Hãy để cho các nhà đầu tư chiến lược tự đầu tư xây dựng và quản lý những khu kinh tế mới, và chỉ khi nào thật cần thiết hay có yêu cầu của nhà đầu tư (về việc giữ gìn an ninh, trật tự, chống đình công, bạo loạn...) thì Nhà nước mới giúp đỡ, can thiệp.

Một khu nghỉ dưỡng tại Phú Quốc, Kiên Giang. Ảnh: Thanh Tao

Đọc các bài viết về đặc khu kinh tế đăng trên TBKTSG, số ra ngày 10-7-2014, tôi không khỏi lo lắng. Cảm tưởng đầu tiên của tôi về tình hình hiện nay là mặc dù có phản đối về bệnh “phong trào” thể hiện qua nhiều đề xuất thành lập thêm đặc khu từ các địa phương và quan ngại về thành phần casino trong một số đặc khu, hầu như việc mở thêm là chuyện đương nhiên với điều kiện cần thiết là phải làm luật cho các đặc khu này.

Xét lại cách thức quy hoạch

Theo tôi, trước hết, cần phải xét lại cách thức quy hoạch các khu kinh tế và khu kinh tế tiêu biểu. Với 15 khu kinh tế ven biển và 28 khu kinh tế cửa khẩu đã được thành lập, có khu nào được quy hoạch trên cơ sở các đề án của nhà đầu tư có thực lực? Bệnh “duy ý chí” vẫn bám chặt với bệnh “phong trào”: các tỉnh/thành cứ nghĩ là địa phương mình sẽ thu lợi khi có khu kinh tế này, đặc khu kinh tế nọ để rồi tìm mọi cách xin Chính phủ phê duyệt, mà chẳng cần tìm hiểu là khu vực đó có các điều kiện cần thiết cho sự thành công hay không. Xem ra nhiều địa phương chưa “học” hay “không chịu học” từ sự thất bại của các khu công nghiệp đã được thành lập tràn lan trước đây. Phần lớn các khu kinh tế đã được quy hoạch theo kiểu duy ý chí đó: ta cứ xây rồi họ sẽ đến. Quy hoạch như thế nên các khu này không thu hút được nhà đầu tư là chuyện hiển nhiên, dù các đặc ân/ưu đãi hiện có đã khá tốt rồi.

Trước mắt, cần tập trung đầu tư xây dựng đặc khu kinh tế Phú Quốc một cách thật bài bản để khai thác hết các tiềm năng của nó.

Một trở ngại lớn do cách thức quy hoạch-xây dựng như trên gây nên là việc “ép” các nhà đầu tư vào các khu (công nghiệp, kinh tế...) đã duyệt, trái với các điều kiện thiết thực mà họ muốn tìm thấy. Việc “ép” này thường chỉ đưa lại thất bại vì nhà đầu tư sẽ đi tìm nơi khác, nước khác... Nguyên do của sự ép uổng này cũng dễ hiểu, bởi cơ quan chính quyền địa phương muốn chứng tỏ là mình đã chọn đúng nơi, đúng loại hình để lập nên các khu đó...

Vì số khu kinh tế được thành lập đã quá dư thừa đối với số lượng nhà đầu tư nước ngoài có tiềm năng cho cả nước, nên việc cần làm ngay là phải rà soát lại để loại bỏ các khu kinh tế không (hay khó) có cơ hội thành công. Việc làm này tương đối khó về tâm lý, nhưng đó là điều mà Chính phủ cần làm để chấm dứt việc rót tiền của Nhà nước vào các dự án mà chắc chắn là không thể có hiệu quả kinh tế. Sau khi loại bỏ các khu “xấu”, Chính phủ phải sắp thứ tự ưu tiên các khu còn lại, từ ưu tiên 1 đến ưu tiên 5 chẳng hạn, rồi tập trung đầu tư xây dựng cũng như thu hút đầu tư từ nước ngoài. Phải chờ đến khi một khu ưu tiên cao đủ sức tiếp tục phát triển (như có chừng 50 nhà máy đã hoạt động) thì khu có ưu tiên tiếp theo mới được tập trung đầu tư xây dựng và thu hút đầu tư tiếp. Làm như thế ta sẽ tránh được sự cạnh tranh không lành mạnh dẫn đến sự chết non của toàn bộ hay phần nhiều khu kinh tế.

Trước mắt tập trung đầu tư cho Phú Quốc

Có ba khu kinh tế tiêu biểu gồm Vân Đồn thuộc tỉnh Quảng Ninh (miền Bắc), Bắc Vân Phong thuộc tỉnh Khánh Hòa (miền Trung) và Phú Quốc thuộc tỉnh Kiên Giang (miền Nam) là quá đủ cho tình hình đầu tư hiện tại.

Đối với Vân Đồn, ngoài việc thiếu cơ sở hạ tầng cần thiết (sân bay) và chính sách áp dụng cho casino, khoản tiền 12 tỉ đô la Mỹ cần cho việc xây dựng không dễ gì có được. Mà nếu có, liệu ta có nên đổ vào dự án này không? Trong cuộc viếng thăm ngắn ngủi vừa qua, nhận biết chắc là vùng đất này không thích hợp cho phát triển công nghiệp, tôi sợ rằng việc đầu tư vào khu này sẽ chỉ tập trung vào du lịch, casino, các dịch vụ liên hệ... Do địa hình phức tạp lại phân bố rời rạc trên nhiều đảo nhỏ, chi phí xây dựng hạ tầng sẽ rất cao và việc quản lý tập trung cũng sẽ khó khăn. Vì thế, hiệu quả kinh tế sẽ không cao. Nên chăng ta chọn một địa điểm khác đã có sẵn các cơ sở hạ tầng thiết yếu để thành lập bước đầu dự án rồi dần dần mở rộng ra...?

Đối với Bắc Vân Phong, nằm về phía bắc, cách thành phố Nha Trang khoảng 50-60 ki lô mét, khi đến khảo sát sơ bộ năm vừa rồi, tôi thấy đó là một vùng đất trống trải, trơ trọi, hoang vu... không có giá trị cho sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, vùng đất này cao ráo, có nền móng tốt nên có thể thích hợp cho việc xây dựng một đô thị công nghiệp. Thế nhưng, để có thể hình thành được một đô thị như thế, ta cần một cơ sở công nghiệp khá lớn như cảng biển, nhà máy điện... để làm lực đẩy (driving force). Vấn đề nhân lực, kể cả lực lượng lao động phổ thông cũng cần được đặc biệt quan tâm khi triển khai dự án này.

Đảo Phú Quốc lớn gần bằng đảo quốc Singapore, có một vị thế rất tốt và còn tốt hơn nhiều khi Thái Lan xây dựng thành công đường cao tốc (hay kênh đào) nối liền biển Andaman và vịnh Thái Lan, rút ngắn đường vận tải hàng hóa giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương và tránh nạn cướp biển xảy ra khá thường xuyên ở eo biển Malacca (giữa Malaysia và Singapore). Lúc đó, đường giao thông hàng hải quốc tế với hơn 60.000 tàu bè qua lại mỗi năm (chuyên chở khoảng một phần tư tổng lượng hàng hóa mậu dịch toàn cầu) sẽ đến gần với Phú Quốc. Thế nên, cần tập trung đầu tư xây dựng đặc khu kinh tế này một cách thật bài bản để khai thác hết các tiềm năng của nó.

Còn lại để tư nhân tự làm

Điểm cuối cùng tôi muốn đề cập là ngoài những khu kinh tế hay khu kinh tế tiêu biểu đã được phê duyệt, Chính phủ không nên đầu tư xây dựng thêm bất cứ một khu nào khác bằng ngân sách nhà nước. Giai đoạn đầu tư xây dựng những khu trọng điểm kinh tế đã qua rồi. Bây giờ Chính phủ chỉ nên đầu tư vào các dự án có hiệu quả kinh tế cao để giúp nền kinh tế nước nhà tiếp tục phát triển. Còn đối với các khu mới, Chính phủ nên để cho nhà đầu tư (xây dựng cơ sở hạ tầng và tiện ích) chọn lựa địa điểm và diện tích thích hợp rồi đề xuất, trên nguyên tắc là toàn bộ cơ sở hạ tầng và tiện ích bên trong “hàng rào” của một khu như thế sẽ do nhà đầu tư bỏ tiền xây dựng. Nhà đầu tư sẽ kiến nghị Chính phủ cho thêm một số ưu đãi hay đặc quyền ngoài các ưu đãi quy định cho các khu kinh tế đương nhiên được áp dụng cho nhà đầu tư hiện nay và Chính phủ sẽ xem xét theo từng trường hợp cụ thể. Làm như vậy, nhà nước khỏi phải bỏ ra một khoản tiền khá lớn để xây dựng trong khi chưa biết hiệu quả hay không. Hơn thế nữa, cũng không phải tốn phí thì giờ và tài lực để làm luật cho các đặc khu kinh tế, vì chắc chắn là nước ta không nên có nhiều đặc khu có hiệu quả kinh tế cao đáng để thành lập.

(TS. Huỳnh Ngọc Phiên từng có bảy năm làm Tổng giám đốc khu công nghiệp Amata tại thành phố Biên Hòa, Đồng Nai)

Huỳnh Ngọc Phiên (TBKTSG)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.