Nhiều khả năng cuối quý I, đầu quý II/2013, việc tổng tấn công nợ xấu sẽ được thực thi. Trách nhiệm chính của xử lý nợ xấu được chia đều cho Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và Bộ Tài chính, một bên gánh trách nhiệm nợ xấu ngân hàng, một bên gánh nợ xấu của khối doanh nghiệp nhà nước (DNNN).

Công ty quản lý tài sản ra đời ngay trong tháng 1/2013

Theo Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ vừa được ban hành, trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các thành viên Chính phủ và của Bộ Chính trị, NHNN phải khẩn trương hoàn thiện Đề án xử lý nợ xấu và Đề án thành lập Công ty Quản lý tài sản Việt Nam để trình Thủ tướng phê duyệt. Nghị quyết cũng giao nhiệm vụ cho NHNN ngay trong tháng 1/2013 phải hoàn thiện, trình Chính phủ xem xét, ban hành nghị định về tổ chức và hoạt động của Công ty Quản lý tài sản Việt Nam.

Một lãnh đạo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia khẳng định, khả năng Công ty Quản lý tài sản sẽ ra đời ngay trong tháng 1/2013 và việc triển khai mua bán nợ xấu sẽ được thực hiện ngay trong quý I. Để giúp các ngân hàng dễ dàng xử lý tài sản đảm bảo, thu hồi nợ nhanh chóng, Chính phủ cũng đã giao Bộ Tư pháp, ngay trong quý I/2013 phải phối hợp với các bộ, ngành ban hành thông tư liên tịch về xử lý tài sản đảm bảo, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện các quy định về bán, xử lý tài sản đảm bảo.

Cùng với hoàn thiện khung khổ pháp lý về xử lý nợ xấu, Chính phủ cũng giao NHNN phải tổng rà soát, phân loại lại nợ xấu để đưa ra các giải pháp xử lý phù hợp nhất với từng loại hình. Các ngân hàng thương mại phải chủ động triển khai các giải pháp tự xử lý nợ xấu. Trên cơ sở đánh giá chất lượng các khoản nợ, các ngân hàng phải phân loại khoản nợ nào có thể tự xử lý, khoản nợ nào có thể cơ cấu lại để tiếp tục hỗ trợ DN vay vốn, khoản nợ nào phải bán lại cho Công ty Quản lý tài sản Việt Nam…

Dù phương án, cách thức mua nợ của Công ty Quản lý tài sản Việt Nam chưa được NHNN công bố, song theo TS. Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, số tiền ban đầu mà Công ty cần là không lớn, do Công ty hoạt động trên nguyên tắc tối thiểu hóa chi phí của Nhà nước. Công ty Quản lý tài sản Việt Nam có thể phát hành trái phiếu để mua nợ, giúp bảng cân đối tài sản của ngân hàng trở nên đẹp đẽ, giúp ngân hàng hoạt động bình thường.

Nhiều nguồn tin cũng cho hay, theo phương án mà NHNN đang xây dựng, Công ty Quản lý tài sản Việt Nam sẽ mua các khoản nợ của ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, các ngân hàng bán nợ sẽ không nhận được tiền tươi, mà chỉ được nhận một loại giấy tờ có giá như trái phiếu, tín phiếu, giấy chứng nhận mua nợ… Việc bán nợ này không chỉ giúp ngân hàng làm sạch bảng cân đối tài sản, có thể tăng trưởng tín dụng trở lại, mà còn có thể đem giấy tờ này làm tài sản cầm cố để vay tiền của NHNN với lãi suất thấp.

DATC sẽ tham gia xử lý nợ xấu của DNNN

Nợ xấu của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hiện chiếm trên 50% nợ xấu của toàn hệ thống. Đây là lý do mà Nghị quyết 02 đã yêu cầu, Bộ Tài chính phải xây dựng và triển khai phương án xử lý nợ xấu của DNNN trong quá trình thực hiện cơ cấu lại DNNN. Đơn vị này cũng phải chủ trì, phối hợp với NHNN và các bộ, ngành liên quan xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cơ chế, phương án xử lý nợ xấu xây dựng cơ bản và nợ xấu cho vay các đối tượng chính sách (của Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng Phát triển Việt Nam).

Theo định hướng của Chính phủ, Công ty Mua bán nợ và tài sản tồn đọng của DN (DATC) và Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) sẽ phải khẩn trương hoàn thiện mô hình để tăng năng lực quản lý vốn Nhà nước, hỗ trợ tái cơ cấu các DNNN. Đặc biệt, DATC sẽ được bổ sung nguồn lực để tham gia tái cơ cấu DNNN và góp phần xử lý nợ xấu của các ngân hàng thương mại.

Để hỗ trợ việc xử lý nợ xấu, Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Tài chính đưa ra các chính sách về miễn, giảm thuế, phí liên quan đến mua bán nợ và các tài sản bảo đảm.

Theo Thùy Liên (Báo Đầu tư)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.