Đề án giãn dân phố cổ vừa được UBND quận Hoàn Kiếm thông báo sẽ chính thức khởi động, hơn sáu ngàn hộ dân phố cổ sẽ rời ngõ nhỏ lên ở tầng cao. Nhưng, đối với nhiều, phố cổ không chỉ là nơi ở, mà còn là nơi làm ăn, vì thế, về ở tầng cao lấy gì làm sinh kế là bài toán hóc búa cả với họ và chính quyền.
Người dân phố cổ đã quen với việc buôn bán, sẽ rất khó khăn khi sống ở gười dân phố cổ đã quen với việc buôn bán, sẽ rất khó khăn khi sống ở tầng cao. Ảnh: Khánh Tùng
Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) Vũ Văn Viện vừa cho biết, dự kiến vào quý 4 tới đây sẽ triển khai xây dựng dự án giãn dân phố cổ trong khu đô thị mới Việt Hưng (Long Biên, Hà Nội), bao gồm 16 tòa nhà ở cao 9 tầng, 01 tòa nhà hỗn hợp gồm trung tâm thương mại dịch vụ, chung cư, công trình công cộng cao 15 tầng, các công trình phúc lợi công cộng như nhà trẻ - mẫu giáo, trạm y tế, không gian sinh hoạt cộng đồng. Dự án sẽ hoàn thành năm 2016.
“Giãn” cả lối sống và thói quen sinh hoạt
Khu phố cổ Hà Nội với diện tích khoảng 81 ha nằm trên địa bàn 10 phường thuộc quận Hoàn Kiếm, với tổng số dân (điều tra năm 2010) 66,6 ngàn người tương ứng với mật độ 823 người/ ha. Để đảm bảo quy hoạch, Hà Nội phải di chuyển khoảng 6.550 hộ dân với khoảng 26.200 người dân, mà trước mắt, trong giai đoạn 1 (từ năm 2013 đến năm 2016), đề án giãn dân phố cổ được thực hiện trên khu đất có diện tích 11,12 ha tại KĐT mới Việt Hưng – Long Biên để bố trí cho khoảng 1.530 hộ dân di dời.
Thành phố Hà Nội xây dựng khu nhà ở giãn dân phố cổ tại KĐT mới Việt Hưng. “Việc xây dựng các khu nhà ở, các công trình phúc lợi công cộng, hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật tại khu đất 11,12 ha trong KĐT mới Việt Hưng đã được thành phố phê duyệt, đáp ứng đúng các yêu cầu của công tác giãn dân về loại nhà, cơ cấu diện tích, cơ cấu căn hộ, phù hợp với nhu cầu đặc điểm và tính chất của người dân phố cổ” – ông Lâm Quốc Hùng, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm, cho biết. Theo ông Hùng, đề án “sẽ bố trí diện tích kinh doanh dịch vụ trong khu nhà ở giãn dân phố cổ tại KĐT mới Việt Hưng cho khoảng 1/3 số hộ dân di dời”.
Nhận được cam kết của thành phố và UBND quận Hoàn Kiếm rằng sẽ tổ chức xây dựng và quản lý, khai thác sử dụng khu nhà ở giãn dân đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của người dân phố cổ, nhưng chị Hoàng Chung và bà Ngọc Anh vẫn hết đỗi phân vân: “Ở phố cổ, chúng tôi bán phục vụ người phố cổ và hàng vạn khách thăm quan. Còn ở nơi mới, chỉ phục vụ nhân dân KĐT Việt Hưng, bán trên tầng cao liệu có được mấy người mua, chúng tôi có đảm bảo sinh kế không”.
Lo nhất chuyện sinh kế
Gần trăm năm nay, đại gia đình nhà chị Hoàng Chung gồm 11 người sống trong một nhà ống ở phố Hàng Đường (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Mỗi căn phòng chừng 5 – 6 m2, nhà vệ sinh dùng chung với ba đại gia đình khác, nhà này ở xen kẽ với nhà kia, ngõ vào chỉ 60cm, suốt ngày phải thắp điện. Hơn ai hết, chị Chung và các con của chị thấy được sự thiệt thòi và bất tiện.
Khi có chủ trương giãn dân phố cổ, nhà chị đã rất háo hức tìm hiểu. Các gia đình trong nhà chị còn cử đại diện sang bên Khu đô thị mới Việt Hưng (Long Biên, Hà Nội) để “mục sở thị” nơi có thể sẽ là nhà mới của họ.Có người trong ngõ nhà chị còn trở thành nạn nhân của vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong đó Công ty Hồng Hà đã lừa bán suất nhà giãn dân phố cổ mà Tòa án nhân dân tp. Hà Nội sẽ đưa ra xét xử trong thời gian tới.

Ngặt nỗi, cả 3 chị em chị Chung đều sống nhờ vào “cửa hàng” diện tích 2m2 đầu ngõ suốt mấy chục năm nay. Sáng sớm, cô em dâu bán đồ ăn sáng, cả ngày chị và một cô em gái bán quần áo, chè chén. Buổi tối là phiên cô em dâu bán đồ lặt vặt phục vụ chợ đêm. “Sống nhờ vào vỉa hè phố cổ là sinh kế của hàng trăm gia đình khác như chúng tôi. Nhà nào may mắn thì có cửa hàng mặt phố, còn không thì tranh thủ từng mét vuông lối đi, vỉa hè” – chị Chung nói.

Bách Nguyễn (PLVN)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.