Nhiều người vẫn giữ những mã giá chỉ còn dăm ba nghìn đồng vì ngại càng xả hàng càng lỗ nặng. Các chuyên gia dự báo, 6 tháng tới bất động sản không phải là kênh đầu tư an toàn vì thị trường này vẫn chưa nhìn thấy cơ hội phục hồi.

Cuối năm ngoái, anh Nguyễn Hữu Trí chi gần 50 triệu đồng gom cổ phiếu NVN vì giá rẻ, 4.500 đồng một cổ phiếu. Lúc đó anh tin đã là đáy, không thể có giá rẻ hơn nên mới yên tâm nuôi. Thế nhưng đà giảm cứ mạnh dần. Đến tháng 6/2013, anh quyết định bỏ xó mớ hàng vì có bán cũng chẳng thu về được bao nhiêu. "Phiên ngày 5/7, NVN xuống còn 2.300 đồng, tiền của tôi xẹp xuống một nửa. Cứ mỗi lần định bán tôi lại thấy tiếc vì đằng nào cũng rẻ mạt rồi", anh Trí chia sẻ.

Nhà đầu tư Lê Hà Nam kể, cuối năm 2012 anh dành 100 triệu đồng tập tành mua chứng khoán. Hễ thấy con nào rẻ đều háo hức gom hàng, nhưng giờ anh lỗ nặng vì VCR và ASM. Mua hồi tháng 12/2012 với giá lần lượt là 2.800-8.700 đồng nhưng đến cuối tháng 6, hai mã này chỉ còn mua bán ở mức 1.700-6.800 đồng. "Tưởng rằng vớ được giá mềm nhưng rốt cuộc vẫn còn có thể rẻ hơn. Nuôi bao nhiêu cũng không bằng vài phiên lao dốc. Tôi đành xếp 2 mã này vào danh mục chờ chứ chẳng bán mua gì nữa", anh Nam cho hay.

Trường hợp của chị Hương, nhà đầu tư lâu năm tại Hà Nội cũng không khá hơn là bao. Chị đang giữ 6.000 cổ phiếu STL chỉ còn có trị giá hơn 18 triệu đồng. Trong khi cách đây khoảng 3 năm, chị từng phải bỏ tới gần 300 triệu để sở hữu.

Không ít nhà đầu tư vẫn cố giữ những mã địa ốc giá dăm ba nghìn đồng và chờ đợi. Ảnh: Hoàng Hà

Khi thấy giá cổ phiếu ngày một giảm, cộng thêm tình hình bất động sản không thuận lợi, nhà đầu tư này đã tính chuyện bán bớt để cắt lỗ. "Nhưng sau đó tôi lại nghĩ phải đợi nó hồi phục lại ít nhất 80% vốn ban đầu rồi mới bán. Ai ngờ càng về sau giá lại càng đi xuống, năm qua cũng không có cổ tức, sắp tới còn bị hủy niêm yết”, chị Hương than thở.

Theo khảo sát của VnExpress.net và đối tác cung cấp dữ liệu VNDirect, cổ phiếu bất động sản phân hóa thành hai nhóm rõ rệt, trong đó một nhóm sinh lãi cho nhà đầu tư khá cao, nhóm còn lại có thị giá giảm mạnh từ 11% đến trên 50% qua nửa năm. Tới 20 trên tổng số 66 mã địa ốc có giá dưới 5.000 đang niêm yết tại hai sàn giao dịch.

Cổ phiếu DRH của Công ty cổ phần Đầu tư Căn nhà Mơ ước hiện là mã có giá thấp nhất nhóm bất động sản, chỉ đạt 1.600 đồng, giảm 36% so với cuối năm 2012. Mã này cũng đang thuộc diện kiểm soát suốt 2 tháng nay và chỉ được giao dịch trong 15 phút đợt cuối.

Quý I vừa qua, lợi nhuận sau thuế công ty tăng 43% so với cùng kỳ năm trước, nhưng cũng chỉ đạt hơn 300 triệu đồng. Trong khi đó, vốn chủ sở hữu của Đầu tư Căn nhà Mơ ước lên tới 176 tỷ đồng. Công ty vẫn còn lỗ lũy kế trên 26 tỷ đồng.
Còn cổ phiếu STL của Công ty cổ phần Sông Đà – Thăng Long cũng mất hơn 30% giá trị, xuống còn 3.000 đồng vào ngày 1/7. Cuối tháng 7, cổ phiếu STL còn bị hủy niêm yết do lỗ lũy kế của công ty đến hết năm 2012 lên tới hơn 173 tỷ đồng. Quý I vừa qua, Sông Đà – Thăng Long lại tiếp tục lỗ hơn 14 tỷ đồng.

Mã có thanh khoản thấp nhất sàn trong nhóm bất động sản hiện nay là IDV của Công ty cổ phần Phát triển Hạ tầng Vĩnh Phúc. Nửa năm qua, khối lượng giao dịch của IDV chỉ đạt 13.300 cổ phiếu. Trong 10 phiên giao dịch liên tiếp gần đây, chỉ có 2 phiên duy nhất IDV có giao dịch, nhưng khối lượng cũng chỉ đạt hơn 2.000 cổ phiếu.

Đến ngày 31/3, công ty lỗ sau thuế hơn 860 tỷ đồng, lãi cơ bản trên một cổ phiếu IDV cũng giảm từ 896 đồng xuống 0 đồng. Giá cổ phiếu nửa năm qua mất 9,4%, xuống còn 17.200 đồng tại ngày 1/7.

Một chuyên gia phân tích tại Công ty Chứng khoán SHS nhận định, bất cứ cổ phiếu rẻ hay đắt, nhà đầu tư đều phải hiểu rõ bản chất hoạt động công ty niêm yết. Ngành bất động sản đang gặp khó khăn, nhưng nếu mức vay nợ không quá lớn, dòng tiền vẫn được cân đối thì có thể phần nào yên tâm đầu tư.

Chuyên gia này chỉ ra thực tế hiện nay xuất hiện nhiều công ty địa ốc vay nợ quá nhiều, thậm chí còn dùng tiền vay để đầu tư vào những dự án khác. Khi gặp khó khăn, các dự án không sinh lãi khiến doanh nghiệp đối mặt nguy cơ phá sản cao. Như vậy gây ảnh hưởng rất lớn đến người sở hữu cổ phiếu công ty, vị này nói.

Cũng theo vị này, nếu đang nắm trong tay cổ phiếu bất động sản, nhà đầu tư cần phải xem xét lại hoạt động công ty. Trường hợp doanh nghiệp niêm yết vẫn còn dòng tiền ổn định trang trải những chi phí bình thường trong lúc chờ đợi thị trường phục hồi mới xem xét nắm giữ, chuyên gia khuyến nghị.

Trưởng phòng phân tích Công ty chứng khoán KIS, Lê Đình Minh Phương khuyên, những nhà đầu tư nhỏ lẻ cần thận trọng khi ôm cổ phiếu địa ốc giá rẻ trong thời điểm này. Ông Phương cho hay, chỉ nên đưa ra các quyết định khi hiểu rõ tình hình hoạt động của doanh nghiệp.

Các chuyên gia chứng khoán phân tích, từ quý III đến cuối năm 2013 nhiều khả năng chưa nhìn thấy những hiệu ứng mạnh từ chính sách tác động lên thị trường bất động sản và khó khăn vẫn chồng chất. Có thể phải chờ đến tận năm sau mới xuất hiện tín hiệu tích cực. Hiện nay nhà đầu tư vẫn còn thiếu thông tin để đưa ra các quyết định liên quan đến nhóm cổ phiếu địa ốc.

Hà Thanh - Tường Vi (VnExpress)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.