Sau 18 tháng nắng hạn, "ao" bất động sản đã "cạn" tới đáy và đang khao khát được bơm thêm tiền.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho rằng, "hiện nay, bất động sản đang ở vùng đáy". Nhiều chuyên gia khác cũng nhìn nhận đây là thời điểm tốt để mua vào, ngay trước khi dòng tín dụng mới đổ vào xoay chuyển tình thế. Tuy thế, nhiều nhà đầu tư vẫn còn tâm lý "chim sợ cành cong" nên chưa muốn tham gia thị trường lúc này.

Bị vắt kiệt vì lãi suất

Thông tin mới nhất từ Sở Xây dựng Hà Nội cho thấy, sau 18 tháng "đóng băng", thị trường bất động sản (BĐS) Hà Nội đã rơi xuống tới đáy. Mặc dù, tại các dự án phát triển nhà ở cũng như đất thổ cư, giá giảm khá mạnh, nhưng giao dịch vẫn rất thưa thớt. Nhiều quận, huyện hoàn toàn không ghi nhận được giao dịch nào từ cả các sàn giao dịch cũng như cơ quan thuế. Một số địa chỉ có nhiều dự án BĐS, vốn rất sôi động thời điểm 2009-2010 như: Hoài Đức, Từ Liêm, Đan Phượng thì nay chỉ giao dịch lẻ tẻ.

Trước tình hình bi đát, trong khi đa số các nhà đầu tư tư nhân tự "đóng cửa", nằm nhà chờ đợi cơ hội, các sàn giao dịch và doanh nghiệp BĐS lại không may mắn như vậy.

Ông Nguyễn Minh Quang, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị - UDIC thừa nhận, cung BĐS đã "vượt cầu nhiều lần". Ông cho rằng, "mình sắp nguy tới nơi" khi có tới 18/27 doanh nghiệp trực thuộc hầu như không tăng trưởng. Nhiều doanh nghiệp liên tục than thở về chuyện thiếu vốn cho các dự án hoặc bị ngân hàng "vắt kiệt" vì trót vay lãi suất cao. Giám đốc một công ty (đề nghị không nêu tên) kêu trời: "Huy động vốn từ dân và các nhà đầu tư giờ cực kỳ khó khăn bởi không ai thèm mua. Dự án gần khu Trung Hòa – Nhân Chính của chúng tôi phải vay ngân hàng với lãi suất cao để thanh toán tiền sử dụng đất và chỉ 8 tháng sau là vốn doanh nghiệp "bay" hoàn toàn".

Thời điểm mua vào?

Hơn 1 tháng trở lại đây, nhiều thông tin vĩ mô có lợi cho BĐS đã liên tiếp được công bố. Nhiều doanh nghiệp sẽ được gia hạn hoặc giảm 50% tiền sử dụng đất phải nộp của năm 2012. Trần lãi suất huy động giảm về 11% và dự báo còn giảm nữa. 5 tháng đầu năm, nhiều ngân hàng đang trong tình trạng tăng trưởng tín dụng âm nên trong 7 tháng còn lại, để đạt mức tăng trưởng như kế hoạch, các ngân hàng sẽ phải giải ngân hàng trăm nghìn tỷ đồng. Ngoài ra, còn rất nhiều tin tốt như sẽ giải ngân nốt 120.000 tỷ đồng vốn đầu tư công; có thể thành lập quỹ hỗ trợ cho vay đối với những đối tượng thu nhập trung bình để mua nhà ở; kiến nghị đưa một số dự án, doanh nghiệp BĐS vào diện miễn, giảm thuế giá trị gia tăng... Nhiều chuyên gia kỳ vọng, nguồn vốn lớn bơm vào thị trường sẽ giúp giải tỏa một lượng lớn BĐS đang ứ đọng hiện nay. Bộ trưởng Bộ Xây dựng phân tích thêm: "Nguồn vốn tín dụng dồi dào, lãi suất thấp sẽ ảnh hưởng tốt đến thị trường, nếu vốn ít, lãi suất cao thì có tác động không tốt. Vốn tín dụng rất quan trọng, nhưng nguồn cung phải ổn định, lãi suất thấp và đặc biệt là phải hướng tới người mua nhà". Ông cũng nhấn mạnh, người mua phải được ưu đãi lãi suất mới có khả năng tiếp cận nguồn vốn. Đồng thời, phải cơ cấu lại hàng hóa bất động sản, tăng tỷ trọng nhà ở có quy mô vừa và nhỏ là những phân khúc phù hợp với nhu cầu thị trường hiện nay.

Cho rằng, giá trị các giao dịch bất động sản thời điểm này đã khá hợp lý, ông Vũ Xuân Thiện, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) nói: "Nếu có tiền, tôi sẽ mua nhà vào thời điểm này. Hiện cơ bản các dự án đang triển khai bán hàng là giá trị thực".

Dù chưa có cơ sở để đánh giá, nhưng chuyên gia này hy vọng cuối năm thị trường sẽ tốt lên. Bởi ngân hàng đã giảm lãi suất, một số đã cho vay BĐS. Bộ Xây dựng cũng vừa ký hợp đồng nguyên tắc với Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam áp dụng lãi suất 14% cho vay để đầu tư BĐS. Đây cũng là cơ hội để thị trường có thể phát triển trong những tháng cuối năm... Trả lời câu hỏi tương tự về triển vọng thị trường, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng tỏ ra thận trọng hơn: "Giờ đã có tín hiệu sáng hơn, số lượng các giao dịch đã tăng. Tuy nhiên, trong năm 2012, thị trường bất động sản vẫn còn nhiều khó khăn. Nếu mua nhà để ở thì nên tìm kiếm các sản phẩm phù hợp với khả năng tài chính của mình, còn nếu để kinh doanh thì cần nghiên cứu kỹ hơn".

Bình tĩnh, nhìn toàn diện

Bất chấp những lời hô hào trên từ phía các chuyên gia và cơ quan chức năng, nhiều nhà đầu tư vẫn tỏ ra băn khoăn khi tìm kiếm cơ hội gia nhập thị trường. Sau nhiều lần "mắc bẫy", các nhà đầu tư giờ đây khá dị ứng với những lời khuyên kiểu như "bất động sản đang ấm lên" hay "cứ mua đi, kiểu gì cũng lãi"... Anh Nguyễn Anh Thái, một nhà đầu tư than thở: "Những câu đại loại như "nếu có tiền, tôi sẽ mua nhà vào lúc này" hay "có tiền tôi sẽ mua chứng khoán, chắc sẽ thắng to"... nghe quen lắm. Hôm trước còn nói thị trường "đóng băng", hôm sau lại nói "ấm lên ở phía Tây", thậm chí là "bất động sản rậm rịch tăng giá", nghe rất phản cảm. Đến thịt lợn để tủ lạnh cũng còn phải mất thời gian rã đông nói gì tới nhà đất. Nhiều người như tôi vẫn nghĩ giá đất còn có thể giảm nữa nên nói thật là có nhu cầu ở thì mua ngay chứ đầu tư thì chưa biết thế nào".

Chia sẻ với các doanh nghiệp, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho rằng, đây là thời khắc rất khó khăn. Hiểu tâm tư của các doanh nghiệp, nhà đầu tư, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng đưa ra lời khuyên: "Lúc này, các doanh nghiệp, nhà đầu tư cần bình tĩnh, nhìn toàn diện, tổng thể thị trường, phân tích các nguyên nhân, tồn tại của thị trường và phải can đảm, phải vững vàng để vượt qua khó khăn, chứ không ngã lòng, chán nản. Ngoài ra, phải khôn ngoan lựa chọn các giải pháp như cấu trúc lại doanh nghiệp, cơ cấu lại sản phẩm cho phù hợp với nhu cầu hoặc liên doanh liên kết để trụ vững, cùng nhau vượt qua khó khăn".

Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng tỏ ra thận trọng:

"Giờ đã có tín hiệu sáng hơn, số lượng các giao dịch đã tăng. Tuy nhiên, trong năm 2012, thị trường bất động sản vẫn còn nhiều khó khăn. Nếu mua nhà để ở thì nên tìm kiếm các sản phẩm phù hợp với khả năng tài chính của mình, còn nếu để kinh doanh thì cần nghiên cứu kỹ hơn".

Theo DĐDN
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.