7 năm qua, cuộc sống, sinh hoạt của cư dân ở nhà tái định cư 17T11 Trung Hòa – Nhân Chính (quận Cầu Giấy, Hà Nội) găp không ít phiền toái, mà nguyên nhân cơ bản là không thể thành lập Ban quản trị bởi cơ quan hữu trách đã “bỏ bê” trách nhiệm này.

“Giọt nước tràn ly”

Ngày 13/8/2012, sau mấy ngày không sử dụng tới xe máy, chị Trần Thị Xuân (phòng 1505) xuống lấy xe đi làm thì phát hiện chiếc xe LX mới mua được gần tháng của chị đã không còn ở hầm để xe nhà 17T11. Chị đã báo với Tổ trưởng Tổ Bảo vệ có trách nhiệm trông coi xe ở tầng hầm, sau đó trình báo với cơ quan công an.

Việc mất xe của chị Xuân xảy ra ở tầng hầm nhà 17T11 đã gây không ít hoang mang cho các hộ dân ở khu nhà này, bởi suốt mấy năm qua, đa phần xe cộ của các hộ dân ở trong khu nhà, kể cả xe máy và xe ô tô, đều được gửi dưới hầm với hình thức trả tiền trực tiếp cho bảo vệ và giao xe trên cơ sở tin tưởng, không phiếu thu, không vé xe. Điều này tiếp diễn vài năm nay từ khi đại diện tổ bảo vệ đến từng nhà “xin” được thu tiền gửi xe không lấy vé để “anh em có điều kiện cải thiện”.

Chưa nói đến quy trình và thái độ giải quyết sự việc của Tổ bảo vệ cũng như Xí nghiệp Quản lý Dịch vụ và Khai thác khu đô thị (Xí nghiệp) thuộc Cty TNHH Một thành viên quản lý và phát triển nhà Hà Nội (Cty) là đơn vị được giao quản lý khu nhà này, thì câu chuyện gửi xe đã trở thành “giọt nước tràn ly” của nhiều nỗi bức xúc mà người dân trong khu nhà này phải gánh chịu.

Nhà dân ở, dân tự lo?

Đa phần các hộ dân nhà 17T11 là các hộ tái định cư dự án mở rộng Ngã Tư Sở, chuyển đến ở bắt đầu từ năm 2005. Theo lời bác Lê Đình Ngôn – Tổ trưởng Tổ dân phố 35 (tổ của nhà 17T11), để dẫn đến tình trạng mất tài sản và bức xúc của bà con hiện nay là tích tụ của cả một quá trình, trong đó phải kể đến việc không nghiêm túc tuân thủ quy định pháp luật của các đơn vị có liên quan.

“Đa phần các hộ ở đây đã có sổ đỏ, mà theo quy định của pháp luật, các hộ dân ở trên 70% thì phải bầu Ban Quản trị của khu nhà” – bác Ngôn cho biết – “Thế nhưng, từ năm 2008 đến nay, khi các hộ dân tự lo lấy việc bảo trì các thiết bị trong tòa nhà, Xí nghiệp và Cty chủ quản cũng chẳng buồn nhắc đến việc thành lập Ban Quản trị. Theo quy định, Ban Quản trị ban đầu có 1 thành viên là đại diện của Chủ đầu tư, nhưng việc “lờ” trách nhiệm của DN được tp.Hà Nội giao trách nhiệm phụ trách các khu nhà tái định cư khiến cho Ban Quản trị lâm thời bị “treo” suốt ngân ấy năm, hữu danh vô thực, và nhiều vấn đề phức tạp phát sinh”.

“Vấn đề bảo trì cũng là vấn đề nghiêm trọng ở khu nhà này. Cuối năm ngoái, sau 6 năm sử dụng, khi Tổ dân phố nhiều lần có ý kiến với Xí nghiệp đề nghị xử lý 12 hạng mục, xí nghiệp đã cử một nhà thầu xuống, chỉ sủa mỗi bậc tam cấp và lát gạch khu vực xung quanh” – ông Ngôn cho biết – “Các hạng mục khác quan trọng hơn, như bảo trì thang máy, hệ thống báo cháy…, Tổ dân phố và bà con lại tìm cách tự lo lấy để đảm bảo cuộc sống của mình”.

Từ khi Tổ dân phố tự quản – năm 2008 đến nay, chẳng thấy ai ở Tổ quản lý Trung Yên bén mảng đến khu nhà này. Sự hiện diện của Xí nghiệp duy nhất thể hiện qua những người bảo vệ dưới tầng hầm – chỉ có trách nhiệm trông giữ xe. Sau khi xảy ra việc mất tài sản, giờ thì Tổ bảo vệ đã đưa vé xe cho người dân, và người dân không ai dám để xe mà không lấy vé. “Thái độ làm việc của những người này cũng có vấn đề, nhưng vì quan hệ giữa xí nghiệp với cư dân 17T11 lỏng lẻo, chúng tôi chưa có cơ hội đề nghị Xí nghiệp xem xét” – một thành viên Ban quản trị lâm thời cho biết.

Nỗi niềm khu nhà “bị bỏ rơi”

Nhưng ông Ngôn vẫn rất bức xúc, khi cho rằng nếu Ban quản trị tòa nhà được thành lập kịp thời, đúng luật, thì những vấn đề mà ông và cư dân nhà 17T11 đang phải chịu đựng đã không phát sinh. “Nếu Cty, Xí nghiệp không có điều kiện về nhân lực thì ra một thông báo, Tổ kiến nghị UBND phương thành lập Ban quản trị tòa nhà, rồi trình lên các cấp có thẩm quyền phê duyệt” – ông Ngôn nói – “Ít ra, đó là quyền lợi chính đáng của hàng trăm hộ dân đang sống trong tòa nhà này”.

Rồi, nhìn sang nhà 17T10 bên cạnh, ông Ngôn ghen tị: cũng điều kiện như nhau, tại sao tổ bên đó (17T10) được thành phố cho 150m2 tầng 1 làm nơi sinh hoạt cộng đồng, trong khi tầng 1 nhà 17T11 được đem cho thuê kinh doanh, còn chúng tôi xin mãi chẳng được mét vuông nào, vì thế lần nào họp tổ thì cả đại diện phường và người dân đều phải đứng ngồi lổn nhổn ngay trên lối đi?.

Theo Bách Linh (Pháp Luật VN)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.