Trong khi giá cả tăng mạnh chỉ có tính cục bộ, đánh giá chung về cung - cầu hàng hóa dịp Tết Quý Tỵ vừa qua, điểm nổi bật là sức tiêu dùng khá yếu.

Mùng Sáu Tết, hệ thống siêu thị đã cơ bản trở lại hoạt động. Dù là “ngày tốt” theo tính toán của giới kinh doanh, song chuỗi cung ứng hàng hóa dường như quá “nản” với kinh doanh hồi cuối năm âm lịch trước đó, chưa có được sự vận hành sôi nổi như thường ngày. Không như mọi năm, chợ truyền thống đã họp từ mùng Hai Tết, năm nay các chợ dường như cũng “nghỉ Tết” lâu hơn, mùng Sáu rồi mà khu bán hàng thực phẩm gồm rau xanh và các loại thịt chỉ được bày khá thưa thớt...


Sức cầu trong giai đoạn Tết vẫn yếu

Nhưng đã thành thông lệ mọi năm, dịp Tết âm lịch luôn là lúc thị trường không có giá chung. Trong khoảng một tuần trước Tết Quý Tỵ, thực phẩm có hiện tượng “loạn giá”. Có câu chuyện rằng, cân giò me người này mua 170 nghìn đồng, nhưng cũng có chỗ hét giá bán 400 nghìn đồng…

Thị trường bị “cắt khúc” do một bộ phận thương lái “chán” kinh doanh và nghỉ Tết sớm, trong khi giá thực phẩm tăng những ngày sát Tết Quý Tỵ cũng có phần vì nguyên nhân thời tiết khiến nguồn cung gia súc, gia cầm đều sụt giảm, cũng có nguyên nhân kiểm soát chặt chẽ hơn nguồn cung hàng hóa từ Trung Quốc…

Trong khi giá cả tăng mạnh chỉ có tính cục bộ, đánh giá chung về cung - cầu hàng hóa dịp Tết Quý Tỵ vừa qua, điểm nổi bật là sức tiêu dùng khá yếu. Cục Thống kê TP. Hồ Chí Minh vừa thông tin “sốc” rằng: “Do năm 2012 tình hình sản xuất kinh doanh không thuận lợi, thu nhập của người lao động bị ảnh hưởng nên khả năng sức mua trong dịp Tết năm nay không bằng các năm trước”.

Báo cáo lên Trung ương, bên cạnh thông tin về chương trình bình ổn giá cả, nhiều địa phương cũng cho biết, doanh số chi tiêu trong dịp Tết vừa qua của các siêu thị không tăng nhiều như các năm trước đây. Trước đó, Tổng cục Thống kê cũng thông tin rằng, tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 1 ước tính đạt 209,5 nghìn tỷ đồng, nếu loại trừ yếu tố giá chỉ tăng 1% so với cùng kỳ năm trước.

Do tác động từ tổng cầu yếu, sản xuất có một giai đoạn khá trầm lắng. Bất chấp lãi suất đã giảm và Chính phủ áp dụng hàng loạt chính sách giãn, giảm thuế… các chỉ số về sản xuất công nghiệp vẫn chưa có dấu hiệu chuyển biến tích cực. Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 1/2013 - tháng giáp Tết Nguyên đán - giảm tới 3,2% so với tháng cuối năm ngoái, một khác biệt đáng kể so với nhiều năm trước đây.

Trong khi đó, chỉ số hàng tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tính đến ngày 1/1/2013 lại tăng 21,1% so với cùng thời điểm năm trước, mức cao nhất kể từ giữa năm 2012. Tỷ lệ giá trị hàng tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cũng chiếm tới 6,9% tổng giá trị hàng được sản xuất trong năm 2012.

Kinh doanh khó khăn, năm nay có rất nhiều DN tư nhân cũng áp dụng lịch nghỉ Tết dài như cơ quan Nhà nước. Mức giảm tín dụng trong tháng 1/2013 cũng cho thấy phần nào nhìn nhận bi quan của DN đối với triển vọng kinh doanh sắp tới…

Một ví dụ là Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh trong năm 2012 đã cấp mới mã số thuế cho 24.220 DN. Tuy nhiên, số DN ngưng, nghỉ hoạt động kinh doanh trong cùng năm là 23.767 DN, bằng 98,1% số DN được cấp mã số thuế mới. Với cả nước, số DN giải thể, phá sản, ngừng hoạt động… ước tính khoảng 52 nghìn DN trong năm 2012.

Dù kinh doanh khó khăn và thu nhập của đa số người lao động đã giảm trong năm qua, nhưng nhu cầu chi tiêu cho mâm cỗ Tết và niềm vui “trẻ em có manh áo” mới khiến sức mua ít thay đổi ở các nhóm hàng này. Một số tính toán cho rằng, nhóm thực phẩm và may mặc, mũ nón, giày dép vẫn sẽ ảnh hưởng đáng kể đến chỉ số giá tiêu dùng tháng Tết.

Theo dự báo của Công ty Chứng khoán Ngân hàng Ngoại thương (VCBS), chỉ số giá tiêu dùng tháng 2/2013 có thể tăng khoảng 1,7% so với tháng trước đó, từ mức tăng tương ứng 1,25% trong tháng 1/2013. Nếu các dự báo này trở thành hiện thực, tính trong khoảng 10 năm trở lại đây, CPI tháng 2/2013 chỉ cao hơn cùng tháng của năm 2009 và 2012, nhưng thấp hơn các năm còn lại.

Song với việc lạm phát tháng 1 tăng vọt, nên chính sách tiền tệ được NHNN điều hành hết sức thận trọng và linh hoạt. Theo thống kê của NHNN, tổng phương tiện thanh toán (M2) tính đến ngày 21/1/2013 ước chỉ tăng 0,17% so với tháng 12/2012. Trong khi đó, dư nợ đối với nền kinh tế tương ứng giảm 1,06% so với cuối năm ngoái.

Một báo cáo phát đi mới đây của VCBS lưu ý, ngay trong tháng đầu năm 2013, NHNN đã mua vào khoảng 2 tỷ USD, đồng thời hút ròng gần 41,6 nghìn tỷ đồng trên thị trường mở. Như vậy về cơ bản, chính sách tiền tệ cho thấy khả năng kiểm soát khá tốt đối với lạm phát trong tháng đầu năm này.

Anh Quân (Thời báo ngân hàng)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.