Tiếp tục kiến nghị cho sở hữu tư nhân về đất đai bên cạnh sở hữu toàn dân. Chín tháng vừa qua Đà Nẵng chỉ thu được 900 tỉ đồng từ đất đai trong khi kế hoạch cả năm 2012 phải thu 3.000 tỉ đồng.

Đây là những thông tin được nêu ra tại cuộc làm việc của chính quyền TP Đà Nẵng với đoàn khảo sát Bộ KH&ĐT về tổng kết, sửa đổi Hiến pháp 1992, chiều 8-10. Theo đó, một vấn đề mà Đà Nẵng cũng như nhiều địa phương đang phải đối mặt là việc bị thâm hụt nguồn thu từ đất đai do sự đóng băng của thị trường bất động sản. Trong chín tháng vừa qua, TP chỉ thu về được 900 tỉ đồng/3.000 tỉ đồng được giao thực hiện trong năm 2012 (năm 2010 thu được 4.500 tỉ đồng và năm 2011 thu được 5.100 tỉ đồng). Để thúc đẩy nguồn thu từ đất đai, TP Đà Nẵng còn thành lập các phiên đấu giá đất. Bảng giá đất của TP hiện cũng đã được giảm tới 40%.

UBND TP Đà Nẵng cũng cho biết hiện TP đã thực hiện lập quản lý và quy hoạch tới 90% đất đai trên địa bàn, trong đó đất ở đạt 86%. Trong quy hoạch của mình TP Đà Nẵng luôn linh hoạt có sự thay đổi cho phù hợp với tình hình thực tế. “Có như vậy trong 10 năm, chúng tôi đã thực hiện giải tỏa trắng và quy hoạch được hơn 95.000 hộ dân, nhường đất cho 1.000 dự án của TP. Điều quan trọng là trong quá trình giải tỏa chúng tôi không mắc phải các khiếu kiện đông người” - ông Trần Văn Toán, Phó Giám đốc Sở TN&MT, cho hay. Về cơ bản đến năm 2014, Đà Nẵng sẽ không còn tình trạng bồi thường, giải tỏa mà chỉ là sự điều chỉnh, giải tỏa nhỏ. Các công trình trọng điểm của TP sẽ hoàn thành trước năm 2014.

Theo ông Võ Duy Khương, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, trong một chừng mực nào đó cần phải có cả sở hữu tư nhân về đất đai. Ảnh: TD

Ông Võ Duy Khương, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, cũng đưa ra một số kinh nghiệm của TP Đà Nẵng trong việc giải tỏa bồi thường để tránh xung đột với người dân như: Trước khi giải tỏa thì họp dân, nếu có tới 80% dân số vùng giải tỏa đồng thuận thì sẽ tiến hành; khi giải tỏa đất của người dân thì sẽ hỗ trợ tiền thuê nhà và bố trí giá đất tái định cư hợp lý để người dân có thể sinh sống ổn định tại nơi mới; người ở độ tuổi lao động sẽ được đào tạo nghề; học sinh vùng giải tỏa sẽ được miễn, giảm học phí...

Tại cuộc họp, liên quan đến vấn đề sở hữu đất đai hiện nay, ông Khương bày tỏ quan điểm: “Sở hữu toàn dân về đất đai nhiều khi không minh bạch. Người dân được giao đất sử dụng nhưng anh (Nhà nước - PV) muốn lấy khi nào thì lấy đã dẫn đến một số xung đột giữa Nhà nước với dân. Bởi vậy mà trong một chừng mực nào đó cần phải có cả sở hữu tư nhân về đất đai”.

Đồng tình với quan điểm này, Trưởng đoàn khảo sát - Phó Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (Bộ KH&ĐT) Võ Trí Thành cũng phân tích: “Việc chủ động thu hồi của Nhà nước trong vấn đề đất đai nhiều khi dễ sinh ra lạm dụng, thiếu minh bạch. Trên thực tế đã cho người dân mua bán, giao dịch về đất đai thì bản chất đấy đã là có sở hữu tư nhân”.

Ông Khương cũng nhấn mạnh nếu cho sở hữu tư nhân về đất đai thì Nhà nước phải có sự hạn chế nhất định trong quyền định đoạt đất đai của tư nhân. “Điều này nhằm tránh tình trạng tư nhân có thể bán đất cho bất kỳ ai, đặc biệt là các tổ chức nước ngoài, người nước ngoài” - ông Khương nói.

Trước đó, tại một hội nghị tổng kết thi hành Hiến pháp 1992 tổ chức cuối năm 2011, Đà Nẵng đã kiến nghị cần xem xét cho sở hữu tư nhân về đất đai bên cạnh sở hữu nhà nước và sở hữu tập thể. Đến Hội nghị Trung ương 5 (tháng 5-2012), Trung ương đã quyết nghị phải tiếp tục khẳng định đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi trình QH tại kỳ họp tới cũng tiếp tục thể hiện quan điểm này.

Theo Lê Phi (PLTP)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.