Thực tế triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản cho thấy, kết quả không như mong đợi, thậm chí một số giải pháp đang bị coi là đi vào “ngõ cụt”.

“Bơm” tiền nhỏ giọt và chưa trúng

Để “giải cứu” thị trường bất động sản khỏi vào tình trạng đóng băng kéo dài, giải pháp được cho là mạnh tay nhất trong Nghị quyết số 02/2013 là Chính phủ quyết định bỏ ra 30.000 tỷ đồng để hỗ trợ thị trường, trong đó bao gồm cả DN và người dân. Tuy nhiên, sau 3 tháng triển khai (từ 1/6/2013), theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, chỉ có 299 khách hàng là cá nhân được cam kết cho vay, với tổng số tiền 93,6 tỷ đồng; 3 DN được xác nhận cho vay tổng cộng 708 tỷ đồng.

Trong khi hàng tồn kho bất động sản lên đến 108.000 tỷ đồng (tính đến hết quý II/2013), gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng cũng được xác định dùng cho giải phóng hàng tồn kho, thì rất ít DN có hàng tồn kho được tiếp cận với nguồn vốn này. Thay vào đó, hàng chục dự án nhà ở xã hội đang còn nằm trên giấy, thậm chí chưa hề có đất “sạch” lại được giới thiệu đủ điều kiện để vay vốn ngân hàng hưởng ưu đãi.

Bộ Xây dựng đang xây dựng quy định bắt buộc các dự án bất động sản phải mua bảo hiểm nhà ở

“Ăn” theo đó là 50 dự án xin chuyển đổi từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội để được hưởng nguồn vốn từ gói 30.000 tỷ đồng. Mặc dù số dự án được chuyển đổi không nhiều (Hà Nội mới có 2/21 dự án được chuyển đổi), nhưng có dự án chưa được chuyển đổi vẫn được Bộ Xây dựng giới thiệu vay vốn ưu đãi. Theo nguyên tắc mà Bộ Xây dựng đã từng công bố là dự án nào đến trước thì được vay trước, dư luận đang đặt câu hỏi: Có hay không hiện tượng xin - cho trong việc xét duyệt dự án được vay vốn ưu đãi của ngân hàng? Cho đến thời điểm này, dù đã được chuyển đổi thì vẫn chưa có dự án nào tiến hành xây dựng.

Chia nhỏ diện tích… phải chờ

Với mong muốn giải phóng hàng tồn kho, hàng loạt DN và cả Hiệp hội Bất động sản TP. HCM đã kiến nghị cho phép chia nhỏ hoặc xây dựng mới những căn hộ có diện tích 25 m2 để đáp ứng nhu cầu của người thu nhập thấp; đồng thời, không bó cứng ở điều kiện căn hộ 70 m2 trở xuống và giá bán thấp hơn 15 triệu đồng/m2 mới được vay vốn ưu đãi, mà cho phép cả những căn hộ lớn hơn 70 m2 (chiếm phần lớn trong số lượng căn hộ tồn kho) có giá dưới 15 triệu đồng/m2 cũng được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi 30.000 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng kiến nghị Chính phủ mở rộng đối tượng cũng như nới thêm điều kiện cho phép người nước ngoài được mua nhà tại Việt Nam như chỉ cần có visa 3 tháng trở lên, đồng thời được sở hữu không hạn chế số lượng, được mua bán, chuyển nhượng…, nhằm thu hút ngoại hối từ Việt kiều và người nước ngoài, đồng thời giúp làm tan băng phân khúc căn hộ cao cấp.

Tuy nhiên, theo Thông báo tại phiên họp thứ 11 của Ban Chỉ đạo Trung ương về chính sách nhà ở và thị trường bất động sản do Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chủ trì mới đây, cả hai kiến nghị trên đều không được đề cập. Một cán bộ của Bộ Xây dựng cho biết, kiến nghị cho chia nhỏ căn hộ sẽ được xem xét khi sửa đổi, bổ sung Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản trình Quốc hội vào năm sau. Với kiến nghị nới điều kiện cho người nước ngoài mua nhà thì Chính phủ cũng phải trình Quốc hội thông qua, chứ không thể quyết định được.

Thêm một giải pháp khó triển khai

Nhằm góp phần tạo dựng niềm tin để khách hàng quay trở lại thị trường, Bộ Xây dựng đang xây dựng quy định bắt buộc các dự án bất động sản phải mua bảo hiểm nhà ở. Theo dự thảo quy định mới này, tiền bảo hiểm sẽ được tính vào giá căn hộ để trong trường hợp chủ đầu tư sử dụng vốn sai mục đích, mất khả năng thanh khoản thì khách hàng sẽ không mất tiền do đã mua bảo hiểm.

Tuy nhiên, ngay khi thông tin trên được tiết lộ thì không chỉ các DN xây dựng, mà nhiều chuyên gia cũng nhận định, quy định bắt buộc các dự án bất động sản phải mua bảo hiểm nhà ở cho người mua nhà là khó khả thi. Ngay cả các DN bảo hiểm cũng cho rằng, quy định này khó có thể triển khai trong thực tế.

Minh Nhật (Đầu tư chứng khoán)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.