UBND thành phố Hà Nội vừa chủ trương cho phép tư nhân mua gom biệt thự cũ trong các quận nội thành. Trên thực tế, nhiều đại gia đã vung tiền mua gom biệt thự, biến biệt thự của 5-6 gia đình thành sở hữu riêng.

Vì cái toilet không mua được biệt thự

Ưng vị trí đẹp trên phố Thợ Nhuộm (Hai Bà Trưng, Hà Nội), một doanh nghiệp kinh doanh bất động sản Hà Nội sẵn sàng bỏ ra mấy chục tỷ để mua lại căn biệt thự rộng 400m2 này.

Ông T - Giám đốc doanh nghiệp này cho biết: "Với doanh nghiệp kinh doanh dự án bất động sản, ưu tiên số một là vị trí vàng, sau đó mới là giá cả. Suốt mấy tháng trời chúng tôi cử nhân viên đi tìm các biệt thự cổ có hai mặt đường, mới tìm được căn biệt thự trên phố Thợ Nhuộm. Tìm được đã khó, nhưng khi thỏa thuận mua bán lại càng khó hơn".

Đầu năm 2010, ông T. đến gặp 6 hộ dân đang sở hữu chung căn biệt thự trên, trả giá 300 triệu đồng/m2 diện tích xây dựng, cao hơn cả giá nhà đất liền kề ngay cạnh biệt thự tới 50 triệu đồng/m2, các hộ đồng ý bán, nhưng cuối cùng vẫn không mua được chỉ vì cái toilet. "Khi tôi thỏa thuận giá cả, căn hộ giáp mặt đường có giá cao hơn căn hộ bên trong một chút, phần lối đi cũng được tính và chia đều cho các hộ nhưng riêng cái toilet rộng chừng 4m2 trị giá tiền tỷ, khiến các căn hộ sống trong biệt thự không biết chia thế nào".

Khác với trường hợp của ông T, ông Duy Khánh (68 tuổi) ngậm ngùi vì chỉ mua được 4/6 căn hộ trong ngôi biệt thự ngõ số 2 trên phố Thụy Khuê (Tây Hồ, Hà Nội).

Ông Khánh thừa hưởng 1 trong 6 căn hộ trong biệt thự của ông cha để lại chia cho con cháu. Ông Khánh cho biết: "Lúc anh chị em trong gia đình bán thì tôi không có tiền mua lại. Cách đây mấy chục năm họ chỉ bán có vài cây vàng một căn hộ. Sau này khi tôi có tiền mua lại thì mỗi căn hộ giá tới vài tỷ".

Hiện ông Khánh đã trả đến 500 triệu/m2 cho căn hộ rộng 30m2 dưới tầng 1 nhưng chủ nhân căn hộ nhất quyết không bán.

"Tôi sẵn sàng bỏ mấy chục tỷ ra mua lại căn hộ đó, vì đã mua hết các căn hộ còn lại mà lối đi vẫn phải đi qua căn hộ không phải của mình. Gia đình đó chỉ có hai vợ chồng về hưu nên họ cứ thích sống trong căn hộ biệt thự Pháp này, nhất quyết không chịu bán", ông Khánh tâm sự.

Mua xong bị lỗ

Cách đây ít lâu, một doanh nghiệp có tiếng trong giới bất động sản đã bỏ ra mấy chục tỷ mua ngôi biệt thự 500 m2 của một đại gia đình trí thức về hưu tại quận Hai Bà Trưng, giá hơn 4,5 triệu USD.

Việc mua bán diễn ra dễ dàng vì cả gia đình thống nhất về giá và quyết tâm bán, nhưng khi doanh nghiệp xin giấy phép gặp không ít vướng mắc về quy hoạch.

Ông H - Phó Tổng giám đốc doanh nghiệp này cho hay: "Lúc đầu chúng tôi xin giấy phép xây 28 tầng, nhưng không phù hợp quy hoạch vì nằm trong quy hoạch tầng cao của 4 quận nội thành. Sau đó chúng tôi xin hạ tầng cao xuống 9 tầng cho phù hợp quy hoạch lại vướng vào việc bảo tồn các căn biệt thự Pháp cổ của thành phố. Hiện căn biệt thự đã được phá dỡ một phần nhưng chúng tôi vô cùng đau đầu vì phải chờ ý kiến của thành phố".

Theo ông H, ông thực sự đau đầu, vì khoản tiền mấy chục tỷ nằm một chỗ không sinh lời. Hiện căn biệt thự này chỉ để cho nhân viên các doanh nghiệp gần đó vào gửi xe và thu tiền lẻ mỗi ngày.

Ông Bá Hoàng, chủ nhân ở biệt thự mặt ngõ trên đường Phan Đình Phùng kể: Sau khi bỏ ra mấy chục tỷ mua lại 4 căn hộ còn lại trong biệt thự đã cho thuê lại tầng 1 để bán cà phê. Ông Hoàng cho rằng, mua lại không phải để kinh doanh vì số tiền bỏ ra quá lớn.

"Tôi chỉ muốn tất cả các căn hộ trong biệt thự là của tôi mà không phải chịu cảnh chung lối đi, chung nhà vệ sinh nên mua lại chứ bây giờ mà bán lại toàn bộ biệt thự chỉ có lỗ thôi. Tôi cho thuê bán cà phê cho đỡ buồn chứ chẳng kinh doanh lãi lờ gì", ông Hoàng chia sẻ.

CafeLand.vn
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.