CafeLand – Thị trường bán lẻ khu vực Đông Nam Á nhận được sự quan tâm mạnh mẽ của các nhà bán lẻ, nhờ vào những cơ hội khi tầng lớp trung lưu ngày càng tăng và tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ hơn, theo CBRE.

Trong khi các nước châu Âu là điểm đến lý tưởng của các nhà bán lẻ trong năm nay, Trung Quốc là thị trường mục tiêu đứng đầu tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương và thứ 4 toàn cầu với 27% nhà bán lẻ dự định mở rộng cửa hàng tại nước này, tiếp theo đó là Hồng Kông, Nhật Bản và Singapore.

Trong khi đó, khu vực Đông Nam Á nhận được sự quan tâm mạnh mẽ. Các thị trường đều nhận được sự quan tâm nhiều gấp đôi năm 2015 như Malaysia (10%), Indonesia (9%), Thái Lan (8%), Việt Nam (8%) và Philippines (8%), còn tổng thể các thị trường nhận định sự quan tâm ổn định từ 1% đến 3%.

Ảnh minh họa.

Ông Henry Chin, Trưởng bộ phận Nghiên cứu CBRE châu Á – Thái Bình Dương nhận định, môi trường kinh tế ngày càng khó khăn và những mối quan ngại chi phí vận hành cao và thiếu không gian chất lượng sẽ làm cho các nhà bán lẻ phần nào cẩn trọng hơn trong năm nay.

Tuy nhiên, ngay cả khi thị trường Trung Quốc và Hồng Kông đang suy thoái chúng tôi nhận thấy ngày càng có nhiều nhà bán lẻ tìm cơ hội gia nhập vào các thị trường như Hồng Kông khi nhu cầu tiêu dùng cơ bản đang tăng dần. Nhật Bản và Úc vẫn là thị trường hấp dẫn các nhà bán lẻ, trong khi đó Đông Nam Á cho thấy sự tăng trưởng mạnh mẽ nhờ vào những cơ hội khi tầng lớp trung lưu ngày càng tăng và tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ hơn.

Tại hội thảo “Ngành bán lẻ Việt nam bước chân vào thế giới phẳng. Cơ hội hay thách thức” vừa được tổ chức tại Tp.HCM, ông Đặng Trần Hải Đăng – Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu phân tích VietinBankSc nhận định, với nền tảng 90 triệu dân trong đó có tới 60% là tiêu dùng trẻ, ngành bán lẻ Việt Nam hiện đang rất hấp dẫn. Quy mô thị trường bán lẻ năm 2015 đạt 102 tỷ USD và dự kiến sẽ đạt 179 tỷ USD sau 5 năm. Theo đó, tốc độ tăng trưởng lần lượt đạt 7,3% và 11,9% vào năm 2015 và 2020.

Dù quy mô thị trường lớn, nhưng ngành bán lẻ của Việt Nam vẫn còn tập trung quá nhiều vào các kênh phân phối truyền thống thông qua chợ, cửa hàng nhỏ lẻ. Tỷ lệ bán lẻ hiện đại của Việt Nam mới chỉ là 25%, thấp hơn rất nhiều so với các quốc gia cùng khu vực như Thái Lan (34%), Malaysia (60%), Phillippines (33%), Trung Quốc (51%), Singapore ( 90%).

Hiện cả nước có hơn 700 siêu thị, 132 trung tâm thương mại, số cửa hàng tiện lợi có thương hiệu và vận hành theo chuỗi dừng lại ở con số hàng trăm, thị phần bán lẻ hiện tại ở vùng ven và nông thôn gần như bị bỏ ngỏ. Theo quy hoạch của Bộ Kế hoạch và đầu tư, đến năm 2020 cả nước sẽ có khoảng 1.200-1.500 siêu thị, 180 trung tâm thương mại và 157 trung tâm mua sắm. Với kế hoạch này, tỷ lệ bán lẻ hiện đại sẽ đạt khoảng 45%. Ông Đăng đánh giá, đây là động lực tăng trưởng lớn, rất tiềm năng của thị trường bán lẻ Việt Nam. Theo đó, cuộc chạy đua chiếm lĩnh thị phần sẽ rất khốc liệt.

Bên cạnh đó, việc Cộng đồng kinh tế ASEAN chính thức hình thành vào cuối năm 2015, với lộ trình cắt giảm thuế hoàn toàn đến 2018 theo Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) cũng sẽ mở ra một thị trường bán lẻ với sức tiêu thụ khổng lồ, sức hấp dẫn rất lớn đối với các nhà đầu tư quan tâm đến lĩnh vực bán lẻ trong khu vực cũng như thế giới.

PV
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.