Đầu tư công vượt quá khả năng của nền kinh tế dẫn đến đầu tư dàn trải, kéo dài, hiệu quả thấp. Sau một thời gian dài tăng trưởng nóng, gây ra lạm phát mạnh, nền kinh tế đang đối mặt với cuộc tái cơ cấu toàn diện, mà yếu tố quyết định của chiến lược quan trọng này là tái cơ cấu trong lĩnh vực đầu tư công.

Theo TS Vũ Thành Tự Anh, chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, từ nay đến năm 2020, ngân sách cần bỏ ra trung bình 15 tỉ USD/năm để đầu tư cơ sở hạ tầng theo quy hoạch đã được duyệt. Đây là con số khổng lồ so với quy mô của nền kinh tế Việt Nam. Nhưng quy hoạch đó được “vẽ” bởi những đơn vị, địa phương không có chức năng điều phối. Càng “vẽ” càng hoành tráng làm cho việc đầu tư thêm dàn trải, phức tạp vì ai cũng đi tranh giành nguồn vốn có hạn.

Dàn trải đầu tư công
Xây dựng một chương trình đầu tư công cho các công trình công cộng trong giai đoạn mới là điều cần thiết. Ảnh: tấn Thạnh


TS Vũ Tuấn Anh, Viện Kinh tế Việt Nam, cho rằng tỉnh nào cũng có sân bay, cảng biển, khu công nghiệp, sân golf, khu đô thị cao cấp. Thời gian đầu tư kéo dài, ngân sách không đủ rót xuống khiến nhiều địa phương trở thành những đại công trường dang dở. Câu chuyện điển hình nhất về đại công trường là tỉnh Hà Giang. Từ năm 1998 đến 2004, tỉnh này đầu tư 1.901 công trình xây dựng cơ bản với tổng dự toán được duyệt lên đến 3.308 tỉ đồng. Sau 4 năm, chỉ có một nửa số công trình được bảo đảm chất lượng và tỉnh này mắc nợ 1.800 tỉ đồng

Mặc dù đã có chủ trương cắt giảm đầu tư công nhưng đến nay, các địa phương vẫn đề xuất bản danh sách hàng ngàn công trình cần khởi công với tổng vốn hơn 300 tỉ USD. Muốn thỏa mãn nhu cầu này, cả nước phải nhịn ăn, nhịn tiêu 3 năm mới đáp ứng được.

Theo TS Trần Xuân Bá, tổng mức đầu tư toàn xã hội đã tăng từ 35,4% GDP năm 2001 lên gần 42% GDP vào năm 2010. Tính theo tỉ lệ trên GDP, vốn đầu tư từ ngân sách trong giai đoạn 10 năm qua lên đến 9,8% gây ra nhiều bất cập mà rõ nhất là đầu tư công vượt quá khả năng của nền kinh tế dẫn đến đầu tư dàn trải, kéo dài, hiệu quả thấp.

Để tái cơ cấu đầu tư công, giải pháp đầu tiên là phải giảm đầu tư toàn xã hội nói chung xuống 35% GDP và đặc biệt là phải giảm đầu tư công xuống dưới 1/3 tổng đầu tư toàn xã hội. Theo đó, Nhà nước phải rút dần ra khỏi những lĩnh vực kinh doanh nhằm mục tiêu lợi nhuận, nhường sân cho kinh tế tư nhân để dồn nguồn lực cho những việc cần cho phát triển đất nước mà khu vực kinh tế khác không làm được.

Từ bỏ dự án “3 không”

Phải kiên quyết không để xảy ra dự án “3 không”: Không rõ mục đích, không cân đối được nguồn lực và không xác định được phân kỳ đầu tư phù hợp. Đồng thời xây dựng một chương trình đầu tư công cho các công trình công cộng trong giai đoạn mới. Cũng cần ban hành một số luật mới cho phù hợp với thực tiễn và kiên quyết không tiếp tục đầu tư cũng như phê duyệt, khởi công các công trình hạ tầng mới từ nay đến năm 2013.

Theo Bích Ngân (Người Lao động)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: tai chinh