Theo Đề án 254 của Chính phủ về cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng giai đoạn 2011-2015, Chính phủ giao Bộ Xây dựng xác lập các tiêu chí bất động sản thuộc diện Nhà nước sẽ mua lại, góp phần cho các doanh nghiệp thu hồi được vốn, trả nợ xấu ngân hàng, từ đó "giải cứu” một phần thị trường bất động sản. Việc thu mua bất động sản đang là "phao cứu sinh” các nhà đầu tư.
Mua bất động sản cho người nghèo thuê

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho biết, Đề án 254 của Chính phủ nhằm mục đích an sinh xã hội, để những người không có khả năng mua nhà sẽ được thuê nhà từ những căn hộ Nhà nước mua lại. Nhà nước sẽ thu mua bất động sản đang là tài sản thế chấp tại ngân hàng sắp hoàn thành hoặc đã hoàn thành nhưng chưa bán được. Việc mua lại bất động sản sẽ giúp cho các doanh nghiệp thu hồi được vốn, trả được nợ ngân hàng. Mục đích vừa là giải cứu ngân hàng vừa phục vụ công tác tái định cư khi giải phóng mặt bằng, giúp người có thu nhập thấp có nhà ở hay làm trụ sở cho khối cơ quan nhà nước. "Chủ trương của Chính phủ xác định giúp đỡ đối tượng nghèo, người thu nhập thấp nên dự kiến sẽ mua lại những bất động sản có giá trung bình trở xuống, khoảng 15-17 triệu đồng/m2. Sau đó sẽ cho người dân thuê lại với mức giá thuê ưu đãi. Sau này, nếu đủ năng lực về tài chính, người dân có thể mua đứt căn hộ trên”.

Theo PGS.TS Trần Hoàng Ngân, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, "Mua bất động sản ở thời điểm này rất có lợi khi giá các căn hộ đang đi xuống. Đồng vốn ngân sách từ trái phiếu chính phủ hoặc từ vốn ODA chỉ có hạn ở lĩnh vực này, nên chỉ có thể mua mua lại một phần các bất động sản đang tồn đọng. Tất nhiên, trước hết phải xây dựng tiêu chí, đánh giá chặt chẽ bất động sản của doanh nghiệp từ tiền nợ, tài sản, giá bán. Mục tiêu, để đồng vốn của dân được dùng đúng mục đích, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, giúp ngân hàng khơi thông nguồn vốn nợ đọng”.

Đến thời điểm này, Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam cho biết, phía Ngân hàng Nhà nước chưa làm việc chính thức với Bộ Xây dựng, nên chưa có được những tiêu chí cụ thể. Tuy nhiên, chậm nhất đến hết quý III-2012, chủ chương của Đề án 254 của Chính phủ sẽ được triển khai hiện thực, tức sẽ bắt đầu mua lại bất động sản từ doanh nghiệp.

Hiệu ứng cầm cự chờ "phao cứu sinh”

Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, dư nợ tín dụng bất động sản hiện nay khoảng trên 8%, khoảng 203.000 tỷ đồng. Số nợ xấu bất động sản ở mức trung bình so với các nền kinh tế khác. Còn lại hơn 90% dư nợ và nợ xấu nằm ở các ngành công nghiệp nặng, xi măng, sắt thép, xuất khẩu...

8%, đó là con số tương đối thấp. TS Nguyễn Minh Ngọc, Phó Chủ nhiệm khoa Bất động sản và kinh tế tài nguyên (Trường Đại học Kinh tế quốc dân) cho rằng, thực hiện chủ trương đề án 254 của Chính phủ nếu không kín kẽ và minh bạch, sẽ khiến cho các doanh nghiệp bất động sản thay vì hạ giá bán để tiêu thụ sản phẩm, lại tiếp tục cầm cự để chờ "phao cứu sinh” từ phía Nhà nước, là nguồn tiền từ túi nhân dân, nhằm giữ giá bán bất động sản ở mức có lợi nhất. "Nhà nước sẽ phải bỏ tiền ra mua bất động sản với giá không giảm hoặc giảm không đáng kể so với giá trị thực. Hành động này sẽ chỉ làm lợi cho một nhóm đối tượng các doanh nghiệp bất động sản, tiếp đến là các ngân hàng cho vay, còn nhân dân nói chung, cả nền kinh tế nói riêng sẽ chịu tổn hại không nhỏ khi giá bất động sản sẽ tiếp tục đứng ở mức cao bất hợp lý, áp lực lạm phát gia tăng, những cơn sốt đầu cơ mới xuất hiện khi các dòng tiền đầu cơ tiếp tục được nối lại”.

Nói như TS Ngọc, rõ ràng chủ trương của Đề án 254 nếu không thực hiện bài bản, có kế hoạch cụ thể, sẽ chẳng khác nào cấp gạo cứu đói cho cả những hộ giàu ở các nơi thiên tai. Đó là chưa kể, hiệu ứng mua lại bất động sản sẽ đưa tới những khuất tất, thiếu minh bạch trong việc tại sao Nhà nước mua bất động sản này, không mua bất động sản kia, với giá này, không phải là giá kia. Khi một chủ trương an sinh đúng đắn nhưng sự "lách” luật nằm ở mọi cấp, rốt cục lại để đồng tiền của dân lại chui vào những nhóm đã đầy đủ lợi ích, ngày một giàu thêm nhưng chưa bao giờ biết trả giá.

Theo Đại Đoàn Kết
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.