Trong 5 năm thị trường bất động sản khủng hoảng thừa, hàng tồn kho tăng cao, thanh khoản kém, nhiều "ông lớn" ngành này đã vượt bão nhờ nguồn thu từ những ngành tay trái.

Chủ tịch HĐQT một công ty bất động sản kinh doanh nhà cao cấp tại khu Nam TP HCM chia sẻ: "Mấy năm qua địa ốc hầu như chết đứng vì không bán được hàng, chúng tôi may mắn sống nhờ đội tàu biển. Nguồn thu đều đặn từ ngành này đã giúp doanh nghiệp lách qua khe cửa hẹp khi thị trường địa ốc đóng băng".

Vị này giải thích, trong hơn 3 năm qua, đội tàu biển của ông cứ tăng dần số lượng, trung bình mỗi năm sắm thêm 1-2 chiếc. Dòng tiền đổ vào đội tàu này đã lên đến hàng chục triệu USD, cứ xoay vòng 12-15 tháng là hoàn vốn. Khách hàng thường xuyên của ông là các doanh nghiệp có nhu cầu vận tải hàng hóa trong nước và quốc tế.

"Có thể báo cáo tài chính của chúng tôi ghi nhận bất động sản tồn kho hàng nghìn tỷ đồng nhưng công ty vẫn thu xếp được dòng tiền từ thị trường ngách là tàu biển và khai thác cát. Mai này khi doanh nghiệp sáp nhập các ngành tay trái về công ty mẹ, sẽ không còn lời ong tiếng ve nữa", ông giải thích.

Trong khi đó, Chủ tịch Công ty bất động sản đang tồn kho hơn 4.000 tỷ đồng tại TP HCM tiết lộ: "Hai năm qua, các dự án địa ốc của doanh nghiệp hầu như chưa bán được hoặc phải tiếp tục hoàn thiện hồ sơ pháp lý, tiêu tốn nhiều chi phí tài chính. Trong lúc thanh khoản sa sút, công ty sống nhờ nguồn thu từ một dự án thủy điện".

Vị lãnh đạo này cho hay, đập thủy điện của doanh nghiệp chỉ mới bắt đầu có doanh thu khiêm tốn từ năm 2012. Tuy không thể mang lại nguồn tài chính lớn như bất động sản thời hoàng kim nhưng miếng khi đói bằng gói khi no. "Trong những thời điểm căng thẳng nhất, doanh nghiệp đã dè xẻn tiêu dòng tiền từ thủy điện để xoay sở", bà bộc bạch.

Tàu biển cũng là ngành dịch vụ được đại gia địa ốc chọn để đa dạng nguồn thu trong lúc bất động sản đóng băng. Ảnh: baohaiphong

Bên cạnh hàng hải và thủy điện, nông sản được khá nhiều doanh nghiệp địa ốc chọn làm phao cứu sinh trong giai đoạn địa ốc suy thoái nặng nề. Công ty phát triển nhà Thủ Đức (Thuduc House) đã tận dụng chợ đầu mối có sẵn (Thuduc House làm chủ đầu tư) để xuất nhập khẩu nông sản đồng thời liên kết với những vùng nông nghiệp, mua bán nông sản và hỗ trợ nông dân. "Trong giai đoạn bất động sản còn nhiều khó khăn, ngành nông sản sẽ giúp doanh nghiệp có thêm thanh khoản để nuôi quân, chờ thị trường địa ốc hồi phục", Chủ tịch Thuduc House Lê Chí Hiếu cho biết.

Một ông trùm địa ốc khác tại TP HCM là Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) thậm chí còn thẳng tay loại các dự án bất động sản tại Việt Nam khỏi công ty mẹ và thoái vốn về công ty xử lý nợ (Công ty An Phú) để dồn toàn lực cho cây cao su, mía đường.

Năm 2013, lợi nhuận sau thuế của HAGL đạt 972 tỷ đồng, gấp 2,66 lần so với năm 2012, trong đó ngành bất động sản hầu như không mang lại đồng lợi nhuận nào còn nông nghiệp đã kịp thời cứu cánh, đóng góp 58,7% trong cơ cấu lợi nhuận gộp của tập đoàn. Dự kiến mảng nông nghiệp của HAGL sẽ tiếp tục tăng lên trong năm 2014 với việc doanh nghiệp ghi nhận doanh thu từ bắp, cọ dầu và nuôi bò công nghệ cao.

Ý tưởng thay đổi cấu trúc ngành nghề của các công ty địa ốc nhằm đa dạng nguồn thu khá tương đồng với gu đầu tư của một số công ty chứng khoán. Trong tháng 4 vừa qua, tại Đại hội cổ đông thưởng niên, Chủ tịch Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI), Nguyễn Duy Hưng nhận định: "Năm 2014 ngành bất động sản không đáng bận tâm nhưng nông nghiệp, dịch vụ, sản xuất hàng tiêu dùng sẽ là kênh đầu tư trọng điểm hấp dẫn nhất. Đây là bằng chứng cho thấy doanh nghiệp Việt Nam đã đi một bước rất dài và tìm ra lợi thế lớn từ nhóm ngành này".

Đánh giá về xu hướng dịch chuyển ngành nghề của các doanh nghiệp địa ốc, Chuyên viên tư vấn GIBC Huỳnh Phước Nghĩa nhận xét: "Do bất động sản quá khó khăn và thị trường nhà đất không đủ sức đáp ứng nhu cầu cấp bách về dòng tiền nên các doanh nghiệp có quyết định thay đổi cấu trúc ngành nghề tạm thời là hoàn toàn hợp lý".

Ông Nghĩa phân tích, sự linh hoạt này phần nào giúp các doanh nghiệp bất động sản cải thiện tình hình tài chính trong thời điểm "đói kém". Những ngành nghề có khả năng hỗ trợ các doanh nghiệp địa ốc có điểm chung là chu kỳ xoay vòng vốn nhanh, ngắn là dăm ba tháng, dài nhất cũng chỉ dừng lại ở ngưỡng 3-4 quý.

"Các đại gia địa ốc có thể bán bớt tài sản, thoái vốn khỏi ngành này trong ngắn hạn để săn tìm cơ hội mới ở các ngành sản xuất, dịch vụ, nông nghiệp. Với sự nhanh nhạy này, ít ra doanh nghiệp không bỏ lỡ chi phí cơ hội khi bất động sản khủng hoảng quá dài", ông Nghĩa nhận định.

Vũ Lê (VnExpress)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.