Bốn tháng đầu năm nay, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) có mức tăng thấp so với cùng kỳ nhiều năm gần đây. Song, theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, từ nay đến cuối năm, CPI sẽ chịu nhiều áp lực tăng giá khi giá điện, than, viện phí và học phí tại một số địa phương sẽ điều chỉnh tăng theo lộ trình.

CPI diễn biến bất thường?

Theo Tổng cục Thống kê, CPI bình quân quý I-2013 chỉ tăng 6,91% so với cùng kỳ năm 2012, mức tăng rất thấp trong 8 năm trở lại đây. Tháng 4-2013, CPI cả nước cũng chỉ tăng 0,02% so với tháng trước, là mức tăng thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây. Nhận định về kết quả này, ông Phan Minh Thụy, Trưởng phòng Nghiên cứu giá cả và thị trường (Viện Kinh tế - Tài chính) cho biết, diễn biến CPI những tháng đầu năm đã theo đúng quy luật: tăng khá cao vào dịp Tết Nguyên đán rồi tăng chậm lại hoặc giảm. Trong 8 năm (2006 - 2013), có tới 6 năm CPI diễn biến đúng theo quy luật này. CPI tăng chậm trong 4 tháng qua là do Chính phủ đã sử dụng "mệnh lệnh hành chính", yêu cầu chưa tăng giá một số mặt hàng thiết yếu. Giá một số hàng hóa, dịch vụ thiết yếu khác, như than, điện, dịch vụ y tế, giáo dục cũng đã được Chính phủ chỉ đạo không tăng giá dồn dập để tránh tác động tăng giá đột biến. Song, một trong những nguyên nhân khá quan trọng khiến diễn biến CPI ở Việt Nam thời gian qua tăng chậm và có dấu hiệu giảm ở một số tháng là do tổng cầu giảm, sức mua yếu. Tổng cầu giảm thể hiện rõ qua việc GDP tăng chậm, tỷ lệ hàng tồn kho so với giá trị sản xuất lớn… Thêm vào đó, việc người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu do kinh tế khó khăn cũng khiến sức mua trên thị trường giảm mạnh.

Bốn tháng đầu năm, giá các mặt hàng thiết yếu đều giảm nhẹ.Ảnh: Đàm Duy

Việc CPI 4 tháng đầu năm tăng chậm đã khiến nhiều ý kiến lạc quan cho rằng, với sức mua giảm hiện nay, mục tiêu kiềm chế lạm phát cả năm nay ở mức 6 - 6,5% không có gì đáng quan ngại. Tuy nhiên, các chuyên gia lại đưa ra một dự đoán hoàn toàn trái ngược và cho rằng áp lực tăng giá cuối năm sẽ khiến việc kiềm chế lạm phát cả năm nay ở mức 6,5% sẽ là một thách thức lớn với các nhà hoạch định chính sách. Bài toán khó hiện nay là các nhà hoạch định chính sách sẽ phải làm gì khi cùng lúc phải thực hiện hai mục tiêu: kiềm chế lạm phát, kích cầu đầu tư và tiêu dùng để giải phóng hàng tồn nhằm kích thích kinh tế phát triển.

Nhiều áp lực tăng giá cuối năm

Nhận định về diễn biến CPI cả năm nay, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, áp lực tăng giá sẽ lên cao thời điểm cuối năm này. Trên thực tế, CPI thường diễn biến theo quy luật tăng cao những tháng đầu năm (quý I), giảm dần (quý II, III), sau đó tăng mạnh vào những tháng cuối năm. Trong khi đó, việc giá than bán cho ngành điện, giá viện phí, học phí tại một số địa phương dự kiến sẽ điều chỉnh tăng theo lộ trình trong những tháng cuối năm sẽ đẩy CPI tăng nhanh.

Ngoài áp lực tăng giá hàng hóa, dịch vụ thiết yếu khiến CPI tăng mạnh, diễn biến bất thường về thời tiết, dịch bệnh cũng là một trong những nguyên nhân tác động tiêu cực tới CPI. Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho biết, thiệt hại kinh tế do thiên tai, dịch bệnh tại Việt Nam mỗi năm ước vào khoảng 1% GDP. Trong khi đó, thời điểm cuối năm thường xảy ra bão lũ, dịch bệnh, làm ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và hoạt động sản xuất, chăn nuôi. Khi dịch bệnh trên gia súc, gia cầm xảy ra làm ảnh hưởng tới nguồn cung thực phẩm sẽ dễ tạo ra những đợt khan hàng giả tạo cục bộ tại một số địa phương, đẩy giá thực phẩm tăng vọt. Vì vậy, đây là một yếu tố gây tăng giá mà chúng ta không thể chủ quan. Việc kinh tế thế giới sẽ "ấm" lên trong năm 2013 cũng sẽ tạo ra những ảnh hưởng tới CPI, dẫn đến giá nguyên, nhiên liệu trên thị trường thế giới cũng tăng trở lại, từ đó khiến giá đầu vào của nhiều sản phẩm trong nước bắt buộc phải điều chỉnh tăng, gây tác động đến CPI.

Chuyên gia Nguyễn Minh Phong cũng cho rằng, không nên chủ quan trước diễn biến tăng chậm của CPI trong 4 tháng qua. Bởi, với những diễn biến thực tế của nền kinh tế hiện nay, tốc độ tăng lạm phát quý IV sẽ cao hơn dự báo và việc thực hiện mục tiêu kiềm chế CPI cả năm nay ở mức 6 - 6,5% là khó khăn. Bởi hiện nay Chính phủ đang chịu nhiều áp lực như: Phải tăng đầu tư, nhằm kích thích nền kinh tế phát triển, song lại phải triển khai cùng lúc nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ DN khôi phục SXKD. Bài toán khó hiện nay chính là việc làm sao có thể thực hiện cùng lúc hai nhiệm vụ: Thực hiện chính sách tài khóa, tiền tệ chặt chẽ để kiềm chế lạm phát nhưng vẫn hoàn thành nhiệm vụ bồi dưỡng nguồn thu, hỗ trợ thị trường.

Rõ ràng, bức tranh kinh tế nước nhà từ nay đến cuối năm cho thấy, việc kiên trì thực hiện chính sách tài khóa và tiền tệ linh hoạt tiếp tục đóng vai trò mấu chốt trong kiềm chế lạm phát. Bên cạnh đó, cần có những biện pháp mạnh nhằm tái cơ cấu hệ thống tín dụng và kiên quyết loại bỏ những ngân hàng yếu kém để xử lý nợ xấu. Khi những chính sách này được thực hiện đồng bộ, nền kinh tế sẽ vận hành hiệu quả và hạn chế được những tác động tiêu cực làm ảnh hưởng đến việc thực hiện các mục tiêu tăng trưởng được Chính phủ đặt ra từ đầu năm.
Hương Ly (Hà Nội mới)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.