Tuần qua, Bộ Xây dựng đã đạt được một thỏa thuận với ngân hàng về một gói tín dụng 2000 tỷ đồng với lãi suất thấp bằng lãi suất vay vốn ưu đãi của Chính phủ từ Ngân hàng phát triển Việt Nam để xây dựng nhà ở cho người thu nhập thấp và nhà ở công nhân.

Bộ Xây dựng hy vọng, tiếp theo sẽ có thêm nhiều ngân hàng tham gia bơm vốn giá rẻ cho các DN, từ đó tạo nên một bước đột phá mới cho chương trình phát triển nhà ở cho người thu nhập thấp. Mong đợi như thế cũng là dễ hiểu nếu biết rằng; đến cuối năm mới chỉ có khoảng 8.000 người được dọn đến nhà mới tại các dự án nhà thu nhập thấp. Trong khi đó, theo kế hoạch năm 2011 cả nước có 42 dự án nhà cho người thu nhập thấp khởi công, đáp ứng cho khoảng 73.000 người. Nhưng việc tiến độ xây dựng ì ạch, giá cả lại tăng cao khiến người dân rất thất vọng. Con số này chỉ hơn 1% kế hoạch đề ra.

Ngay tại buổi lễ ký kết, ngoài đại diện Bộ Xây dựng thì cũng có mặt nhiều các DN xây dựng từ các tập đoàn lớn cho đến các DN tư nhân, từ những DN đang có dự án triển khai đến những đơn vị mới có ý định tham gia. Tất cả đều bày tỏ mong muốn tham gia để sớm vay được vốn rẻ để xây dựng nhà và cam kết sẽ giảm giá nhà thu nhập thấp xuống thấp hơn nữa.

Thái độ hào hứng của nhiều DN trước sự kiện này đã cho thấy khó khăn trong phát triển nhà thu nhập thấp từ vốn cho tới chính sách ưu đãi. Ngay tại đây, cả lãnh đạo Bộ Xây dựng và các DN đã phản ánh một thực tế buồn về chính sách phát triển nhà thu nhập thấp với thực trạng đề ra nhưng không thực hiện là nguyên nhân khiến việc xây nhà cho người thu nhấp thấp không được như mong đợi.

Trước hết là vốn, theo chính sách thì các chủ đầu tư xây nhà thu nhập thấp sẽ được xay vốn ưu đãi của Chính phủ từ Ngân hàng Phát triển với lãi suât thấp hơn nhiều so với mặt bằng. Tuy nhiên, dù đã có hàng loạt dự án được triển khai với nhu cầu vốn đầu tư lên đến hàng ngàn tỷ đồng nhưng ngân hàng này chỉ đáp ứng được mấy trăm tỷ nhưng cũng giải ngân chậm và nhỏ giọt. Các dự án muốn triển khai đành phải chấp nhận đi vay vốn ngân hàng với lãi suất thương lên đến 19 - 20%.

Cũng theo quy định, các chủ đầu tư áp dụng thuế giá trị gia tăng VAT bằng 0, được miễn giảm thuế TNDN... Tuy nhiên, việc miễn giảm thuế cũng chỉ thực hiện được năm đầu nằm trong thẩm quyền của Chính phủ, còn các năm tiếp theo thì phải trình cấp cao hơn quyết định nhưng việc này còn phải chờ.

Thiết thực nhất là miễn tiền sử dụng đất. Tuy nhiên, theo quy định thì DN phải được giao đất sạch nhưng chỉ một vài địa phương cấp tỉnh thực hiện được. Còn tại thành phố lớn như Hà Nội thì chủ đầu tư phải gánh cả tiền đền bù với chi phí rất cao...

Chính vì thế, đã khiến cho giá nhà thu nhập thấp bị đẩy lên quá cao, sát với giá thị trường. Thậm chí, có dự án ở Hà Nội cao ngang ngửa dự án nhà thương mại ở Tp Hồ Chí Minh. Vì thế mới có cảnh, người thu nhập thấp vất vả tranh nhau để đăng ký được suất mua nhà, đến khi có nhà thì bỏ chạy vì không có đủ tiền mua vì giá nhà quá cao.

Với nguồn vốn mới và cam kết lãi suất thấp như gỡ được cái khó cho DN nên nhiều chủ dự án đã tuyên bố có thể giá nhà có thể giảm từ 12 - 18%. Thậm chí có những chủ đầu tư cam kết giá nhà chung cư thu nhập thấp ở các tỉnh sẽ xuống dưới 10 triệu đồng. Bên cạnh đó, nhiều DN lớn cũng cho biết, họ sẽ tham gia đầu tư nhà chung cư thu nhập thấp, nhà công nhân khi nhận được các hỗ trợ như trên.

Mới chỉ một nguồn vốn 2000 tỷ, còn ít so với nhu cầu vốn hàng chục ngàn tỷ cần để phát triển nhà thu nhập thấp nhưng đã kích thích được rất nhiều DN. Bất chấp, hàng loạt chính sách ưu đãi về thuế, đất đai... vẫn chưa được tháo gỡ và thị trường nhà đất vẫn chưa hề có dấu hiệu khởi sắc.

Tác động tích cực là thế, mà nhà thu nhập thấp thì đâu có thuộc lĩnh vực hạn chế cho vay mà sao sao điều này không được làm sớm hơn để thúc đẩy một chương trình lớn, có nhiều ý nghĩa mà phải chờ đến khi BĐS khó khăn, DN sắp phá sản... mới có được những sáng kiến đầu tiên. Vậy điều gì thôi thúc sự chuyển hướng này của DN và ngân hàng?. Đây dường như không hẳn là sự tự nguyện hoàn toàn mà trước hết cũng là vì sự sống còn của chính mình.

Điều này có thể nhìn thấy từ chính thực tế kinh tế khó khăn, khiến các DN không dám vay vốn, tín dụng của các ngân hàng liên tục suy giảm, nguồn vốn tồn đọng tăng cao trong khi đó lợi nhuận sụt giảm còn rủi ro tăng lên. Chính các ngân hàng cũng đã từng kêu ca là tìm được địa chỉ giải ngân hiện nay không hề dễ, vốn tồn đọng vốn không biết đổ vào đâu ngoài việc ôm tiền đi mua trái phiếu Chính phủ lãi suất thấp. Vì thế, chọn được đối tượng để cho vay như các dự án nhà thu nhập thấp, bên cạnh các ý nghĩa xã hội thì các ngân hàng cũng đã chọn được một địa chỉ rót vốn an toàn, thu hút được một lượng khách hàng lớn về mình.

Còn đối với các DN, đúng như lãnh đạo Bộ Xây dựng chia sẻ thì vay được vốn, đầu tư cho nhà thu nhập thấp dù lợi nhuận không cao nhưng trong điều kiện hiện nay thì có việc làm, duy trì được hoạt động đã là điều tốt lắm rồi. Hơn nữa, dù không đạt lợi nhuận 10% như quy định thì có việc có vốn đề hoàn thiện dự án, bán được hàng để giải phóng tồn kho, chôn vốn thì dù lãi 4 - 5% mà an toàn cũng là điều đáng làm. Chưa kể, làm nhà ở xã hội DN còn được nhiều cái lợi khác về tiếng tăm.

Xét dưới góc độ đó, thì nhà thu nhập thấp, nhà công nhân lại trở thành một lối thoát cho cả DN và ngân hàng trong điều kiện hiện nay. Và thực tế không thể phủ nhận là chỉ khi nhà băng thừa tiền, DN khó kiếm với các dự án nhà ở thương mại thì nhà cho thu nhập thấp, nhà ở công nhân mới đến lượt.

Tuy muộn và chỉ được quan tâm sau cùng thì đây vẫn có thêm một hy vọng cho người thu nhập thấp và công nhân chưa có nhà. Chỉ mong rằng, đề ra rồi thì sớm thực hiện đừng thêm một lần chậm trễ và quên lãng như trước đây. Và cũng cầu mong rằng, ngân hàng hứa cho vay khi thừa vốn thì cũng nhớ giữ cam kết. Đừng để khi thị trường sôi động lại "bên trọng, bên khinh" chạy theo các dự án cao cấp, các lĩnh vực kinh doanh kiếm lời nhanh mà thêm một lần bỏ rơi người thu nhập thấp.

Theo VEF
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.