môi giới cần nắm bắt được nhu cầu thực của khách hàng là gì, họ mua để ở hay đầu tư, họ có tiềm năng mua hay không để tránh mất thời gian cho những khách “ảo”.

Cuối cùng, điều quan trọng nhất là sự nỗ lực hoàn thiện về kiến thức chuyên môn và đạo đức bán hàng. Muốn tư vấn tốt cho khách hàng thì phải hiểu rõ những gì mình bán, phải đưa đến cho người mua thông tin chính xác và đầy đủ nhất. Quan trọng hơn cả là sự trung thực, uy tín để khách hàng tin tưởng. “Môi giới bất động sản không phải là nghề của một ngày hai bữa, mà là một quá trình rất dài. Nếu xây dựng được thương hiệu riêng, tạo được lòng tin nơi khách hàng thì nhờ họ chúng ta sẽ bắc ‘cầu nối’ đến nhiều khách hàng khác”, anh Nam chia sẻ.

Theo ông Trần Khánh Quang, Tổng giám đốc Công ty bất động sản Việt An Hòa, thời gian qua trên thị trường đã xuất hiện không ít vụ lùm xùm liên quan đến hoạt động môi giới bất động sản. Có nhiều nguyên nhân, có thể là do áp lực cạnh tranh bán hàng giữa các môi giới với nhau, cũng có thể là do chính chủ đầu tư chủ trương đưa ra những thông tin mập mờ khiến môi giới bị đánh lừa. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất vẫn nằm ở chính nhân viên môi giới. Nếu môi giới bán hàng đúng với cái tâm của mình, trung thực thông tin với khách hàng thì sẽ không còn nhiều vụ việc không hay xảy ra nữa.

“Nhân viên môi giới khi bán nhà cho khách hàng cần tâm niệm rằng, mình đang mang đến cho họ một thứ linh thiêng và quan trọng. Bởi nhà là nơi họ gắn bó cả cuộc đời, là thành quả của bao năm lao động cực khổ, là tất cả niềm hạnh phúc của khách hàng nên phải làm đúng đạo đức, không lừa dối, không cung cấp thông tin sai sự thật,” ông Quang nhấn mạnh.

Rõ ràng nghề môi giới là nghề “dễ đi nhưng khó đến”. Bất kỳ ai cũng có thể gia nhập vào đội ngũ này, song để thành công lại không dễ dàng chút nào. Người môi giới phải vượt qua được những khó khăn ban đầu và phải nỗ lực không ngừng nghỉ để trau dồi kiến thức, mối quan hệ. Những ai làm việc thiếu cái tâm sẽ khó có thể thành công và trụ được trong nghề này.

Hùng Nguyễn
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.