CafeLand - Theo số liệu Tổng cục Thống kê vừa công bố, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9 tăng 0,4% so với tháng trước, tăng 4,61% so với cùng kỳ năm 2013.

Diễn biến CPI từ đầu năm đến nay.

CPI trong 9 tháng năm 2014 có tốc độ tăng tương đối thấp kể từ năm 2005 lại đây; bình quân mỗi tháng CPI tăng 0,25%, đây là mức tăng thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây.

CPI tháng 9 tăng ở 9/11 nhóm trong rổ hàng hóa và dịch vụ chung với mức tăng từ 0,21- 6,38%; trong đó, mức tăng nhẹ nhất thuộc về nhóm thiết bị và đồ dùng và tăng nhiều nhất là nhóm giáo dục. Hai nhóm có mức giảm là nhà ở, vật liệu xây dựng và giao thông.

Nhận định về thị trường và giá cả tháng 9/2014, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá TCTK Nguyễn Đức Thắng cho biết, CPI tháng này tăng nhẹ, yếu tố đầu tiên là do một số địa phương thực hiện lộ trình tăng học phí năm học 2014-2015 của Bộ Giáo dục theo Nghị định số 49/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 của Chính phủ. Đồng thời, nhu cầu tiêu dùng sách vở, đồ dùng học tập cho học sinh vào năm học mới tăng cao làm cho chỉ số giá nhóm giáo dục tăng cao ở mức 6,38% đóng góp vào CPI chung 0,36%.

Tiếp đó, do các doanh nghiệp xuất khẩu gạo tăng cường thu mua gạo để xuất khẩu nên giá gạo ở các tỉnh miền Nam tăng. Thời gian nghỉ lễ Quốc Khánh 2/9 kéo dài 4 ngày và trong tháng có ngày Rằm Trung Thu đã góp phần đẩy giá một số mặt hàng thực phẩm và ăn uống ngoài gia đình, giải khát và dịch vụ.

Ngoài ra, nhu cầu về nghỉ ngơi, du lịch, giải trí trong dịp nghỉ lễ Quốc Khánh 2/9 đã ảnh hưởng đến giá các mặt hàng ăn uống ngoài gia đình, tuy nhiên mức tăng giá không cao do người dân cũng hạn chế chi tiêu hơn những năm trước.

Bên cạnh những yếu tố gây tăng giá trên cũng có những yếu tố góp phần kiềm chế CPI trong tháng 9 năm 2014 như: Giá các mặt hàng thiết yếu trên thế giới khá ổn định; giá xăng dầu trong nước được điều chỉnh 3 đợt giảm giá vào các ngày 18 và 29/8/2014, và ngày 9/9/2014, chỉ số giá dịch vụ giao thông công cộng cũng giảm 0,4% so với tháng trước.

Các chuyên gia kinh tế nhận định, khi CPI giữ được ở mức ổn định, Ngân hàng Nhà nước có thể tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ, giảm lãi suất cho vay, giúp các doanh nghiệp giảm chi phí đầu vào, giảm giá thành …sẽ kích thích nhu cầu tiêu dùng. Bên cạnh đó, khi lãi suất huy động và lãi suất cho vay đều giảm sẽ tạo điều kiện khuyến khích người tiêu dùng nhiều hơn, từ đó có tác động tích cực đến sản xuất và tăng trưởng.

Dự báo của các chuyên gia ngành Thống kê, chỉ số CPI trong tháng 10 sẽ tăng ở mức như tháng 9, do các yếu tố giá cả các mặt hàng, thực phẩm, tiêu dùng sẽ tăng nhẹ.

Diệu Trang
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.